Samsung Việt Nam tố LG vi phạm luật quảng cáo với TV OLED, LG đáp trả: 'Chúng tôi không sai'

29/11/2019 09:21 AM | Kinh doanh

Samsung cho rằng quảng cáo TV mới của LG đã có ý so sánh OLED TV với QLED TV của hãng mình, nhưng phía LG cho rằng đó là ngụy biện.

LG đã tung ra một TVC quảng cáo về OLED TV vào ngày 18/11 mới đây và đặc biệt là phát sóng nó trong thời gian quảng cáo giữa hai hiệp của trận đấu Việt Nam - Thái Lan trong khuôn khổ vòng loại Vòng chung kết World Cup 2022. Hình ảnh đẹp, nội dung thú vị, minh họa rõ ràng, đoạn quảng cáo đã gây nhiều ấn tượng với người xem.

Nhưng, công ty điện tử Samsung Vina thì cho rằng LG đã vi phạm luật Quảng cáo với TVC này, vì đã có ý so sánh OLED TV với QLED TV của hãng. Đơn khiếu nại đã được gửi tới một số cơ quan quản lý.

Quảng cáo OLED TV của LG gây tranh cãi.  

Theo ghi nhận thực tế, nội dung đoạn quảng cáo có nhiều phần so sánh giữa công nghệ OLED và LED, tuy nhiên không trực tiếp sử dụng khái niệm QLED. Hình ảnh duy nhất mang nội dung "QLED" được LG biến tấu khéo léo thông qua việc thay đổi tên gọi của chiếc TV theo bảng chữ cái, gồm A, B, F, U, Q, K, S, T để gắn kèm khái niệm LED. Chỉ là phần QLED để dừng hình... hơi lâu một chút.

Samsung Việt Nam tố LG vi phạm luật quảng cáo với TV OLED, LG đáp trả: Chúng tôi không sai - Ảnh 2.

LG khéo léo lồng chữ QLED vào trong quảng cáo của mình.

Phía LG sau đó cũng đã đưa ra thông cáo báo chí phản hồi về sự việc này.

Đầu tiên, đại diện LG tuyên bố công ty "không phạm luật quảng cáo" và "không có chủ ý so sánh bất kỳ một sản phẩm, thương hiệu cụ thể nào trong TVC quảng cáo của mình". Trong quảng cáo nói trên, đối tượng so sánh mà LG hướng tới là 2 công nghệ TV nói chung là LED và OLED. LG cho biết TVC này vẫn đang được phép trình chiếu, phát sóng ở nhiều nước trên thế giới chứ không chỉ Việt Nam.

Thứ hai, LG cho biết hiện công ty là nhà sản xuất có bản quyền sở hữu đầy đủ các công nghệ màn hình TV phổ biến nhất, bao gồm cả LED và OLED. Do đó, mục đích của quảng cáo nói trên là nhằm phân biệt, nêu bật các ưu điểm của công nghệ OLED so với dòng TV LED nói chung, trong đó có cả các dòng TV LED thông thường của LG. Như vậy, có thể hiểu việc Samsung "nhận vơ" bản thân vào là không cần thiết.

Samsung Việt Nam tố LG vi phạm luật quảng cáo với TV OLED, LG đáp trả: Chúng tôi không sai - Ảnh 3.

OLED và QLED vẫn cạnh tranh nhau kể từ khi xuất hiện.

Thứ ba, liên quan tới vấn đề so sánh chất lượng, LG khẳng định các khái niệm được nhắc tới trong quảng cáo như "màu đen tuyệt đối, độ tương phản sắc nét, chất lượng âm thanh hoàn mỹ, thiết kế mỏng như giấy và đặc biệt là sẽ không có sự khác biệt về chất lượng hình ảnh ở các góc nhìn khác nhau" là những điều công nghệ OLED làm được hơn so với LED, chứ không phải một công nghệ của hãng nào khác (như QLED của Samsung).

Cuối cùng, đại diện LG nói rằng TVC của mình chỉ so sánh TV OLED với các dòng TV LED thông thường nói chung, không so sánh tới QLED của Samsung. Nhưng trong công văn khiếu nại, Samsung cho rằng những khuyết điểm của dòng TV LED thông thường trong TVC chính là nhằm nói về TV QLED của họ.

"Như vậy Samsung khẳng định QLED chính là công nghệ LED", thông cáo báo chí của LG viết. "Trước đó, nhiều ý kiến cho rằng việc Samsung đặt tên QLED khiến họ hiểu nhầm công nghệ cùng chung cấu trúc/đẳng cấp với OLED. Chính vì vậy, TVC này của chúng tôi là lời giải thích hợp lý để người dùng nhận biết và phân biệt sự khác nhau giữa các công nghệ, đồng thời chỉ ra những ưu việt của công nghệ OLED giúp khách hàng đưa ra sự lựa chọn đúng đắn."

Đây có thể nói là cú đáp trả thẳng thừng và mạnh mẽ của LG về phía đối thủ chính và lớn nhất của mình trên thị trường TV.

Samsung Việt Nam tố LG vi phạm luật quảng cáo với TV OLED, LG đáp trả: Chúng tôi không sai - Ảnh 4.

Quảng cáo mới của Samsung cũng đá xoáy LG

Nhưng nói qua cũng phải nói lại, mới đây Samsung cũng "cà khịa" LG trong quảng cáo TV mới của mình, sử dùng ảo ảnh thị giác để đá xoáy lỗi burn-in trên sản phẩm của đối thủ.

Cụ thể trong video đó, Samsung cho hiển thị một hình tròn màu trắng trên nền màu đen và bắt người dùng phải tập trung vào phần tâm của nó. Sau khi hình tròn này biến mất, nó vẫn hiện lên ở tầm nhìn của người dùng, không khác gì hiện tượng burn-in trên TV OLED.

Theo Bảo Nam

Cùng chuyên mục
XEM