Samsung ra sao sau khi chủ tịch Lee Kun-hee qua đời?

25/10/2020 10:45 AM | Kinh doanh

Chủ tịch vừa qua đời, Phó chủ tịch đang có nguy cơ phải ngồi tù 10 năm, con thuyền Samsung sẽ ra sao?

Như thông tin đã đưa, Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Kun-hee vừa qua đời, hưởng thọ 78 tuổi.

Sự ra đi của chủ tịch Lee thời điểm này là một nỗi đau vô cùng lớn với Samsung. Ngoài ra nó cũng đến vào một thời điểm khá nhạy cảm. Kể từ khi ông phải điều trị bệnh vào năm 2014, "thái tử" Samsung Lee Jae-yong là người thay ông nắm quyền điều hành tập đoàn. Tuy nhiên kể từ đó sóng gió luôn ập đến.

"Thái tử" liên tục vướng vòng lao lý

Đầu tuần này, phiên tòa xét xử vụ án Phó chủ tịch Samsung Electronics là Lee Jae-yong bị cáo buộc tội thao túng chứng khoán và vi phạm quy định diễn ra từ 5 năm trước vừa diễn ra.

Văn phòng công tố nói rằng người thừa kế 52 tuổi của tập đoàn Samsung liên quan tới vụ việc thao túng giá chứng khoán của Samsung C&T và Cheil Industries khi 2 công ty sáp nhập năm 2015.

"Ông Lee đã nỗ lực đảm bảo sự sự thừa kế ngai vàng của mình với chi phí thấp nhất, củng cố quyền kiểm soát của ông ta. Chúng tôi quyết định buộc tội ông ta dựa trên việc xem xét tới những tội danh đáng kể gây ra sự xáo trộn đối với thị trường chứng khoán", theo Lee Bok-hyun – một công tố viên cao cấp tại Văn phòng công tố Seoul nói.

Samsung ra sao sau khi chủ tịch Lee Kun-hee qua đời? - Ảnh 1.

Vị công tố viên này cũng nói rằng ông Lee chính là người chấp thuận để những sai phạm kế toán tại Samsung Bilogics – một chi nhánh thuốc của Samsung C&T xảy ra như một phần kế hoạch củng cố quyền lực của ông tại tập đoàn. Ông Lee là cổ đông lớn nhất tại Samsusng C&T – công ty con thuộc tập đoàn Samsung với 17,33% cổ phần.

Tuy nhiên, phía văn phòng công tố chưa gửi đơn yêu cầu lệnh bắt giữ với ông Lee thời điểm này – điều đó có nghĩa là ông có khả năng đối mặt với phiên tòa mà không bị bắt tạm giam. Hiện thời gian chính xác diễn ra phiên tòa sẽ được phía tòa án sắp xếp. Trước đó vào tháng 6, tòa án cũng bác yêu cầu bắt giữ ông Lee của phía văn phòng công tố liên quan tới vụ án khác.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Lee vướng vào những cáo buộc pháp lý. Năm 2017, ông đã bị ngồi tù vì những cáo buộc liên quan tới cựu Thủ tướng bị phế truất Park Geun-Hye nhưng lại được thả ra vào tháng 2/2018. Hiện tại, tòa án đang nỗ lực bắt giữ lại ông này khi Tòa án tối cao lật lại vụ án vào năm ngoái. Phiên tòa này hiện vẫn đang chờ diễn ra và nếu quyết định cuối cùng chống lại Lee, ông có thể tiếp tục phải ngồi tù lần nữa.

Với cáo buộc mới nhất, các công tố viên đã dành 2 năm để điều tra sau khi Sở giao dịch chứng khoán lần đầu tiên nói rằng họ đã nhận thấy những sai phạm về kế toán diễn ra tại Samsung Biologics. Các công tố viên tiếp tục mở rộng điều tra về quá trình chuyển giao quyền lực tại tập đoàn Samsung vào năm ngoái, nói rằng ban lãnh đạo tập đoàn đã nâng khống giá trị Samsung Biologics để giúp Lee củng cố quyền kiểm soát.

Lee và Samsung từ chối mọi cáo buộc nói rằng họ không phạm luật và cam kết mọi hoạt động trong quá trình sáp nhập Samsung Biologics là theo chuẩn kế toán quốc tế.

Việc liên tục bị vướng vào vòng lao lý đã kéo đám mây đen bao quanh nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới, nhất là trong bối cảnh họ phải cùng lúc đối mặt với khủng hoảng vì Covid-19 và những căng thẳng chính trị.

Báo lãi cao kỷ lục nhưng tương lai vẫn chưa chắc chắn

Sóng gió bủa vây nhưng thời gian này nhờ đối thủ Huawei "gặp hạn" mà Samsung đã được hưởng lợi không hề nhỏ. Cụ thể, hồi tháng 10 tập đoàn này đã công bố lợi nhuận hoạt động đạt 12,3 nghìn tỷ won (10,6 tỷ USD) trong 3 tháng kết thúc vào tháng 9, vượt dự báo 10 nghìn tỷ won của các chuyên gia phân tích trước đó. Doanh thu trong quý đạt 66 nghìn tỷ won. Công ty hiện không công khai lợi nhuận ròng hay công bố chi tiết kết quả kinh doanh từng mảng. Các con số chi tiết sẽ được công bố vào cuối tháng này khi ra báo cáo cuối cùng.

Khi kế hoạch ra mắt iPhone 5G của Apple bị hoãn sang tháng 10, còn Huawei thì vật lộn với quá nhiều khó khăn, Samsung đang có một quý dễ dàng hơn bao giờ hết trong việc cạnh tranh ở lĩnh vực di động. Thậm chí, công ty đã cải thiện đáng kể lợi nhuận nhờ việc giảm chi phí marketing trong đại dịch.

"Samsung sẽ chứng kiến biên lợi nhuận cao hơn trong năm 2021 khi Huawei tiếp tục gặp khó khăn", theo Lee Su-bin – chuyên gia phân tích tới từ Daishin Securities. Ông bổ sung thêm rằng Samsung sẽ được hưởng lợi từ sự ra đời nhanh chóng của 5G và những tập trung mới vào điện thoại gập. Ông dự đoán Samsung sẽ báo cáo bán ra 80,6 triệu điện thoại thông minh trong quý 3 – tăng 49% so với quý 2.

Samsung ra sao sau khi chủ tịch Lee Kun-hee qua đời? - Ảnh 2.

Dù đón nhận những kết quả kinh doanh tốt hơn kỳ vọng của giới phân tích rất nhiều nhưng tương lai Samsung vẫn còn nhiều bất định. Được biết tội danh thao túng chứng khoán và vi phạm các quy tắc kế toán mà "thái tử" Samsung đang bị truy tố nếu là đúng, ông có thể đối diện với mức án cao nhất lên tới 10 năm tù giam.

Đây dĩ nhiên sẽ là tình huống mà Samsung không mong xảy ra bởi họ sẽ mất đi sự lãnh đạo, điều hành trực tiếp từ vị sếp cấp cao nhất.

Chưa kể đến việc các đối thủ ở Trung Quốc ngày một nhiều và Huawei cũng đang có dấu hiệu hồi phục khiến đà tăng trưởng trong tương lai của Samsung trở nên bất định.

Ngoài ra, câu hỏi về việc thừa kế và ai là người thay thế vị trí chủ tịch của ông Lee Kun-hee tại Samsung cũng được dư luận quan tâm. Ngoài sự phức tạp, việc chuyển giao quyền lực tại tập đoàn Samsung còn có kích thước quá lớn, chịu sự soi xét rất kỹ lưỡng từ các nhà chức trách.

Vân Đàm

Từ khóa:  samsung
Cùng chuyên mục
XEM