Samsung mất 1/5 giá trị sau 8 tháng
Giá cổ phiếu Samsung đã mất hơn 3% trong tháng này, nâng tổng mức giảm kể từ đợt đỉnh vào ngày 11/1 lên mức 21%.
Tờ Bloomberg đưa tin, đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ đang diễn ra trên toàn cầu đã gây tác động không hề nhỏ cho Samsung Electronics. Cổ phiếu công ty này diễn tiến xấu hơn so với phần lớn thị trường chứng khoán Hàn Quốc.
Cụ thể, giá cổ phiếu Samsung đã mất hơn 3% trong tháng này, nâng tổng mức giảm kể từ đợt đỉnh vào ngày 11/1 lên mức 21%. Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán tổng lượng cổ phiếu trị giá 18,24 nghìn tỷ won (15,3 tỷ USD) của Samsung. Các lo ngại về tác động của lạm phát đang đẩy lo lắng về việc chậm giao điện thoại và giá chip DRAM đạt đỉnh.
Dù vẫn chỉ đang vào đầu tháng 10, tuy nhiên cổ phiếu Samsung đã khởi đầu tháng thứ 4 liên tiếp giảm – mức lâu nhất kể từ năm 2018.
Dẫu vậy, khá nhiều chuyên gia phân tích vẫn không khuyến nghị bán và tỏ ra lạc quan với cổ phiếu Samsung. Trên 93% trong số 45 chuyên gia phân tích nói rằng cổ phiếu này nên mua hoặc xếp hạng tương tự. Họ dự đoán Samsung sẽ chứng kiến cổ phiếu hồi phục 40% trong 12 tháng.
Thời gian gần đây, tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu đang ảnh hưởng đến nhiều thương hiệu điện thoại thông minh. Và tình trạng này được cho là còn tồi tệ hơn tại Samsung.
Chủ tịch mảng di động của hãng là ông TM Roh đã phải hai lần đích thân đặt chân tới Mỹ để yêu cầu một nhà sản xuất chip "giấu tên" cung cấp thêm chip. Mặc dù không được tiết lộ, nhưng rất có thể nhà sản xuất chip đó là Qualcomm. Hiện nay, Samsung đang sử dụng chip của Qualcomm trên nhiều dòng smartphone và tablet, trong đó bao gồm các model cao cấp như Galaxy Z Fold3, Galaxy Z Flip3, Galaxy S21 hay Galaxy Tab S7.
Nguồn tin của TheElec cho biết ông TM Roh đã hai lần tới Mỹ trong năm nay nhằm mục đích trên, lần đầu tiên trong tháng 3 và lần thứ hai trong tháng 7. Tuy nhiên, trong cả hai lần, yêu cầu của TM Roh đều bị từ chối. Nhà sản xuất chip Mỹ nói với chủ tịch Samsung rằng họ rất muốn tăng cường sản lượng chip, nhưng không thể ưu tiên cho Samsung.
Đây được đánh giá là điều rất bất thường khi xét đến vị thế của Samsung, cũng là hãng smartphone số 1 thế giới. Các chuyên gia chỉ ra rằng sự phụ thuộc ngày càng tăng của Samsung vào các ODM (Original Design Manufacturer) là một trong những lý do khiến sức mua linh kiện của Samsung suy giảm.
Nguồn: Bloomberg