[Sách hay] Tất cả về tạo lập mô hình kinh doanh
Mô hình kinh doanh là cách thức một tổ chức tạo lập, phân phối và nắm bắt giá trị. Mỗi ngành nghề sẽ có một cách thức tạo ra và phân phối giá sản phẩm/dịch vụ riêng.
Tuy nhiên, dù hoạt động trong lĩnh vực nào thì mô hình kinh doanh của bạn vẫn phải được xây dựng dựa trên và bao gồm một số thành tố cơ bản. Alexander Osterwalder và Yves Pigneur gọi đó là "khung mô hình kinh doanh".
Alexander Osterwalder là nhà lý thuyết và cố vấn kinh doanh người Thụy Sĩ. Yves Pigneur là Giáo sư về Hệ thống thông tin quản trị tại Đại học Lausanne, Thụy Sĩ. Hai người, cùng sự đóng góp của 470 cố vấn và doanh nhân từ 45 quốc gia, đã viết cuốn Business Model Generation (Tạo lập mô hình kinh doanh) - cung cấp những hiểu biết sâu sắc về bản chất của mô hình kinh doanh cùng những phương pháp thiết kế các mô hình kinh doanh sáng tạo, đổi mới, hoặc tái tạo mô hình kinh doanh kiểu cũ.
Trong Business Model Generation, trước khi giới thiệu các hình mẫu mô hình kinh doanh và đưa ra các giải pháp để thiết kế một mô hình kinh doanh, các tác giả phân tích cái gọi là "khung mô hình kinh doanh".
Theo đó, một mô hình kinh doanh bất kỳ đều phải được xây dựng dựa trên 9 thành tố cơ bản, gồm:
1/ Customer Segment (CS) - Phân khúc khách hàng: Xác định những tập hợp cá nhân hay tổ chức khác nhau mà doanh nghiệp tiếp cận và phục vụ.
2/ Value Propositions (VP) - Giải pháp giá trị: Mô tả gói sản phẩm và dịch vụ mang lại giá trị cho một phân khúc khách hàng cụ thể.
3/ Channels (CH) - Các kênh kinh doanh: Diễn tả cách thức một công ty giao thiệp và tiếp cận các phân khúc khách hàng của mình nhằm chuyển đển họ một giải pháp giá trị.
4/ Customer Relationships (CR) - Quan hệ khách hàng: Diễn tả các hình thức quan hệ mà một công ty thiết lập với các phân khúc khách hàng cụ thể.
5/ Revenue Streams (R$) - Dòng doanh thu: Phản ánh lượng tiền mặt mà một công ty thu được từ mỗi phân khúc khách hàng (các chi phí phải được khấu trừ khỏi doanh thu để tạo ra thu nhập).
6/ Key Resources (KR) - Nguồn lực chủ chốt: Mô tả những tài sản quan trọng nhất cần có để vận hành một mô hình kinh doanh.
7/ Key Activities (KA) - Hoạt động trọng yếu: Mô tả những việc quan trọng nhất mà một công ty phải làm để vận hành mô hình kinh doanh của mình.
8/ Key Partnerships (KP) - Các đối tác chính: Mô tả mạng lưới bao gồm các nhà cung cấp và đối tác mà nhờ đó mô hình kinh doanh có thể vận hành.
9/ Cost Structure (C$) - Cơ cấu chi phí: Mô tả mọi chi phí phát sinh để vận hành một mô hình kinh doanh.
Trong số rất nhiều doanh nhân đã chia sẻ về việc sử dụng "khung mô hình kinh doanh" này, một doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực đào tạo của Hoa Kỳ - Bob Dunn cho biết: "Tôi sử dụng khung mô hình kinh doanh trong quá trình đào tạo các doanh nhân non trẻ đến từ nhiều lĩnh vực kinh doanh như một cách hiệu quả hơn rất nhiều để biến các kế hoạch kinh doanh thành quá trình kinh doanh thực sự, mà theo đó họ "sẽ" cần vận hành công việc kinh doanh của mình và đảm bảo rằng họ đã chú trọng đến khách hàng của mình theo cách khiến công việc kinh doanh mang lại nhiều lợi nhuận nhất có thể".
Ở phần 2 của cuốn sách, các tác giả đã cung cấp 5 hình mẫu mô hình kinh doanh. Đó là:
Mô hình chuyên biệt hóa kênh phân phối, với 3 dạng nghiệp vụ cốt lõi là cải tiến sản phẩm (như ngành truyền thông di động), quan hệ khách hàng (như ngành ngân hàng) và quản trị cơ sở hạ tầng.
Mô hình "Cái đuôi dài" nhằm bán nhiều loại sản phẩm với số lượng ít hơn (như ngành xuất bản sách).
Nền tảng đa phương - tạo ra giá trị bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho sự tương tác giữa các nhóm khác nhau (như Google, Apple).
Miễn phí với tư cách một mô hình kinh doanh, trong đó ít nhất một phân khúc khách hàng đông đảo có thể hưởng lợi từ một mặt hàng miễn phí một cách liên tục, được tài trợ bởi một thành phần khác trong mô hình kinh doanh hoặc một phân khúc khách hàng khác (chẳng hạn miễn phí với các sản phẩm cơ bản, thu phí với các tính năng nâng cao).
Mô hình kinh doanh mở - nhằm tạo ra và nắm giữ giá trị nhờ hợp tác một cách có hệ thống với các đối tác bên ngoài (như mô hình kinh doanh của P&G).
6 kỹ thuật thiết kế mô hình kinh doanh là nội dung phần 3 của Business Model Generation. Trong đó, các tác giả diễn giải một số phương pháp và kỹ thuật trong lĩnh vực thiết kế nhằm giúp các doanh nhân thiết kế những mô hình kinh doanh tiến bộ và hiệu quả hơn.
Các kỹ thuật đó gồm: Thấu hiểu khách hàng, tạo lập ý tưởng, tư duy trực quan, chạy thử nguyên mẫu, kể chuyện, và xây dựng kịch bản.
Giám đốc điều hành thương hiệu O'Reilly - Tim O'Reilly nói rằng: "Không có mô hình kinh doanh nào là duy nhất. Thực tế là luôn có rất nhiều cơ hội cũng như phương án, và chúng ta chỉ cần khám phá chúng mà thôi". Trong phần 4 của cuốn sách - Chiến lược, các tác giả sẽ giúp bạn xem xét một cách hiệu quả những mô hình kinh doanh cũng như thiết lập tính chiến lươc cho quá trình đánh giá môi trường của mô hình kinh doanh của bạn.
4 khía cạnh của chiến lược sẽ được phân tích gồm: Môi trường của mô hình kinh doanh, đánh giá mô hình kinh doanh, quan điểm về các chiến lược đại dương xanh xét trên khía cạnh mô hình kinh doanh, và làm thế nào để kiểm soát những mô hình kinh doanh khác nhau cùng tồn tại trong một doanh nghiệp.
Quy trình thiết kế mô hình kinh doanh chung thích hợp với những yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp là nội dung chính cuối cùng của Business Model Generation.
Các tác giả cho biết "đây không phải là một cuốn sách chiến lược hay quản trị điển hình" mà là "một cuốn sổ tay hướng dẫn thiết thực dành cho những người có tầm hìn xa trông rộng, những người thay đổi cuộc chơi, và những kẻ thách thức nôn nóng muốn thiết kế lại hoặc cải tổ các mô hình kinh doanh".
Góp phần hoàn thiện cuốn sách này là một cộng đồng trực tuyến với 470 thành viên của Trung tâm Đổi mới mô hình kinh doanh (Business Model Innovation Hub) - những chuyên gia kinh doanh khắp nơi trên thế giới. Họ đã đóng góp các tình huống, ví dụ và nhận xét phê bình bản thảo, vì vậy cuốn sách này còn chỉ ra rất nhiều tình huống mà một doanh nghiệp có thể gặp phải trong nền kinh tế toàn cầu hiện nay.
Chủ tịch Ban Kinh doanh toàn cầu Công ty Matson Navigation, Giám đốc Chương trình MBA cho nhà quản lý Việt Nam (VEMBA) Trường Kinh doanh Shidler - Đại học Hawaii (Mỹ) Bùi Xuân Tùng cho rằng, "Trong một nền kinh tế đang chuyển đổi như hiện nay, các doanh nhân Việt Nam nên ứng dụng những ý tưởng được nêu trong cuốn sách này, qua đó họ không chỉ thách thức các mô hình kinh doanh truyền thống mà còn phát triển được khả năng thích nghi cần thiết".