[Sách hay] Creating a Learning Society: Kiến tạo xã hội học tập

03/01/2015 15:18 PM |

“Kiến tạo xã hội học tập” của nhà Nobel kinh tế học Stiglitz và Greenwald đưa ra ý tưởng về một mô hình xã hội phát triển và tiến bộ mới trên nền tảng “học tập” bao gồm phát minh, sáng tạo và học cách học tập như thế nào.

Thông tin sách:

Tên sách: Creating a Learning Society: A New Approach to Growth, Development, and Social Progress (Tạm dịch: Kiến tạo xã hội học tập: Một cách tiếp cận mới cho Tăng trưởng, Phát triển và Tiến bộ xã hội).

Tác giả: Joseph E. Stiglitz, và Bruce C. Greenwald 

Được xuất bản vào tháng 6/2014 bởi Nhà xuất bản Đại học Columbia (Columbia University Press), Hoa Kỳ. “Kiến tạo xã hội học tập” hiện đang là cuốn sách được nhiều nhà kinh tế học, khoa học xã hội, học giả và đọc giả trên thế giới quan tâm. 

Giới thiệu sách:

“Kiến tạo xã hội học tập” của nhà Nobel kinh tế học Stiglitz và Greenwald đưa ra ý tưởng về một mô hình xã hội phát triển và tiến bộ mới trên nền tảng “học tập” bao gồm phát minh, sáng tạo và học cách học tập như thế nào. 

Bằng cách kết hợp ý tưởng của lý thuyết Kenneth Arrow về “học tập thông qua công việc” của Arrow và mô hình tăng trưởng kinh tế của Robert Solow. Cuốn sách được chia làm 3 phần trong đó:

Phần I nêu lên tầm quan trọng của việc học, tiến tới một mô tả về cách các doanh nghiệp học tập và phát minh, vấn đề về cấu trúc thị trường nơi mà các doanh nghiệp hoạt động tác động như thế nào đến khả năng học tập và sáng tạo của doanh nghiệp, và kết thúc với đánh giá phúc lợi và trạng thái ổn định của toàn bộ nền kinh tế.

Phần II phân tích vào các vấn đề phức tạp hơn, chẳng hạn như học tập trong một nền kinh tế đóng và động lực trong dài hạn, học tập trong môi trường cạnh tranh độc quyền, hay tăng trưởng trong dài hạn của nền kinh tế và vai trò của đổi mới. 

Trong khi đó, trong phần III các tác giả bàn về các giải pháp cho một xã hội học tập. Các tác giả đưa ra các chính sách ở nhiều lĩnh vực để kiến tạo thành công một xã hội học tập năng động từ các chính sách phát triển ngành, chính sách về tài chính, các chính sách vĩ mô cho đến các chính sách về quyền sở hữu trí tuệ và chuyển hoá xã hội. 

Và cuối cùng, phần IV trình bày các bình luận của tác giả về các lý thuyết hay quan điểm về tang trưởng va tiến bộ xã hội của các nhà kinh tế học nổi tiếng khác trên thế giới như Kenneth Arrow và Robert Solow. 

“Kiến tạo xã hội học tập” đã chỉ ra rằng thu nhập tăng chủ yếu không phải do tích luỹ vốn mà là do tiến bộ công nghệ, chính cách con người ta học làm mọi thứ một cách hiệu quả hơn đã mang lại sự tăng trưởng về thu nhập. Bên cạnh đó, nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng năng suất lao động chính là những sáng kiến, cải tiến nhỏ.

Vì vậy, để có mô hình xã hội phát triển và tiến bộ cần tập trung vào những phương pháp học tập của xã hội và những chính sách, giải pháp giúp thúc đẩy việc học, trong đó có phương pháp học tập. Học tập thành công được các tác giả nhấn mạnh như là một động lực hàng đầu cho thành công của các cá nhân, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. 

Stiglitz và Greenwald cũng chỉ ra rằng mặc dù ưu điểm lớn nhất của nền kinh tế thị trường là khả năng thúc đẩy việc đổi mới và sáng tạo, tuy nhiên thị trường không phải là công cụ hiệu quả để tạo ra khoản đầu tư hiệu quả và đúng hướng cho hoạt động nghiên cứu và giáo dục vì các động cơ hoạt động của thị trường tư nhân không phải lúc nào cũng phù hợp với lợi ích chung của xã hội.

Do vậy, các chính sách của chính phủ với vai trò cung cấp hàng hóa công cho nghiên cứu và phát triển rất quan trọng. Các chính sách tạo ra phát minh, sáng tạo và đổi mới có nguồn gốc từ học tập năng động cần được áp dụng ở tất cả các lĩnh vực, các ngành, các khu vực sản xuất trong nền kinh tế. Như vậy, học tập mà Stiglitz và Greenwald đề cập ở đây là học tập theo nghĩa rộng, tức là “học tập thông qua công việc” thường nhật, chứ không phải là chỉ học tập ở hệ thống giáo dục chính thức. 

Do vậy, trong cuốn sách này, các tác giả nhấn mạnh rằng sự phát triển của một nền công nghiệp là một quá trình học tập, các công ty phát triển và các nước đang phát triển nên tập trung học tập bằng ba cách: Phát minh ra những điều mới, sáng tạo để ứng dụng các phát minh vào quy trình sản xuất và tìm hiểu cách học tập như thế nào. 

Sự khác nhau giữa một nền kinh tế thành công và thất bại là ở quá trình học tập nhằm cho phép các doanh nghiệp, các ngành và cuối cùng là toàn bộ nền kinh tế đạt được chính tiềm năng thực sự của nó. Do đó, các chính sách mà chính phủ đưa ra cần đạt được mục tiêu là góp phần kiến tạo nên một xã hội, một nền kinh tế học tập năng động và tính lan toả của những tri thức, phát minh và tiến bộ công nghệ. Ví dụ như một chính sách phát triển một ngành công nghiệp được xem là thành công khi nó làm cho các thành công được lan toả sang những hoạt động kinh tế khác. Các ngành kinh tế này được xem là những “mối nối” về tri thức trong nền kinh tế. 

Đề cập đến các chính sách cho một xã hội học tập, Stiglitz và Greenwald đã phê phán rằng nhiều chính sách đặc biệt là những chính sách liên quan tới đồng thuận Washington của phái tân tự do đã áp đặt cho các nước đang phát triển với mục tiêu quan trọng là thúc đẩy việc phân bố nguồn lực một các hiệu quả mà không hề hiểu rằng thực tế việc này đang cản trở quá trình học hỏi và do đó, về lâu dài mức sống sẽ thấp đi. 

Trong cuốn sách của mình, Joseph Stiglitz và Bruce Greenwald đã cho rằng quan điểm độc quyền mang lại sự đổi mới của Schumpeter không phải lúc nào cũng đúng, đồng thời thừa nhận rằng quan điểm đối lập rằng sự cạnh tranh tạo nên động lực cho sự đổi mới là rất có thể.

Cuốn sách của Stiglitz cũng đã cung cấp một cái nhìn mới về vai trò của chính phủ trong việc kích thích tăng trưởng và phúc lợi khi đó kiến thức trở thành một hàng hoá công thiếu vắng sự can thiệp của chính phủ, tuy nhiên để biết được sự can thiệp như thế nào để mang lại kết quả học tập hiệu quả nhất là một câu hỏi chưa có câu trả lời. 

Theo các tác giả, hầu như tất cả chính sách của chính phủ đều có tác động trực tiếp hay gián tiếp vào quá trình học tập. Các nước đang phát triển cần có những người hoạch định chính sách hiểu về vấn đề này để có thể trang bị khả năng thu hẹp khoảng cách kiến thức với các nước phát triển. Bên cạnh đó, các nước phát triển nhìn thấy được những tác động đến quá trình học tập sẽ có thể cải thiện chính sách và tránh nguy cơ trì trệ lâu dài. 

Giới thiệu tác giả: 

Josheph Stiglitz được biết đến như là một Nhà kinh tế học lỗi lạc đương đại ông  hiện đang là Giáo sư Kinh tế học tại Đại học Columbia.  Ông đạt giải  Nobel về Kinh tế học vào năm 2001, và trước đó vào năm 1979 là Huy chương John bates Clark của Hiệp hội Kinh tế học Hoa Kỳ.

Josheph Stiglitz từng là Phó Chủ tịch thường trực và Kinh tế trưởng (Chief Economist) của Ngân hàng Thế giới vào giai đoạn 1997 - 2000, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Clinton trong giai đoạn 1995 - 1997.

Trong nhưng năm gần đây, các nghiên cứu, và đóng góp chính sách của Stiglitz tập trung vào các vấn đề quan trọng mà cả thế giới đang đối mặt như Bất bình đẳng, Biến đổi khí hậu va nóng lên toàn cầu. Stiglitz được xem là một trong những nhà tư duy lớn hiện nay trên thế giới.

Bruce C. Greenwald hiện là giáo sư tại Trường Đại Học Kinh Doanh Columbia và là Giám đốc nghiên cứu tại Quỹ FirstEagle. Ông được tạp chí The New York Times coi như là  "một bậc thầy dày dặn kinh nghiệm của phố Wall", bên cạnh đó ông được công nhận thẩm quyền giám định đầu tư cũng như có kiến thức chuyên môn về hiệu suất và tính kinh tế của thông tin.

>> [Sách hay] Mass Flourishing: Thịnh vượng đại chúng

Phương Huỳnh

Phương Huỳnh

Cùng chuyên mục
XEM