[Sách hay] Chủ nghĩa hiệu dụng: Kiên trì với số ít

20/12/2014 09:43 AM |

Với phương châm làm ít hơn - nhưng tốt hơn “Chủ nghĩa hiệu dụng - Kiên trì với số ít” xoay quanh hai vấn đề chính là giúp người đọc nhận thức được con người “hiệu dụng” và cách trở thành con người “hiệu dụng”.

Thông tin sách:

Tên sách: Essentialism - The Disciplined Pursuit of Less (Tạm dịch: Chủ nghĩa hiệu dụng - Kiên trì với số ít)

Tác giả: Greg McKeown

Được xuất bản lần đầu tiên vào tháng 4 năm 2014 bởi Nhà xuất bản Crown Business, Hoa Kỳ. 

Essentialism - The Disciplined Pursuit of Less” là một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới theo xếp hạng của New York Times, đồng thời cũng là một trong những cuốn sách kinh doanh được quan tâm  và yêu thích nhiều nhất theo xếp hạng của Amazon. 

Giới thiệu nội dung:

Trong cuộc sống hiện tại, có lúc nào bạn cảm thấy mệt mỏi và chán nản vì những việc phải làm trong “to do list” của mình? Có khi nào bạn cảm thấy đầu óc như bị kéo căng ra, mỗi ngày bạn luôn thầm ước có hơn 24 giờ và hầu như những việc bạn làm đang không có hiệu quả, cho dù bạn đã mất khá nhiều thời gian để lập kế hoạch và sắp xếp công việc của mình?

Chủ nghĩa hiệu dụng - Kiên trì với số ít” của Greg McKeown chính là giải pháp cho tất cả những vấn đề trên, đồng thời cũng là kim chỉ nam cho việc làm thế nào để kiểm soát cuộc sống một cách tối ưu. Với phương châm làm ít hơn - nhưng tốt hơn “Chủ nghĩa hiệu dụng - Kiên trì với số ít” xoay quanh hai vấn đề chính là giúp người đọc nhận thức được con người “hiệu dụng” và cách trở thành con người “hiệu dụng”.

Cuốn sách này hứa hẹn sẽ mang lại cho người đọc một các nhìn mới mẻ hơn về cuộc sống, cũng như góp phần thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực và thú vị hơn. 

Con người “hiệu dụng” là gì? 

Nếu hiện tại, trong công việc và cuộc sống của mình bạn đang suy nghĩ cho tất cả mọi việc và tất cả mọi người, bạn nghĩ ra tất cả những việc phải làm để thành công, cố gắng sắp xếp những việc đó vào “thời khoá biểu” và hi vọng có thể hoàn thành chúng mỗi ngày? Thỉnh thoảng bạn chợt nhận ra mình đang đánh mất đi sự lựa chọn của bản thân bằng sự lựa chọn của người khác? Để rồi, miễn cưỡng thực hiện công việc vào phút cuối. Đó chính là biểu hiện của con người “phi hiệu dụng”. Thật tiếc khi Greg McKeown đã chỉ ra rằng đó không phải là con người của thành công.

 Thử hình dung nếu có cùng một lượng năng lượng, người “phi hiệu dụng” sẽ phân chia năng lượng vào nhiều việc, vì vậy mỗi việc chỉ được thực hiện trong một thời gian ngắn và với nỗ lực ít hơn điều này dẫn đến việc không hiệu quả và không tiến bộ, đó là “sự theo đuổi vô nghĩa”. 

Trong khi đó, người “hiệu dụng” sẽ tập trung toàn bộ năng lượng của mình vào một việc thật sự  quan trọng, và đạt được sự tiến bộ rõ rệt, điều này gọi là “kiên trì với số ít”. 

Người “hiệu dụng” là người luôn chỉ nghĩ về “số ít” công việc mang lại hiệu quả, họ luôn nghĩ rằng bản thân họ có quyền chọn việc cần làm. Người “hiệu dụng” biết cách phân biệt những điều cần thiết và bỏ đi những điều vô nghĩa, chọn cho mình những việc  quan trọng phải làm thay vì giao quyền quyết định cho người khác và luôn nghĩ về sự đánh đổi để đạt được mục tiêu đề ra. 

Nhận thức về khả năng của bản thân mình, luôn giữ cho mình quyền lựa chọn những việc đúng đắn phải làm chính là vũ khí giúp người “hiệu dụng” luôn tiến nhanh về đích.

Làm thế nào để trở thành một người “hiệu dụng” ?

McKeown trong phần còn lại của cuốn sách nói về việc làm thế nào để có thể xác định chính xác “số ít” việc cần làm, bằng cách loại bỏ những việc làm không có ý nghĩa trong số những việc bạn sẽ làm. 

Đầu tiên, McKeown hướng người đọc nhận thức khả năng thực tại của bản thân về sự lựa chọn, hơn ai hết mỗi người hiểu rõ nhất về khả năng của mình, và biết mình nên làm gì: “Khi bạn từ bỏ quyền được lựa chọn của mình không chỉ mang lại quyền ưu tiên cho người khác mà còn cho phép họ lựa chọn thay bạn.

Hãy lựa chọn việc tốt nhất có thể làm được bằng cách trả lời ba câu hỏi: “Tài năng của tôi là gì?”, “điều gì khiến tôi thực sự đam mê?” và “điều gì được nhiều người quan tâm?” Giao thoa của ba câu trả lời cho ba câu hỏi này chính là điểm tối ưu. 

Khi bắt đầu vấn đề, đừng suy nghĩ rằng tất cả mọi việc điều cần thiết, hãy cho rằng mọi thứ là không cần thiết từ đó chọn ra một số ít việc quan trọng nhất để nỗ lực hết mình. 

Trong khi loại bỏ đi một số việc vô nghĩa, hẳn sẽ có lúc bạn thấy hoang mang, những lúc như vậy hãy nghĩ về sự đánh đổi và hãy tự hỏi “điều tôi muốn đánh đổi là gì?” và “tôi sẽ đạt được kết quả tốt hơn như thế nào?” thay vì nghĩ rằng “tôi có thể làm cả hai” hay “làm thế nào để tôi có thể làm tất cả”. 

Cuối cùng, McKeown chỉ ra rằng, để có thể dũng cảm gạt bỏ đi những việc không cần thiết, mỗi người cần phải luôn ý thức được sự tồn tại của “tác động sở hữu”- làm cho những việc đáng ra không cần thiết và cần phải lượt bỏ lại trở nên quan trọng và có ý nghĩa hơn giá trị thực của nó, từ đó sinh ra trạng thái ôm đồm và dần trở thành “sự theo đuổi vô nghĩa”. 

Cuốn sách này của Greg McKeown rõ ràng không chỉ cách làm thế nào để có thể làm nhiều việc hơn trong thời gian ngắn hơn mà “Chủ nghĩa hiệu dụng - Kiên trì với số ít” hướng đến những điều đúng đắn phải làm bằng cách loại bỏ sự “theo đuổi vô nghĩa” trong cuộc sống, cuốn sách này của Greg McKeown hứa hẹn sẽ mang lại một cái nhìn đầy mới mẻ và góp phần thay đổi cuộc sống theo hướng đầy thú vị. 

Giới thiệu tác giả: 

Greg McKeown sinh ra tại nước Anh và đang sinh sống ở Hoa Kỳ, Greg McKeown lấy bằng Đại học chuyên ngành Truyền thông Báo chí từ Đại học Brigham Young và bằng MBA của Đại học Stanford. McKeown được vinh danh như là một trong những nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế Giới. 

Hiện tại, ông là nhà một cây bút về kinh doanh, bên cạnh đó còn là nhà tư vấn và nghiên cứu kỹ năng lãnh đạo, thiết kế chiến lược, tập trung trí tuệ và hệ thống con người. McKeown là tác giả của các bài báo và là đồng tác giả cuốn sách “Multipliers: Cách thức mà các nhà lãnh đạo xuất chúng làm cho nhân viên của họ thông minh hơn” Xuất bản bởi Harper Business vào tháng 6 năm 2010, và nằm trong danh sách sách bán chạy nhất do Wall Street Journal bình chọn. 

>> [Sách hay] The Price of Inequality: Cái giá của bất bình đẳng

Phương Huỳnh

Đàm Vân

Cùng chuyên mục
XEM