[Sách hay] The Price of Inequality: Cái giá của bất bình đẳng
Vấn đề bất bình đẳng ở đây là một vòng luẩn quẩn cho đến bây giờ vẫn chưa thể phá vỡ: Bất bình đẳng là thất bại của thống chính trị, làm hệ thống kinh tế bất ổn, từ đó bất bình đẳng lại gia tăng.
Thông tin sách:
Tên sách: The Price of Inequality - How Today's Divided Society Endangers Our Future (Tạm dịch: Cái giá của Bất bình đẳng - Một xã hội chia rẽ ở hiện tại đe doạ đến Tương lai của chúng ta như thế nào)
Tác giả: Joseph E. Stiglitz.
Xuất bản lần đầu tiên vào tháng 4 năm 2013 bởi nhà xuất bản W. W. Norton & Company, Hoa Kỳ.
“The Price of Inequality” là một trong những cuốn sách bán chạy nhất theo xếp hạng của New York Times được viết bởi Joseph E. Stiglitz – Nhà kinh tế học đương đại lỗi lạc và là người đạt Nobel Kinh Tế Học năm 2001.
Giới thiệu sách:
Đã từ lâu chúng ta thường được nghe nói đến cụm từ “Giấc mơ Mỹ” (American Dream) để ám chỉ bình đẳng về cơ hội (equality in opportunities) trong xã hội Hoa Kỳ. Bình đẳng về cơ hội đơn giản được hiểu là mọi cá nhân về cơ bản đều có khả năng tiếp cận cơ hội thành công bất kể nền tảng gia đình là như thế nào đi chăng nữa.
Tuy nhiên, “Giấc mơ Mỹ” phần nào đang bị đe doạ nghiêm trọng bởi tình trạng bất bình đẳng và khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng ở Hoa Kỳ, đặc biệt là giữa nhóm 1% dân số nắm giữa hầu hết tài sản xã hội và 99% dân số còn lại.
Người lao động, tầng lớp trung lưu đã biểu thị sự bất đồng về tình trạng này. Bắt đầu vào ngày 17 Tháng 9 năm 2011, ngay trong khu tài chính sầm uất bậc nhất Hoa Kỳ - Phố Wall ở New York, với mục đích chống lại sự bất bình đẳng kinh tế - xã hội, tham nhũng và sự ảnh hưởng chi phối của các tập đoàn vào chính phủ, đặc biệt là từ các lĩnh vực dịch vụ tài chính. Với khẩu hiệu, "Chúng tôi là 99%", đề cập đến sự bất bình đẳng thu nhập và phân phối của cải ở Mỹ giữa 1% những người giàu nhất và phần còn lại của dân số.
Thật trùng hợp, khi Joseph E. Stiglitz đã chỉ ra rằng, khẩu hiệu trong cuộc biểu tình Occupy Wall Street đã lặp lại bài viết của ông có tựa đề “Của 1%, bởi 1%, và do 1%” trên tạp chí Vanity Fair tháng 5 năm 2011 với nội dung về bất bình đẳng và cái giá của bất bình đẳng ở nước Mỹ và trên toàn thế giới. Đây cũng chính là tư tưởng trong cuốn sách trong cùng chủ đề của ông: “The Price of Inequality - How Today's Divided Society Endangers Our Future (Tạm dịch: Cái giá của Bất bình đẳng - Một xã hội chia rẽ ở hiện tại đe doạ đến Tương lai của chúng ta như thế nào).
Bất bình đẳng hiện đang là một vấn đề lớn mà các quốc gia phát triển như Hoà Kỳ phải đối diện. Trong “Cái giá của Bất bình đẳng” Stiglitz đã chỉ ra thực tế bất bình đẳng đang diễn ra ở Hoa Kỳ và các nước phát triển xoay quanh ba vấn đề chính bao gồm: (1) các thị trường không hoạt động như các lý thuyết kinh tế, nó hoạt động không hiệu quả và không ổn định;(2) hệ thống chính trị đã không sửa được các thất bại của thị trường; (3) các hệ thống kinh tế và chính trị là không bình đẳng một cách cơ bản.
Stiglitz cho rằng bất bình đẳng này là kết quả của chính sách công đã bị bóp méo bởi tầng lớp người tinh hoa trong xã hội. Họ đã sử dụng quyền lực của mình để bóp méo cuộc tranh luận chính trị, cắt giảm thuế có lợi cho người giàu và điều chỉnh chính sách tiền tệ để có lợi cho ngân hàng. Chính các hành vi trục lợi bằng cách tác động, và thay đổi chính sách có lợi cho mình, các nhóm tinh hoa mặc dù chiếm số ít trong xã hội (nhóm 1%) làm cho mình ngày càng giàu có hơn rất nhiều so với nhóm dân số còn lại trong xã hội.
Vấn đề bất bình đẳng ở đây là một vòng luẩn quẩn cho đến bây giờ vẫn chưa thể phá vỡ: Bất bình đẳng là thất bại của thống chính trị, làm hệ thống kinh tế bất ổn, từ đó bất bình đẳng lại gia tăng.
Stiglitz đã phân tích tác hại của sự bất bình đẳng đối với sự phát triển kinh tế và với nền dân chủ. Chúng ta phải trả giá rất đắt cho sự bất bình đẳng. Trước hết, các xã hội bất bình đẳng không hoạt động hiệu quả, nền kinh tế của chúng không ổn định cũng chẳng bền vững trong dài hạn. Sự giàu có do các hành vi trục lợi thay vì các hoạt động sản xuất, kinh doanh mang tính sáng tạo thực trong nền kinh tế sẽ làm giảm động cơ cho việc học tập, nâng cao trình độ của người lao động và tính sáng tạo đổi mới của nền kinh tế.
Từ đó, hệ quả là bất bình đẳng làm giảm năng suất, giảm hiệu quả, giảm tăng trưởng và làm tăng sự bất ổn; làm xói mòn ý thức về cộng đồng, về cuộc chơi công bằng. Ngoài ra bất bình đẳng còn làm xói mòn sự bình đẳng cơ hội cho mọi người dân lao động trong nền kinh tế, cản trở tiến triển xã hội trong cùng và cả liên thế hệ.
Bất bình đẳng được tạo theo cách như hiện nay sẽ làm cho những người lao động làm việc chăm chỉ, thông minh, sáng tạo không còn chỗ đứng thay vào đó, mọi người chạy theo hành vi trục lợi. Điều này gây ra hệ quả nguy hiểm cho nền kinh tế trong dài hạn về việc giới hạn khả năng sáng tạo do yếu tố thể chế, và chính sách gây ra.
Bất bình đẳng do những “cuộc chơi” không công bằng sẽ dẫn đến tình trạng xói mòn sự gắn kết xã hội nghiêm trọng hơn khi quan điểm, hành vi, và thái độ càng ngày càng khác biệt giữa nhóm 1% và 99% còn lại. Hơn thế nữa, bất bình đẳng không tạo ra động lực để vươn lên mà gây nguy hiểm cho nền dân chủ, làm giảm niềm tin của người dân vào chính phủ.
Điểm nhấn về mặt chính sách mà Stiglitz gợi ý là cần thiết phải tạo ra một xã hội bình đẳng hơn về cơ hội, với chính sách tiếp cận việc học tập và sáng tạo cho cả nền kinh tế.
Một trong những giải pháp được Stiglitz đưa ra trong cuốn sách là “tự do hoá lao động” thay vì “tự do hoá trên vốn” và đánh thuế vào vốn. Điều này sẽ tạo nên một sự cạnh tranh lao động giữa các nước, từ đó sẽ có những môi trường học tập và làm việc tốt hơn, đồng thời mức thuế sẽ được giảm cho người lao động. Bên cạnh đó nên đánh thuế cao vào vốn. Từ đó sẽ sinh ra một xã hội công bằng hơn.
Giới thiệu tác giả:
Josheph Stiglitz là một Nhà kinh tế học lỗi lạc đương đại hiện đang là Giáo sư Kinh tế học tại Đại học Columbia. Các nghiên cứu của Stiglitz rất đa dạng, trải dài từ lý thuyết kinh tế học thông tin, toàn cầu hoá, đến tăng trưởng, phát triển, và bất bình đẳng.
Các nghiên cứu của Stiglitz tạo nên các lý thuyết nền tảng cho kinh tế học đương đại. Bởi tầm ảnh hưởng lớn như vậy, ông đã được Hội đồng Khoa học Hoàng gia Thuỵ Điển trao giải thưởng danh giá Nobel vào năm 2001, và trước đó vào năm 1979 là Huy chương John bates Clark của Hiệp hội Kinh tế học Hoa Kỳ.
Bên cạnh thành công trong các nghiên cứu hàn lâm ở trường đại học, Joseph Stiglitz còn có nhiều đóng góp cho chính sách công trên nhiều vị trí mà ông đảm nhiệm.
Ông từng là Phó Chủ tịch thường trực và Kinh tế trưởng (Chief Economist) của Ngân hàng Thế giới vào giai đoạn 1997 - 2000, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Chính phủ Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Clinton trong giai đoạn 1995 - 1997.
Trong nhưng năm gần đây, các nghiên cứu, và đóng góp chính sách của Stiglitz tập trung vào các vấn đề quan trọng mà cả thế giới đang đối mặt như Bất bình đẳng, Biến đổi khí hậu va nóng lên toàn cầu. Stiglitz được xem là một trong những nhà tư duy lớn hiện nay trên thế giới.
>> [Sách hay] Capital in the Twenty-first Century: Tư bản trong Thế kỷ 21
Phương Huỳnh