Rothschild – đế chế tài chính hùng mạnh vươn lên từ sự sụp đổ của Napoleon

09/02/2016 16:01 PM |

Một số câu chuyện kể lại rằng Nathan Rothschild đã cố tình phao tin rằng quân đội Anh thua trận trước Napoleon để tạo tâm lý hoảng loạn bán tháo trái phiếu rồi mua lại với giá thấp. Tuy nhiên thực tế thì Rothschils cũng suýt phá sản do Napoleon đã thua quá nhanh.

Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn vào nửa đầu thế kỷ 19, gia tộc Rothschild được dẫn dắt bởi Nathan Mayer Rothschild đã tạo nên một đế chế tài chính – ngân hàng giàu có và hùng mạnh nhất châu Âu thời kỳ đó.

Khi họ lên đến đỉnh cao danh vọng, người ta cho rằng gia đình Rothschild đã sử hữu một khối tài sản lớn nhất thế giới khi đó nói riêng và trong toàn bộ lịch sử thế giới hiện đại nói chung.

Theo một truyền thuyết lâu đời, gia tộc tài chính Rothschild đã giàu lên nhanh chóng nhờ phỏng đoán chính xác về tác động của kết quả trận chiến Waterloo tới biến động giá của Trái phiếu do Chính phủ Anh phát hành.

Cách đây hơn 200 năm, vào sáng ngày 18/6/1815, hơn 67.000 binh sĩ Anh, Hà Lan và Đức dưới sự chỉ huy của công tước Wellington đối đầu với đội quân có số lượng tương đương được chỉ huy bởi Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte tại cánh đồng Waterloo (Bỉ).

Trận đánh này là đỉnh điểm của 2 thập kỉ xung đột giữa Anh và Pháp. Theo nhà sử học tài chính Niall Ferguson thì đây còn là trận chiến giữa 2 hệ thống tài chính đối địch nhau: hệ thống của Pháp dưới thời Napoleon dựa vào việc cướp bóc (đánh thuế kẻ bị chinh phục) còn hệ thống của Anh dựa trên vay nợ.

Theo một số câu chuyện được kể lại, đích thân Nathan đã chứng kiến trận đánh, ông ta đã mạo hiểm vượt qua trận bão trên eo biển Manche để tới London trước khi tin tức về chiến thắng của Wellington tới nơi. Bằng cách mua một lượng lớn trái phiếu trước khi nó giá tăng mạnh, ông ta đã kiếm được từ 20 đến 135 triệu bảng Anh. Trong một câu chuyện khác, Nathan thậm chí cố tình phao tin sai rằng quân đội Anh đã thua, tạo ra cơn hoảng loạn bán tháo trái phiếu sau đó ông ta gom hết với giá rất thấp.

Nhưng theo phân tích của Niall Ferguson đưa ra trong cuốn “Đồng tiền lên ngôi – The Ascent of Money” thì không những không kiếm được tiền từ chiến thắng của Wellington mà nhà Rothschild suýt chút nữa còn khuynh gia bại sản. Niall Ferguson cho rằng cơ nghiệp của gia đình này được làm ra không bởi Waterloo, mà bất chấp Waterloo.


Nathan Mayer Rothschild và biểu tượng của dòng họ Rothschild

Nathan Mayer Rothschild và biểu tượng của dòng họ Rothschild

Được trọng dụng nhờ kinh nghiệm buôn lậu vàng

Nhằm tài trợ cho cuộc chiến với người Pháp, chính phủ Anh đã huy động được rất nhiều tiền từ công chúng thông qua phát hành trái phiếu. Nhưng tiền giấy lại không sử dụng đươc tại các chiến trường xa xôi. Do đó, quân đội Anh cần tới một loại tiền tệ được chấp nhận ở mọi nơi: vàng.

Vận chuyển vàng trong thời chiến là công việc đầy mạo hiểm. Nhưng đây lại chính là lợi thế của nhà Rothschild: Nathan có những kinh nghiệm quý giá từ hoạt động buôn lậu vàng từ Anh sang châu Âu, chọc thủng sự phong tỏa mà Bonaparte áp đặt lên thương mại giữa Anh và Pháp.

Đến tháng 5/1814, Nathan đã huy động được 1,2 triệu bảng Anh tiền vàng cho chính phủ Anh, nhiều gấp đôi số lượng được yêu cầu ban đầu.

Việc huy động nhiều vàng thế ở thời điểm sắp kết thúc chiến tranh tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhưng từ quan điểm của nhà Rothschid, những khoản hoa hồng mà họ được hưởng là thừa để chấp nhận rủi ro.

Đầu năm 1815, Napoleon quay trở lại Pháp gây dựng lại đế chế sau một thời gian bị lưu đày. Nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến với Napoleon, tổng giá trị các giao dịch giữa chính phủ Anh với Nathan trong năm 1815 đã lên đến 9,8 triệu bảng. Với tỷ lệ hoa hồng từ 2-6%, sự quay trở lại của Napoleon hứa hẹn biến anh em Rothschild thành giàu có.

Đặt cược vào trái phiếu

Nhưng có một rủi ro mà Nathan đã đánh giá thấp: Khi vội vàng huy động số vàng lớn như thế, Nathan giả định rằng giống như các cuộc chiến với Napoleon trước đây, cuộc chiến này sẽ kéo dài. Đây suýt nữa là sai lầm chết người khi mà trận Waterloo đã nhanh chóng kết thúc cuộc chiến.

Tin thắng trận của công tước Wellington không hẳn là tin tức tối lành đối với Nathan – người đang giữ đống vàng khổng lồ vốn được dùng để duy trì cho một cuộc chiến lâu dài. Chiến tranh kết thúc thì giá vàng sẽ giảm, Nathan sẽ phải đối mặt với khoản lỗ không nhỏ.

Lúc này, Nathan Rothschild quyết định được cược toàn bộ số vàng đang có vào thị trường trái phiếu: ông mua rất nhiều trái phiếu của Chính phủ Anh. Nathan tin rằng tin tức từ chiến thắng Waterloo và triển vọng nợ của Chính phủ giảm đi sẽ đẩy giá trái phiếu lên rất cao. Ông vẫn mua thêm khi giá trái phiếu tăng dù cho các anh em của mình khuyên ông bán ra để thu lợi nhuận.


Nathan Rothschild dồn tiền mua trái phiếu chính phủ Anh sau khi quân đội Anh thắng trận.

Nathan Rothschild dồn tiền mua trái phiếu chính phủ Anh sau khi quân đội Anh thắng trận.

Đến tận cuối năm 1817, khi giá trái phiếu đã tăng trên 40%, Nathan mới bán ra thu lợi nhuận. Đây được đánh giá là một trong những thương vụ táo bạo nhất lịch sử tài chính. Ước tính Nathan đã thu được khoản lợi nhuận vào khoảng 600 triệu bảng Anh (gần 800 triệu USD) theo tỷ giá hiện nay.


Bản dịch cuốn sách Đồng tiền lên ngôi – Lịch sử tài chính thế giới được Công ty Nhã Nam liên kết với Nhà xuất bản thế giới phát hành trong năm 2015.

Bản dịch cuốn sách Đồng tiền lên ngôi – Lịch sử tài chính thế giới được Công ty Nhã Nam liên kết với Nhà xuất bản thế giới phát hành trong năm 2015.

Theo Kinh Kha

Cùng chuyên mục
XEM