Trận chiến Waterloo và cách gia tộc Rothschild làm giàu

10/05/2014 13:52 PM | Kinh doanh

Kiếm tiền trên sự hoảng loạn của đám đông

Nếu ai đã từng một lần đọc “Chiến Tranh Tiền Tệ” chắc chắn sẽ không quên được trận Waterloo và cách mà Nathan Rothschild trở thành chủ nợ nước Anh, nắm giữ trong tay khối tài sản gấp 20 lần những gì Napoleon và Wellington có được từ mấy mươi năm chiến tranh.

Ngày 18/06/1815: Trận Waterloo diễn ra tại Brussels - Bỉ. Thị trường giao dịch cổ phiếu London đánh cuộc vào một canh bạc lớn mà “kẻ thắng sẽ giàu có vô biên, còn kẻ thua sẽ trắng tay, mất nghiệp”.

Nếu nước Anh thắng, trái phiếu chính phủ Anh sẽ tăng giá ngút trời. Ngược lại, giá trị không hơn tờ giấy lộn. Thắng bại giữa Napoleon và Wellington ngã ngũ từ chiều tối. Ngay trong đêm, người đưa tin của Nathan đã vượt biển mang tin tức về xứ sở sương mù.


Trận chiến Waterloo

Rạng sáng ngày 19/06/1815: Nathan đã có trong tay tin tức cần có, lập tức đi về Sở Giao dịch Chứng khoán London. Chỉ bằng hiệu lệnh ánh mắt, tất cả các nhà đầu tư cổ phiếu của gia tộc Rothschild lập tức bán đổ bán tháo công trái Anh.

“Nước Anh đã bại trận!”. Một cơn hoảng loạn trên diện rộng diễn ra. Chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ giẫm đạp bán tháo, công trái Anh chỉ còn 5% mệnh giá.

Và thành viên của gia tộc Rothschild thì vẫn lặng lẽ theo dõi thị trường. Lúc này, bằng một hiệu lệnh khác – không nhiều hơn một ánh nhìn – các nhà đầu tư của Rothschild lập tức ập đến các quầy giao dịch, thu mua toàn bộ số công trái Anh đang vun thành đống trong Sở Giao dịch…


Ngày 21/06/1815: Người đưa tin của Công tước Wellington về đến London. Napoleon thảm bại. Nước Anh đã thắng trận. Nhưng, lại thành con nợ của gia tộc Rothschild. Không ít những người bán tháo công trái Anh trở nên điên dại, tự tử bằng nhiều cách khác nhau.

Thị trường vẫn tiếp tục lập lại những sai lầm

Vụ khủng hoảng 11/9 của Mỹ khiến DowJones giảm 14.2%; S&P 500 giảm 11.6%; NASDAQ giảm 116%. Khi rủi ro chính trị xảy ra, một cơn hoảng loạn mang tính hệ thống sẽ chà đạp lên tất cả các quy chuẩn trước đó đã dựng lên. Mọi phân tích trở nên vô nghĩa.

Quay trở lại năm 1815, khi những người đầu tiên bán ra công trái Anh theo Rothschild, họ không chắc chắn nước Anh đã thua. Nhưng vì lo sợ trắng tay (nếu nước Anh thua), họ bán công trái Anh.

Những người khác nối tiếp, tạo ra một hiệu ứng domino, biến 95% giá trị công trái Anh bốc hơi trong vòng vài tiếng. Và Rothschild quả thực là con sói giữa bầy cừu hoảng loạn.

Ngày 08/05/2014, một “chiếc súng nước ” ở Biển Đông đã hút mất 5.87% chỉ số VN-Index và 6.4% HNX-Index, bốc hơi 65,000 tỷ đồng giá trị vốn hóa.

Nếu như thị trường chứng khoán Việt Nam không có biên độ kiểm soát, không chắc con số mất mát chỉ dừng lại có bấy nhiêu. Đến các cổ phiếu “huyền thoại” như VNM, GAS, FPT, PVD cũng dư bán sàn.

Phải chăng, thời gian qua chúng ta đang là những thương nhân nước Anh, ôm giữ công trái Anh, kỳ vọng vào cơ hội đổi đời? Nếu vậy, ai sẽ là Nathan của Rothschild của ngày hôm nay?

Trong tuần, khối ngoại liên tục mua ròng. Đặc biệt, trong phiên 08/05, bên mua trở nên tích cực nhất với 482 tỷ mua vào, giá trị bán ra khoảng 238 tỷ. Trong khi, trung bình 20 phiên trước đó khối ngoại mua vào 223 tỷ.

Với sự giảm mạnh của phiên 08/05, rất nhiều tài khoản sẽ rơi vào trạng thái call margin và buộc phải bán ra. Cộng thêm tâm lý chưa thể ổn định ngay, áp lực bán tháo tiếp tục gia tăng ở các phiên tiếp theo.

Và có lẽ, “Rothschild” nước ngoài vẫn cứ lặng lẽ theo dõi cơn hoảng loạn. Lặng lẽ mua vào…

duchai

Cùng chuyên mục
XEM