6 điểm tương đồng giữa CEO và tướng quân cổ đại

25/11/2015 08:39 AM |

Lịch sử thế giới đã ghi nhận những nhân vật có khả năng phi thường, giành được các thắng lợi to lớn và lèo lái xã hội vượt qua được giai đoạn khó khăn.

Đó là Cyrus Đại đế, người đã thống nhất đế quốc Ba Tư bằng một tầm nhìn phi thường và một tấm lòng khoan dung. Đó là học giả Athens Xenophon, người đã đưa được quân Hy Lạp ra khỏi Ba Tư nhờ gạt bỏ được sự bất đồng và xây dựng được sự đồng thuận, tạo nên sức mạnh cho những người đi theo mình. Đó là nhà chiến thuật và sách lược tài ba Alexander Đại đế đã chinh phục hầu hết các vùng đất rộng lớn của thế giới cổ đại...

Các nhà lãnh đạo các công ty (CEO) trên thế giới hiện nay đang theo đuổi cùng các mục đích với những nhà lãnh đạo thời cổ đại: sự giàu có, thành tựu, sự thừa nhận và uy tín. Động cơ của họ cũng vậy: quyền lực, vinh quang. Và chiến lược để đạt được cái đích cuối cùng của họ cũng tương tự thời cổ đại.


Nguyên tác: Power ambition and glory

Người dịch: Vũ Thanh Tùng

Bản quyền tiếng Việt: NXB Trẻ

Nguyên tác: Power ambition and glory

Người dịch: Vũ Thanh Tùng

Bản quyền tiếng Việt: NXB Trẻ

Cuốn sách Tướng quân và CEO - ra đời bởi sự cộng tác giữa Steve Forbes - Chủ tịch, Giám đốc điều hành và Tổng biên tập Forbes Media và giáo sư lịch sử cổ đại John Prevas - đưa ra những so sánh thú vị giữa các nhà lãnh đạo vĩ đại của thế giới cổ đại với các nhà lãnh đạo kinh doanh thời hiện đại. Các tác giả đã "phát hiện" ra 6 điểm tương đồng giữa họ. Đó là:

1- Các nhà lãnh đạo vĩ đại không chỉ có tầm nhìn mà còn biết cách làm thế nào để biến nó thành hiện thực

Cyrus Đại đế thực hiện điều đó thông qua việc tạo ra một đế chế dựa trên lòng khoan dung và sự hòa hợp, một cách tiếp cận rất lạ đối với thời kỳ của ông hay bất cứ thời kỳ nào khác. Jack Welch và John Chambers đã xây dựng vương quốc kinh doanh của mình bằng cách thức tương tự, và cũng như Cyrus, họ vẫn là hiện tượng chứ không phải quy luật.

2- Các nhà lãnh đạo vĩ đại biết cách làm thế nào để xây dựng sự đồng thuận và động viên thuộc cấp hơn là chú trọng đến tính tư lợi

Xenophon đã gạt sang một bên những vấn đề cá nhân để lãnh đạo các đồng đội Hy Lạp của mình thoát ra khỏi một tình huống nguy hiểm ở Ba Tư - điều mà Lou Gerstner và Anne Mulcahy cũng đã làm để giải cứu IBM và Xerox.

3- Vấn đề tính cách trong lãnh đạo

Những kỹ năng lãnh đạo xuất chúng đã giúp Alexander Đại đế chinh phục được nửa phía đông của thế giới cổ đại, nhưng cuối cùng ông lại bị tiêu diệt do không chế ngự được chính những thành công phi thường của mình. Thế giới kinh doanh ngày nay tràn ngập những hình ảnh tương tự, điển hình là một người đang thụ án tù - Dennis Kozlowski, ban đầu đã rất thành công với đế chế kinh doanh của mình, để rồi tự hủy hoại bản thân do không kiểm soát được cái tôi quá lớn.

4- Một nhà lãnh đạo vĩ đại là người dám thách thức sự khôn ngoan thông thường và có khả năng suy nghĩ vượt ra khỏi các lối mòn để tạo nên những kỳ tích

Hannibal đã làm được điều mà không ai trong thế giới cổ đại có thể nghĩ tới: vượt dãy Alps giữa mùa đông giá lạnh để thách thức quyền kiểm soát thế giới của đế chế La Mã. Cũng với lối suy nghĩ đầy sáng tạo ấy, Serge Brin và Larry Page của Google đã dám đối đầu và đánh bại hai đối thủ cạnh tranh đáng gờm là Microsoft và Yahoo!

5- Nhà lãnh đạo phải có tham vọng mới thành công được

Và Julius Caesar là người đầy tham vọng. Ông đã dẫn dắt La Mã trở thành một đế quốc, nhưng thành công lại khiến ông tin rằng mình là thánh sống và làm ông mờ mắt trước những hiểm nguy xung quanh. Có nhiều nhà lãnh đạo kinh doanh và các “chúa tể vũ trụ” ở Phố Wall có điểm tương đồng với Caesar, nhưng không ai nổi bật hơn Hank Greenberg, người đã xây dựng công ty bảo hiểm AIG thành một đế chế rồi sau đó bị hạ gục tại đỉnh cao thành công bởi chính các con dao găm kinh doanh của các giám đốc dưới quyền ông.

6- Và cuối cùng, công tác lãnh đạo liên quan đến việc giữ được cái nhìn tỉnh táo và khiêm tốn khi đạt được thành công cũng như luôn tập trung vào những điều cơ bản - những vấn đề thiết yếu trong việc vận hành một tổ chức. Augustus đã cứu La Ma khỏi bị tan rã sau vụ ám sát Julius Caesar, cai trị đế quốc này trong suốt hơn bốn mươi năm và đưa La Mã lên đến đỉnh cao của quyền lực.

Những điều tạo nên thành công của ông chính là sự khiêm tốn, là sự chú ý đến ngay cả những chi tiết tầm thường nhất của việc xây dựng và bảo trì cơ sở hạ tầng, và sự thấu hiểu những giới hạn. Augustus đã mang lại cho La Mã một giai đoạn phồn vinh và ổn định kéo dài nhiều thế kỷ, cũng như Alfred Sloan, với những cách thức tương tự, đã xây dựng GM thành một tập đoàn khổng lồ mà cho đến tận bây giờ vẫn đang chi phối ngành kinh doanh ô tô.

Ngoài sự tương đồng trên, theo các tác giả, các nhà lãnh đạo hiện đại cũng đang phạm phải cùng những sai lầm mà người xưa đã mắc phải: Cứ tưởng rằng mình sẽ đứng ở đỉnh cao mãi mãi, trở thành "độc cô cầu bại" nhờ sự thịnh vượng, khoa học công nghệ cùng những bí quyết kỹ thuật, và coi kinh nghiệm của những người đi trước là chẳng ăn nhập gì.

Tuy nhiên, hơn hẳn người xưa, ngoài thuận lợi to lớn là những thành tựu của một xã hội văn minh được xây dựng từ công lao của nhiều thế hệ trước, chúng ta còn đang có một "kho báu" được bồi đắp từ chính công cuộc chinh phục và thiết lập xã hội của các nhà lãnh đạo cổ đại - đó là những bài học về cách thức xác định, theo đuổi mục đích và bảo vệ thành quả. Vậy thì tại sao chúng ta lại không "khai quật" kho báu ấy?

Lẽ dĩ nhiên, các nhà lãnh đạo cổ đại và các CEO hiện đại hoạt động trong những điều kiện không giống nhau, nhưng họ đều là những nhà điều hành "đế chế" của mình. Và mặc dù thế giới hiện đại khác xa thế giới cổ đại, nhưng cuộc sống và các nhân tố cần thiết cho mối quan hệ giữa người với người thì không thay đổi nhiều, đặc biệt là khi có liên quan đến người ra lệnh và kẻ tuân lệnh.

Tướng quân và CEO viết về 6 nhà lãnh đạo cổ đại ở vùng Địa Trung Hải: Cyrus Đại đế, Xenophon xứ Athens, Alexander Đại đế, Hannibal xứ Carthage, Julius Ceasar và Agustus. Mỗi vị có một cách làm riêng đặc sắc và áp dụng được tài năng kiệt xuất của mình vào lĩnh vực lãnh đạo. Nhưng mỗi người cũng có những sai lầm và nhược điểm riêng.

Nghiên cứu về các nhà lãnh đạo thời cổ đại không phải để tìm ra những hướng dẫn cụ thể đảm bảo cho thành công, nhưng nó sẽ giúp các nhà lãnh đạo thời hiện đại, các CEO của doanh nghiệp rút ra được những bài học thực tế của cuộc sống để có thể định hướng tổ chức của mình hiệu quả hơn và hoàn thành các trách nhiệm của bản thân.

Nói về Tướng quân và CEO:

Cựu Thị trưởng New York: Cuốn sách vừa là một hướng dẫn tham khảo về sự trỗi dậy và sụp đổ của các đế quốc, vừa là một cái nhìn mới về các lãnh đạo doanh nghiệp thời hiện đại và sự tương đồng của họ với các nhân vật lịch sử.

Tỷ phú Donald J. Trump: Tướng quân và CEO là một quyển sách tuyệt vời từ đầu đến cuối, và mọi người ở tất cả các lĩnh vực đều sẽ bị lôi cuốn và học hỏi được nhiều điều từ đó. Steve là một người mà mọi người nên lắng nghe.

Nhà sử học, cựu Phát ngôn viên của Chính phủ Hoa Kỳ Newt Gingrich: Steve Forbes và John Prevas đã xuất sắc kết nối thế giới cổ đại với những nguyên tắc bao giờ cũng hiệu quả để làm "kim chỉ nam" cho các nhà lãnh đạo tương lai. > CEO và thương hiệu

Theo P.THANH

Cùng chuyên mục
XEM