Sa sút từ sau "cú ngã" sông Thị Vải, doanh thu Vedan xuống thấp nhất 7 năm

10/06/2017 09:43 AM | Kinh doanh

Năm 2016, doanh thu Vedan Việt Nam chỉ đạt 161 triệu USD, thấp nhất kể từ năm 2010. Lãnh đạo Vedan thừa nhận, người tiêu dùng vẫn chưa khôi phục hoàn toàn niềm tin với Vedan kể từ khi xảy ra thảm họa môi trường trên sông Thị Vải.

Trước khi hạt nêm trở nên phổ biến với người tiêu dùng hiện nay, bột ngọt (mì chính) là thứ gia vị không thể thiếu của nhiều bà nội trợ Việt Nam. Khi nhắc đến sản phẩm này, những thương hiệu trở nên quen thuộc với người Việt gồm Ajinomoto, Vedan và Miwon. Trong khi Ajinomoto đến từ Nhật Bản thì Vedan lại có xuất phát từ Đài Loan (Trung Quốc).

Tập đoàn Vedan được thành lập tại Đài Loan năm 1954 với tên ban đầu là Ve Cheng Food. Đến năm 1970, công ty này được đổi tên chính thức thành Vedan như hiện nay. Tháng 6 năm 2003, Vedan tiến hành IPO và niêm yết tại sàn chứng khoán Hong Kong. Từ hoạt động kinh doanh ban đầu là các sản phẩm amino axit, hiện Vedan còn sản xuất mỹ phẩm dưới thương hiệu Bi’Zin, thực phẩm dinh dưỡng, thương mại.

Vedan có những gì ở Việt Nam?

Vedan đặt chân đến Việt Nam từ năm 1991 tại tỉnh Đồng Nai trên diện tích đất rộng 120ha, đây cũng là thời điểm mà đối thủ Ajinomoto tiến vào Việt Nam. Sau hơn 25 năm, hiện Vedan Việt Nam đã xây dựng được hệ thống khá khép kín từ Nhà máy tinh bột nước đường, Nhà máy bột ngọt, Nhà máy tinh bột biến tính, Nhà máy Xút-axít, Nhà máy Lysine, Nhà máy phát điện có trích hơi, Nhà máy PGA, Nhà máy phân bón hữu cơ khoáng Vedagro dạng viên, và có Cảng chuyên dụng Phước Thái Vedan.

Vedan Việt Nam là một trong những nhà sản xuất tiên tiến hàng đầu tại khu vực Châu Á trong lĩnh vực sử dụng công nghệ sinh học, công nghệ lên men sản xuất ra các sản phẩm Axít Amin, chất điều vị thực phẩm, sản phẩm tinh bột.

Sản phẩm của Vedan Việt Nam được tiêu thụ tại Việt Nam và xuất khẩu cho các công ty cung ứng thực phẩm, công ty thương mại quốc tế tại thị trường các quốc gia như: Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, các nước Đông Nam Á, các nước tại Châu Âu. Doanh thu của Vedan tại Việt Nam chiếm 49% tổng doanh thu cho Tập đoàn Vedan.


Cơ cấu doanh thu của Vedan năm 2016 theo lĩnh vực địa lý

Cơ cấu doanh thu của Vedan năm 2016 theo lĩnh vực địa lý

Tại Việt Nam, Vedan tăng trưởng mạnh cho đến năm 2007 nhưng sau đó gặp sự cố về môi trường vào năm 2008. Cụ thể, tháng 9/2008, đoàn kiểm tra liên ngành Bộ Tài nguyên Môi trường sau khi thanh tra tại nhà máy Vedan phát hiện ra mỗi tháng công ty này xả 105.600m3 dịch thải sau khi lên men thẳng ra sông Thị Vải.

Điều đáng nói là dịch thải này có mức độ gây hại hơn nhiều so với nước thải và hệ thống này đã vận hành suốt từ năm 1994.

Với những ồn ào quanh việc phá hủy môi trường, thương hiệu Vedan nhanh chóng trở nên xấu đi trong mắt người tiêu dùng. Tuy nhiên, sau sự việc này, điều bất ngờ là doanh thu Vedan vẫn tăng trưởng tốt trong 2 năm 2010 và 2011. Năm 2010, doanh thu Vedan đạt 170 triệu USD và sang năm 2011 tăng mạnh lên 181 triệu USD.

Thế nhưng, kể từ đó đến nay, doanh thu của Vedan liên tục đi xuống. Số liệu mới nhất cho thấy, doanh thu năm 2016 chỉ còn đạt 161 triệu USD, thấp nhất kể từ năm 2010.

Vedan cho biết, nguyên nhân khiến doanh thu sụt giảm trong bối cảnh nền kinh tế đi lên, là do thị trường cạnh tranh, giá các sản phẩm buộc phải hạ xuống, tác động tới doanh thu. Bên cạnh đó, tình trạng xâm nhập mặn và thời tiết không thuận lợi khiến nhu cầu các sản phẩm phân bón sụt giảm, ảnh hưởng đáng kể tới doanh thu nhóm hàng này của Vedan.

Tại dịp kỷ niệm 25 năm đầu tư tại Việt Nam hồi tháng 3 vừa qua, lãnh đạo Vedan cho rằng, người tiêu dùng vẫn chưa khôi phục hoàn toàn lòng tin với Vedan.

Phó Tổng Giám Đốc phụ trách Đối Ngoại của Vedan, ông Ko Chung Chih cho biết: “Suốt 8 năm qua, dù đã có nhiều nỗ lực khắc phục và đầu tư mạnh mẽ cho công tác bảo vệ môi trường, chúng tôi chưa chủ động mở cửa thông tin để chia sẻ với báo chí và nhân dân Việt Nam biết những khắc phục mà công ty đã dày công nỗ lực. Điều này đã làm cho dư luận vẫn còn nhiều thắc mắc và chưa khôi phục hoàn toàn lòng tin với công ty Vedan Việt Nam."

Ông Ko Chung Chih cho rằng, trong thời gian tới, Vedan sẽ mở cửa thông tin để người tiêu dùng hiểu hơn về những nỗ lực khắc phục và nỗ lực bảo vệ môi trường và quá trình phát triển 25 năm tiếp theo của Vedan tại Việt Nam.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM