Robot leo tường của học sinh TP.HCM giành giải Nhất cuộc thi TechGenius 2016

04/10/2016 15:27 PM | Công nghệ

Dự án “Robot leo tường” của 3 học sinh Bùi Mạnh Giỏi, Mai Ngọc Anh Duy và Đỗ Minh Trí của trường THPT Gia Định, TP.HCM vừa giành giải Nhất cuộc thi sản phẩm công nghệ RMIT TechGenius 2016.

RMIT TechGenius 2016 là cuộc thi được Đại học RMIT Việt Nam tổ chức lần đầu tiên nhằm nhằm tạo ra sân chơi uy tín, công bằng và cạnh tranh trong lĩnh vực kỹ thuật và CNTT cho học sinh trung học.

Được khởi động từ cuối tháng 9/2016, cuộc thi dành cho các học sinh của các trường THPT trên địa bàn 4 tỉnh, thành phố gồm TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Vũng Tàu. Theo đó, mỗi trường THPT chọn ra một đội dự án (Project Team) gồm 3 bạn học sinh và 1 cố vấn dự án là giáo viên của trường để thực hiện các dự án thuộc các lĩnh vực: Kỹ thuật Điện và Điện tử; CNTT; Kỹ thuật Phần mềm; Cơ điện tử và Kỹ thuật Robot; Kỹ thuật cơ khí.

Có ngôn ngữ chính là tiếng Anh, cuộc thi RMIT TechGenius 2016 gồm 3 vòng thi: vòng 1, lập kế hoạch dự án, thiết kế và hiện thực hóa ý tưởng (từ 16/5 đến 16/9/2016); vòng 2, triển lãm giới thiệu và đánh giá dự án tại RMIT Việt Nam (2/10/2016); vòng chung kết cũng diễn ra ngày 2/10/2016, 3 nhóm xuất sắc nhất ở vòng 2 sẽ trình bày ý tưởng và trình diễn sản phẩm công nghệ để chọn ra người thắng cuộc.

Dự án Sản xuất nước từ không khí của nhóm học sinh trường THPT Nguyễn Thượng Hiền là một trong những dự án được Ban giám khảo đánh giá cao về tính khả thi.
Dự án "Sản xuất nước từ không khí" của nhóm học sinh trường THPT Nguyễn Thượng Hiền là một trong những dự án được Ban giám khảo đánh giá cao về tính khả thi.

Ban tổ chức cho biết, cuộc thi RMIT TechGenius 2016 đã thu hút 22 đội tham gia đến từ các trường THPT tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Vũng Tàu. Đề án dự thi được thiết kế và thực hiện dưới sự giám sát của một giáo viên cùng trường, cùng nhóm cố vấn đề án của cuộc thi TechGenius 2016 đến từ RMIT Việt Nam.

Cũng theo đại diện Ban tổ chức, trong số 12 dự án vào vòng chung kết, một số dự án đã để lại nhiều ấn tượng về tính khả thi, gắn với nhu cầu thực tế như dự án “Chế tạo hệ thống tạo điện năng từ máy nước nóng năng lượng mặt trời”, dự án “Sản xuất nước từ không khí”, “Hệ thống chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu sang chữ bằng cách nhận dạng cử chỉ tay” và một số dự án khác.

Các đội vào vòng chung kết đã đưa ra ý tưởng, thiết kế, thử nghiệm, thuyết trình và trình bày những đề án liên quan đến kỹ thuật hoặc CNTT.

Sản phẩm Robot leo tường giành giải Nhất cuộc thi RMIT RMIT TechGenius 2016 dành cho học sinh.
Sản phẩm "Robot leo tường" giành giải Nhất cuộc thi RMIT RMIT TechGenius 2016 dành cho học sinh.

Kết quả chung cuộc, bên cạnh 1 giải Nhì với giải thưởng 1 iPad Air 2 cho mỗi thành viên và 1 giải Ba với giải thưởng là 1 iPad Mini 4 cho mỗi thành viên, giải Nhất của cuộc thi RMIT TechGenius 2016 đã thuộc về dự án “Robot leo tường” (Wall Climbing Pot) của nhóm học sinh trường THPT Gia Định, TP.HCM gồm: Bùi Mạnh Giỏi, Mai Ngọc Anh Duy và Đỗ Minh Trí.

Giải thường dành cho đội dự án giành giải Nhất cuộc thi là mỗi học sinh thành viên của đội sẽ được nhận một phần học bổng 50% học phí để học một trong các chương trình cử nhân kỹ thuật hoặc CNTT tại RMIT Việt Nam và một Ipad Mini 4.

Ý tưởng làm dự án “Robot leo tường” xuất phát từ quá trình các em học sinh quan sát công việc của những người thợ lau kính tại các tòa nhà cao tầng và nhận thấy cách làm của họ nguy hiểm mà chưa hiệu quả.

Học sinh Bùi Mạnh Giỏi cho biết, hiện robot đã đi được trên kính và nếu sản xuất thành công sẽ tiết kiệm hơn so với mức lương trung bình một ngày của những người thợ lau kính. Hiện cả nhóm vẫn đang tiếp tục phát triển dự án này.

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giúp sinh viên theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đặc biệt khi các em còn trẻ, Giáo sư Alex Stojcevski, Trưởng khoa Công nghệ Đại học RMIT Việt Nam chia sẻ:

"Việt Nam được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong những năm tới, và lĩnh vực khoa học và công nghệ sẽ đóng vai trò dẫn dắt quan trọng trong quá trình phát triển đó. Chúng tôi cần chuẩn bị cho sinh viên sẵn sàng đón đầu xu hướng này, trang bị cho các em kỹ năng và kiến thức để thành công. Cuộc thi như TechGenius đặc biệt quan trọng vì khơi gợi được niềm yêu thích trở thành nhà khoa học hay kỹ sư khi các em còn trẻ”.

Theo Vân Anh

Cùng chuyên mục
XEM