Tới bao giờ robot mới vào được quán ăn Việt pha cà phê, cuốn gỏi hay đổ bánh xèo?

08/12/2020 13:30 PM | Kinh doanh

Các nhà sản xuất mải miết thời gian của mình trong phòng thí nghiệm, xưởng chế tạo mà "quên mất" nhu cầu thật của doanh nghiệp Việt. Cho nên sẽ rất tiếc khi sản phẩm từ xưởng sản xuất không ứng dụng được trong thực tế hoặc "đã kịp" ở lại phía sau so với nhu cầu thật.

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết ỨNG DỤNG TỰ ĐỘNG HÓA TRONG DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ NGÀNH F&B: BAO GIỜ TA “NÊN DUYÊN”? của tác giả Mai Hương - Quản lý dự án xây dựng mô hình lĩnh vực bán lẻ, nhượng quyền. Mời độc giả đón đọc.


ỨNG DỤNG TỰ ĐỘNG HÓA TRONG DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ NGÀNH F&B: BAO GIỜ TA “NÊN DUYÊN”?

Đã 37 năm kể từ khi tổ chức Guinessworld Records ghi nhận kỷ lục Two Panda Deli là nhà hàng đầu tiên “tuyển dụng” Robot làm “nhân viên”. Kể từ đó, ứng dụng robot không chỉ dừng lại ở việc mang thức ăn đến tận bàn khách hàng. Hiện nay nhiều khâu, nhiều thiết bị trong khu vực bếp nói riêng và quản lý nhà hàng nói chung của nhiều thương hiệu F&B và ngành hospitality trên thế giới, đã, đang và sẽ sử dụng robot và các thiết bị tự động hóa nhiều hơn. Các doanh nghiệp trong ngành F&B tại Việt Nam có đang “nghĩ” đến việc này hay không?

Từ làm nhân viên phục vụ

Vào năm 2006, Rong Heng Seafood Restaurant tại Singapore "đã tuyển" 2 nhân viên robot vào trong đội ngũ phục vụ của mình. Theo chủ của doanh nghiệp này, đây là một giải pháp để giải quyết tình hình thiếu hụt nhân lực vào thời điểm đó.

Năm 2017, thậm chí một nhà hàng ở Ấn Độ đã đổi tên từ "Momo" sang "Robot Theme Restaurant", lấy chủ đề robot để cấu trúc lại hình ảnh thương hiệu và vận hành cho nhà hàng. Một trải nghiệm mới mà chủ nhà hàng mang lại cho khách hàng chính là dàn nhân viên robot nữ xinh đẹp, lướt đi nhẹ nhàng, mặc trang phục cách điệu từ Sari truyền thống của phụ nữ Ấn Độ.

2018, gã khổng lồ trong ngành thương mại điện tử Alibaba cũng chẳng ngại gì "cuộc chơi" nên đã cho ra đời thương hiệu nhà hàng Shanghai’s Robot.He nằm trong siêu siêu thị Hema, cũng là một siêu siêu thị bán lẻ có concept ứng dụng kỹ thuật tự động hóa cao.

Rồi, 2019 tại quốc gia đi đầu trong sáng tạo robot là Nhật Bản cũng đa dạng hóa sản phẩm robot để tham gia thị trường ngành F&B. Đó là sự xuất hiện của cà phê Pepper Palor, có 10 anh robot "cool" sẵn sàng phục vụ quý khách.

Một lý do chung của hầu hết các doanh nghiệp "tuyển dụng" robot để làm nhân viên phục vụ đó là giảm thiểu "rắc rối" gây nhức đầu trong quản trị lực lượng nhân sự này. Robot làm việc thì chắc không có chuyện phàn nàn chuyện này chuyện kia, cũng khó mà đi trễ rồi đưa ra nhiều lý do như xe hư, kẹt xe, lủng bánh xe… Mà đặt biệt "chủ" kêu làm việc là "làm ngay", có thể làm 24/24, không có "tại, bị, vì hay em bị bệnh". Nói một cách dễ hiểu một khi robot đã thay thế con người làm việc thì xem như con người có khả năng…mất việc, "chủ" thì rất "khỏe" không phải "trả lương" cho robot.


Cho tới làm bếp

Robot có cần học kỹ năng nấu bếp không? Robot không có học gì hết, đều là do con người lập trình tạo nên bộ "não" cho nó nên chuyện làm bếp robot cũng rất "đảm đang". Thử xem nhé. Tại nhà hàng Spyce, Boston (Mỹ), 4 sinh cựu sinh viên MIT đã chế tạo nên cả một nhà bếp hoàn toàn do "đầu bếp robot" đảm nhận. Khách hàng chỉ việc chọn nguyên liệu mình thích, giao cho các "đầu bếp", 3 phút sau sẽ có món ăn mình muốn. Hết sức nhanh gọn lẹ.

Hay, nếu bạn là chủ doanh nghiệp muốn phát triển chuỗi nhà hàng fast-food thì xem đội ngũ các nhà sản xuất của Miso Robotics đã cho ra đời robot gì. Từ bạn robot đứng chiên đủ thứ khoai tây cho tới anh robot nướng thịt làm burger. Chuyện hết sức nhỏ với các anh robot ấy!

Tới bao giờ robot mới vào được quán ăn Việt pha cà phê, cuốn gỏi hay đổ bánh xèo? - Ảnh 2.

Nhưng nếu bạn là đang chủ khách sạn, sáng sáng vẫn phải cần một bạn nhân viên bếp làm trứng omelette cho khách, thì tham khảo kiểu robot tương tự đang có mặt tại khách sạn MSocial Hotel tại Singaport xem sao.


Ứng dụng tự động hóa trong ngành F&B tại Việt Nam đang ở đâu trong xu hướng của thế giới

Tự động hóa và các sản phẩm từ ngành này nghe qua cứ tưởng chỉ thuộc về thế giới đặc thù của các kỹ sư, nhà sáng chế, của thầy và trò các trường Đại Học chuyên ngành nào đó. Hoặc dễ hình dung hơn thì sản phẩm của nó chỉ dành cho ngành công nghiệp cơ khí lắp ráp, máy móc, ô tô, các ngành công nghiệp nặng gì đó. Mấy ai sẽ nghĩ tự động hóa nói chung và robot nói riêng chẳng sớm thì muộn một ngày nào đó "đứng" trước mặt khách hàng trong siêu thị, sau một quầy tiếp tân của khách sạn, sau quầy pha chế của chuỗi cà phê, làm việc chăm chỉ trong khu bếp của nhà hàng. Rồi còn gì nữa? Cứ từ từ chờ đợi nhé!

Đó là ở các nước xung quanh và trên thế giới. Vậy ở thị trường ngành F&B Việt Nam thì sao? Còn nhớ cách đây khoảng 2-3 năm, cũng đã có một số sản phẩm robot "phục vụ" được sử dụng trong vài nhà hàng hoặc quán cà phê. Cũng vì lý do này, tôi đã lặn lội xuống "đại bản doanh" của một nhóm các kỹ sư sáng tạo ra sản phẩm để mượn một robot cho một sự kiện ra mắt công nghệ sáng tạo. Lúc đi, lòng đầy hứng khởi, mong chờ để được gặp một robot "made in Vietnam". Hào hứng và có chút vui lây cho đội ngũ chế tạo khi sắp mang "em nó" ra triển lãm cho các quan khách trong ngành và rất nhiều quan khách cấp cao từ các nước đến chiêm ngưỡng. Nhưng thú thật là chỉ trong vòng 5 phút tôi quyết định không mượn nữa, ra về lòng đầy băn khoăn.

Tới bao giờ robot mới vào được quán ăn Việt pha cà phê, cuốn gỏi hay đổ bánh xèo? - Ảnh 3.

Quán cafe sử dụng robot làm phục vụ ở Việt Nam.

Vấn đề không phải nằm ở khả năng chế tạo của nhóm kỹ sư, mà ở "khoảng cách vô hình" giữa một sản phẩm từ phòng hay xưởng chế tạo bước ra "nguyên sơ", chưa "chạm" được thực tế thấu hiểu nhu cầu của một doanh nghiệp nào đó nói chung hoặc kinh doanh trong ngành F&B nói riêng.

Nhận thức được vai trò quan trọng của tự động hóa trong vận hành nhà hàng, anh Hứa Tấn Vinh, giám đốc thương hiệu Cơm Gà Đông Nguyên, đã từ lâu và cũng vô cùng vất vả trong việc tìm kiếm nhà cung cấp đủ hiểu nhu cầu, đủ "thực tế hóa" với hiện thực kinh doanh của doanh nghiệp. Anh phát biểu rằng bản thân anh và doanh nghiệp mình gặp phải các vấn đề trong thực tế vận hành khi áp dụng một số sản phẩm tự động hóa nội địa:

1. Sản phẩm chưa đáp ứng tính đồng nhất về chất lượng của thực phẩm

2. Sản phẩm chưa đáp ứng được đặt thù của từng doanh nghiệp hay dòng sản phẩm mà doanh nghiệp đang kinh doanh. Sản phẩm nội địa hiện chỉ đáp ứng được yêu cầu công năng căn bản, chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao

3. Khâu vệ sinh, đảm bảo an toàn cho người vận hành thiết bị chưa được chăm chút

4. Khâu chăm sóc, bảo hành sản phẩm sau khi bán hàng chưa tốt

5. Sản phẩm vận hành và độ bền không đáp ứng với tốc độ ra hàng phục vụ khách

6. Kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm chưa thu hút

Đó là những lý do quan trọng cần đảm bảo mà anh Vinh đã buộc phải ra tận nước ngoài để tìm kiếm các sản phẩm tự động hóa cho doanh nghiệp mình, hoặc phải mua của các đối tác nước ngoài cho dù đó chỉ là một robot cắt dưa leo!

Ở chiều ngược lại, anh Duy Phương, đại diện của đơn vị Slight Wind, cung cấp các thiết bị nhà bếp cho ngành F&B đưa ra đánh giá như sau:

1. Đối với các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh trong lĩnh vực F&B tại Việt Nam: họ đã có kinh nghiệm, hiểu rõ vai trò quan trọng của tự động hóa ứng dụng trong vận hành của ngành nên không khó để họ đầu tư vào sản phẩm. Trong khi đó, nhiều nhà kinh doanh trong nước còn chưa hiểu hết hoặc chưa đánh giá đúng vai trò của ứng dụng tự động hóa

2. Khách hàng nội địa chọn sản phẩm khá "đơn giản" hơn là xem xét kỹ các yếu tố kỹ thuật và công năng khác liên quan đến một thiết bị, từ đó chưa đánh giá đúng và phát huy hết giá trị của một sản phẩm tự động hóa ứng dụng trong vận hành

3. Vì thế, để khách hàng "xuống tiền"’ mua một sản phẩm là còn gặp nhiều khó khăn hay khách hàng có xu hướng chọn một sản phẩm có giá rẻ, bỏ qua nhiều yếu tố mà có khả năng gây phiền phức trong vận hành thực tế.


Nhà sản xuất, nhà chế tạo làm sao để "nên duyên" được với nhà kinh doanh

Cực chẳng đã thì các chủ doanh nghiệp mới phải ra tận nước ngoài để mua trang thiết bị cho doanh nghiệp mình. Tôi có dịp đồng hành cùng một doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm tươi sống tham quan nhiều triển lãm về công nghệ máy móc tại Việt Nam, để chọn mua một máy đóng gói thịt gà tươi sống. 

Chúng tôi thử không biết bao nhiêu là kiểu máy, thậm chí mang cả thịt gà sống đến tận triển lãm để đóng gói xem tại chỗ, nhưng cuối cùng chủ doanh nghiệp vẫn quyết định sang tận nước ngoài để mua một sản phẩm máy đóng gói của Châu Âu mà cả trong thị trường Đông Nam Á lúc đó chỉ có 1 chiếc máy đó. Và đơn vị của ông là doanh nghiệp thứ 2 trong thị trường khu vực và là đơn vị tiên phong nhập công nghệ mới này về tại Việt Nam. 

Là một nhà kinh doanh có tầm nhìn và định hướng phát triển rõ ràng, ông đã không ngần ngại để chi phí của sản phẩm tự động hóa này "ngốn" tiền của mình một cách có tính toán kỹ lưỡng. Và cũng thật sự tiếc cho sản phẩm nội địa chưa đáp ứng được yêu cầu của riêng doanh nghiệp này và nhiều doanh nghiệp khác nữa.

Câu hỏi là? Việt Nam có thiếu các bộ óc sáng tạo và kỹ sư lành nghề không? Thực sự là không hề thiếu mà thậm chí còn rất tài năng. Vậy họ cần thêm các điều kiện gì nữa để hỗ trợ họ hoàn thiện hơn sản phẩm của mình, có thể có đưa ra thị trường? Để các chủ doanh nghiệp nội địa ủng hộ hàng Việt, không phải "rước" hàng ngoại về.

Theo anh Vinh, nên chăng các nhà chế tạo trước khi muốn tâp trung vào phát triển một sản phẩm tự động hóa gì thì nên "sống cùng" doanh nghiệp một thời gian để hiểu được nhu cầu chung về ngành và nhu cầu vận hành của doanh nghiệp. Từ đó sản phẩm của nhà chế tạo phải giải quyết được 3 bài toán khó của doanh nghiệp kinh doanh F&B:

Thứ nhất, giảm đi "rắc rối" trong việc quản lý nhân sự (như giảm từ 4 người xuống còn 2 người),

Thứ hai, gia tăng năng suất (2 người làm được công việc của 4 người)

Thứ ba, cắt giảm chi phí liên quan (tiền lương, tiền điện).

Ngoài ra, anh cũng cho rằng nên có một hiệp hội hay tổ chức kết nối giữa nhà sáng chế, sản xuất với các doanh nghiệp, để giúp hai bên "gặp" và "hiểu" nhau hơn về nhu cầu của mỗi bên. Hơn là các nhà sản xuất mải miết thời gian của mình trong phòng thí nghiệm, xưởng chế tạo mà "quên mất" nhu cầu thật của doanh nghiệp. Phải liên kết hợp tác với nhiều bên để cho ra sản phẩm tốt hơn. Cho nên sẽ rất tiếc khi sản phẩm từ xưởng sản xuất không ứng dụng được trong thực tế hoặc "đã kịp" ở lại phía sau so với nhu cầu thật.

Về phía nhà cung cấp như anh Duy Phương cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, các nhà nghiên cứu, chế tạo bây giờ ngoài việc phát triển tính năng của sản phẩm thì cần "nhìn xa" hơn và cần có tư duy "người kinh doanh" hơn, theo anh:

- Tập trung chăm chút hơn cho định hình kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm, một yếu tố có thể chiếm đến 30% quyết định của sản phẩm

- Tăng cường kết nối chủ doanh nghiệp, chủ động tạo chiến lược để giới thiệu đem sản phẩm đến doanh nghiệp có nhu cầu

- Quan tâm hơn đến việc chăm sóc doanh nghiệp và bảo hành sản phẩm

- Linh hoạt trong vấn đề xử lý sản phẩm và các vấn đề phát sinh trong thực tế vận hành tại doanh nghiệp

Như vậy, sau khi hai bên đã ‘gặp" nhau, biết đâu một ngày nào đó sẽ có robot làm gỏi cuốn tôm thịt, đổ bánh xèo, làm bánh mì, pha cà phê sữa đá thì sao nhỉ! Chắc lúc đó rất tuyệt và tác giả nếu có cơ hội thì cũng không còn ngại gì mà không giới thiệu sản phẩm của người Việt Nam với các vị khách nước ngoài! Mong chờ lắm thay.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Tựa bài do toàn soạn đặt lại.

Mai Hương - Quản lý dự án xây dựng mô hình lĩnh vực bán lẻ, nhượng quyền

Cùng chuyên mục
XEM