Richard Branson: Bí quyết thành doanh nhân không thể bị đánh bại

11/10/2017 09:13 AM | Kinh doanh

Đầu tháng 9 vừa qua, một trong những cơn bão có sức gió mạnh nhất từng được ghi nhận ở biển Đại Tây Dương (297km/h – theo tờ Time) - siêu bão Irma, đã càn quét khắp bang Florida (Mỹ) và vùng Caribe, gây ra vô số thương vong. Thế nhưng giữa tâm điểm cơn bão ấy, giới phân tích lại nhận thấy một điểm vô cùng kỳ lạ, đó là doanh nhân Richard Branson, được cho là đã cố tình nán lại trên đảo Necker - nơi thuộc quyền sở hữu của ông, để đón siêu bão Irma.

Tỷ phú người Anh với khối tài sản ước tính 5,1 tỷ USD (theo Forbes) này là người lập dị và thích sự mạo hiểm. “Nghe thật lạ lùng, nhưng với tôi, những cơn bão khủng khiếp lại chính là kỳ quan tuyệt vời nhất của thế giới tự nhiên. Năm 2010, tôi từng chứng kiến hai cơn bão mạnh Earl và Otto. Đó là lần đầu tiên tôi thực sự choáng ngợp trước sức mạnh khủng khiếp của thiên nhiên. Tôi thích lắng nghe sức mạnh của biển, khi những con sóng vượt qua các vách đá. Tôi thích nghe tiếng gầm rú điên cuồng của gió, mưa và sấm sét…”, Richard Branson viết trên mạng xã hội.

Trò chơi vô cùng mạo hiểm của Richard Branson, thực ra lại là điều không hiếm gặp trong giới doanh nhân nói riêng và những người thành công nói chung.

Theo đó, tiêu biểu nhất cho tâm thế không sợ bất cứ điều gì như Richard Branson, là câu chuyện về cái chết kỳ cục của Francis Bacon - nhà triết học người Anh, một chính khách nổi tiếng và từng được phong tước hiệp sĩ năm 1603. Một buổi chiều năm 1626, Francis Bacon cũng ngắm cơn bão tuyết đang gào thét bên ngoài cửa sổ và nảy ra ý tưởng sử dụng tuyết để bảo quản thực phẩm. Quyết tâm kiểm chứng ý tưởng đó, Francis Bacon mua một con gà ở làng bên, làm sạch rồi đứng ngoài trời nhồi đầy tuyết vào con gà để làm lạnh. Còn chưa biết kết quả của cuộc thí nghiệm, thì Francis Bacon đã chết vì… sưng phổi.

“Thật may mắn là Richard Branson đã không nảy ra ý tưởng nhồi tuyết vào con gà giữa cơn bão. Nhưng việc làm liều lĩnh của Richard Branson khiến chúng ta phải tự đặt câu hỏi, vì sao ông không hành xử như bao nhiêu người, đơn giản chỉ là rời đi? Và liệu phẩm chất điên rồ ấy của ông có phải chính là điều khiến ông trở thành một nhà quản trị xuất sắc, một doanh nhân với tâm thế không thể bị đánh bại?”, Jeff Haden, chuyên gia phân tích của trang Inc. đặt vấn đề.

Thông qua nghiên cứu thực nghiệm 576 doanh nhân ở Anh, Deniz Ucbasaran - giáo sư chuyên ngành quản trị kinh doanh, hiện giảng dạy tại Warwick Business School, Vương quốc Anh - đã nhận ra rằng, đa số doanh nhân thành công đều sở hữu khả năng tâm lý khác người thường: một sự lạc quan có phần thái quá.

Các doanh nhân này từ khi khởi nghiệp cho đến lúc thành công luôn lặp đi lặp lại một quá trình là cố loại bỏ những nghi ngờ bản thân, kiểu: không đủ thông minh, không đủ chuyên biệt, không đủ khả năng thích nghi, không có khả năng làm giàu… Những doanh nhân này vì vậy thường phải tự huyễn hoặc mình rằng họ có thể làm được mọi thứ, và dù trước mắt không có lấy một cơ hội thành công, họ vẫn có thể tin vào tương lai tươi sáng.

“Nếu một cái cây có tư tưởng của con người, nó chỉ có thể cao được chưa tới một phần ba chiều cao thực sự của nó. Việc chúng ta đánh mất sự lạc quan, niềm tin, đôi khi không phải do chúng ta, mà là do những người thân bên cạnh chúng ta. Bởi gia đình, bạn bè của bạn thường có khuynh hướng hạ thấp sự lạc quan của bạn. Tất nhiên, không phải vì họ muốn làm bạn thất vọng, mà bởi vì họ không muốn bạn thất bại”, Deniz Ucbasaran chia sẻ.

Sự lạc quan có phần phi lý này không chỉ là một yếu tố quan trọng để tạo ra một doanh nhân thành công, với tâm lý không thể bị đánh bại, mà còn là một yếu tố quan trọng để những vận động viên chuyên nghiệp có được thành tích thi đấu tốt.

“Để có màn trình diễn tốt nhất, bạn phải tự dạy mình cách tin tưởng vào bản thân với một cường độ vượt xa sự hợp lý thông thường. Không một nghệ sĩ hàng đầu nào thiếu khả năng này. Nó gọi là sự lạc quan phi lý. Bạn phải tin là mình giỏi, trước khi ra sân và chứng minh điều đó. Không có vận động viên nào có thể chơi bùng nổ nếu họ cứ để sự nghi ngờ lởn vởn trong tâm trí mình”, Arsène Wenger - huấn luyện viên câu lạc bộ Arsenal (câu lạc bộ có tổng giá trị tài sản cao thứ hai nước Anh, khoảng 2 tỷ USD) nhận định.

Sự dũng cảm khác với sự liều lĩnh

Theo Brett McKay - chuyên gia tâm lý, nhà sáng lập trang The Art of Manliness (website hàng đầu dành cho nam giới với hơn 10 triệu lượt truy cập mỗi tháng, theo Forbes) thì sự lạc quan phi lý thường xuất hiện ở 2 kiểu người là người dũng cảm và người liều lĩnh. Cách nhanh nhất để phân biệt sự liều lĩnh với sự can đảm là thông qua sự kiên trì.

Cụ thể, những doanh nhân liều lĩnh khi đứng trước một thử thách thường đối đầu với một sự chuẩn bị vội vã. Trong vài tuần, họ cảm nhận được ngọn lửa đam mê và phấn khích tuyệt vời. Dù có thể đạt được chút thành công ban đầu, nhưng sau đó khi khó khăn xảy ra, thành công ban đầu của họ bị chững lại, doanh nhân liều lĩnh sẽ bắt đầu làm việc ít đi. Rồi họ cho rằng vấn đề không nằm ở cách làm việc của mình mà đơn giản là họ đã theo đuổi sai mục tiêu, nên cần theo đuổi một thứ khác. Lúc này, họ thường sẽ lại có một ý tưởng đột phá nữa, một thử thách thú vị nữa và họ lại bỏ dở công việc cũ để chạy theo cái mới.

“Khi một doanh nhân điều hành doanh nghiệp với số vốn 10 tỷ đồng đối đầu với một tập đoàn đa quốc gia có giá trị hơn 10.000 tỷ đồng, với tâm thế lạc quan về một cuộc lật đổ, anh ta có thể là một kẻ liều lĩnh hoặc là người dũng cảm. Điểm khác biệt của 2 loại người này, nếu là kẻ liều lĩnh, cơ hội thành công của anh ta chỉ chưa tới 20%. Bởi ngay khi khó khăn xuất hiện, anh ta sẽ dần buông xuôi để bắt đầu tìm một thử thách mới”, Brett McKay kết luận.

Theo PHẠM TÚ

Cùng chuyên mục
XEM