Ra trường 5 năm vẫn chỉ loanh quanh ở mức lương trung bình, tôi nhận ra 4 sai lầm chí mạng khiến bản thân luôn bị đánh giá thấp
Người trẻ có bao nhiêu cái “5 năm” để lãng phí giá trị của bản thân trong những sai lầm tưởng là giản đơn như vậy?
Đã làm rất nhiều ngành, có rất nhiều trải nghiệm, nhưng những gì chúng ta học được là bao nhiêu?
Sau khi tốt nghiệp đại học, Tiểu Liên cũng giống như bao người khác, đều muốn được ở lại thành phố sinh sống và làm việc lâu dài. Cùng với mong muốn đó, cô cũng biết rằng mình sẽ phải chịu đựng rất nhiều áp lực, đặc biệt là về kinh tế. Chân ướt chân ráo ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm, cũng không tích lũy được nhiều quan hệ, Tiểu Liên chỉ có thể xin việc với mức lương khởi điểm khá thấp, cha mẹ hàng tháng vẫn phải gửi lên trợ cấp cho con gái đồng ít đồng nhiều.
Đầu tiên, Tiểu Liên xin làm đại diện bán hàng cho một cửa hàng bánh trung thu nổi tiếng, thường chịu trách nhiệm ở mảng telesales, bán hàng trực tuyến, đôi khi cũng tranh thủ phát tờ rơi tại những tòa nhà văn phòng đông đúc để giới thiệu sản phẩm.
Sau 3 tháng đầu không đạt hiệu suất rõ ràng, Tiểu Liên bắt đầu học cách nghiên cứu kỹ một số lợi thế của sản phẩm, từ giá cả cho tới góc nhìn của khách hàng. Thay đổi phương pháp làm việc khiến Tiểu Liên thành công thu về một đơn đặt hàng lớn trong 2 tuần, tạo ra doanh số 50.000 sản phẩm cho đơn vị đại lý, nhận được sự đánh giá cao của người quản lý khu vực.
Nhưng thời gian tốt đẹp đó không kéo dài bao lâu. Thị trường này có mức độ cạnh tranh cao, khó tiếp cận và phát triển những nguồn khách hàng mới với số lượng lớn. Áp lực công việc ngày một nhiều hơn khiến Tiểu Liên nhanh chóng mệt mỏi chỉ sau 1 năm làm việc và xin nghỉ.
Công việc thứ hai của Tiểu Liên là một trợ lý kinh doanh, với nhiệm vụ hỗ trợ chuẩn bị hồ sơ hợp đồng, chi phí đi lại, quản lý lịch trình và một số công tác liên quan tới thủ tục hành chính.
Nhưng công tác này cũng chỉ kéo dài được hơn 3 tháng, sau đó, Tiểu Liên tiếp tục thử sức ở vị trí trợ lý dự án của một công ty lớn. Sau 6 tháng khó khăn, cô lại tiếp tục chuẩn bị cho lần nhảy việc tiếp theo.
Sau đó, Tiểu Liên lại làm việc ở vị trí nhân viên bán hàng thời trang nữ trong một cửa hàng bách hóa cao cấp nhất nhì thành phố. 1 năm sau đó, cô dần quen với quy trình bán hàng và kinh doanh của cửa hàng, cũng đạt được một số tăng tiến nhất định khi lần lượt trở thành chuyên viên, trưởng team, giám sát viên, quản lý viên.
Trong năm công tác thứ hai, Tiểu Liên có cơ hội được thăng chức trở thành quản lý tiêu thụ sản phẩm, hiệp trợ giám đốc kinh doanh đề xuất các ý tưởng kinh doanh, nỗ lực hoàn thành những chỉ tiêu mà doanh nghiệp đề ra, cũng chịu trách nhiệm khâu chăm sóc khách hàng, và nhiều công tác lặt vặt khác.
Sau một thời gian không ngắn làm việc ở thành phố, khi được hỏi, công việc nào ấn tượng và ý nghĩa nhất đối với mình, Tiểu Liên đã không trả lời mà than thở rằng, công việc kinh doanh hiện nay tuy nhìn thì tưởng là có tương lai, nhưng thực chất cơ cấu bộ máy doanh nghiệp đã khá lạc hậu.
Hầu hết nhân viên đều là người lớn tuổi, họ không theo kịp tốc độ phát triển của thị trường marketing và PR trong thời đại này. Do đó, năng lực cạnh tranh không cao, hệ thống quản lý thì lại chậm chạp. Bản thân cô đang suy nghĩ tới việc lần nữa thay đổi một môi trường làm việc mới.
Sau đó, cô Tiểu Liên tiếp tục xin nghỉ, đi phỏng vấn tại một công ty du lịch, bắt đầu đảm nhận vị trí tiếp tân…
Từ đại diện bán hàng của một cửa hàng bánh trung thu nổi tiếng, đến trợ lý dự án doanh nghiệp, lại là quản lý tiêu thụ sản phẩm thời trang nữ, rồi làm việc cả trong ngành du lịch… những tưởng công việc đa dạng sẽ giúp nhân sinh trải nghiệm phong phú hơn, nhưng thực tế chứng minh, khi trải nghiệm không đem tới giá trị cụ thể, thì người ta vẫn hoang mang lạc hướng, chẳng thể tìm thấy phương hướng áp dụng chính xác cho bản thân.
Từ ngày ra trường và vào đời như một trang giấy trắng, đến bây giờ, khi đã gần 30 tuổi, Tiểu Liên vẫn cứ bối rối, mất phương hướng trong việc phát triển tương lai của mình. Mức lương trung bình, công việc không có đam mê lý tưởng, vật chất tích lũy được cũng chẳng là bao. Tuổi trẻ con người có bao nhiêu năm để tiếp tục lãng phí như vậy?
Thất bại lớn nhất chính là không có định hướng về kế hoạch nghề nghiệp cho bản thân
Thông qua câu chuyện của Tiểu Liên, người ta có thể nhìn thấy những sai lầm chí mạng trong con đường phát triển của cô như sau:
Sai lầm đầu tiên, cũng là vấn đề nghiêm trọng nhất, đó là không có khái niệm về việc xây dựng kế hoạch nghề nghiệp. Cô cứ cho phép mình làm việc theo sở thích, hứng thú và suy nghĩ nhất thời mà không hề tìm hiểu con đường lâu dài thích hợp cho bản thân.
Sai lầm thứ hai, không biết điểm mạnh của mình ở đâu, và cũng không biết cách tận dụng thế mạnh trên con đường xây dựng sự nghiệp, khiến cho bản thân nỗ lực vô ích mà không đạt hiệu quả trong rất nhiều công việc khác nhau.
Sai lầm thứ ba là chưa biết xem xét tình huống một cách toàn diện trên nhiều khía cạnh như tầm nhìn cá nhân, thế mạnh, chuyên môn, kinh nghiệm tăng trưởng, quan điểm nghề nghiệp, yếu tố chính trị, yếu tố kinh tế và yếu tố xã hội, rồi mới đưa ra kết luận phù hợp khi lựa chọn công việc.
Sai lầm thứ tư là không kiên định với sự lựa chọn của mình. Trên thực tế, khi đạt được thành tựu ở vị trí tiêu thụ sản phẩm cho cửa hàng bán bánh trung thu nổi tiếng, cô vẫn có thể tiếp tục kiên trì, dần dần tích lũy kinh nghiệm, phát triển đi sâu hơn vào ngành đó. Nhưng Tiểu Liên lại bắt đầu do dự khi gặp khó khăn và quyết định nhảy việc ngay sau đó không lâu.
Phải biết rằng, thay đổi quỹ đạo nghề nghiệp chính là thay đổi cả số phận tương lai sau này. Chúng ta không thể nói rằng mình vừa sinh ra đã ở một vị trí tốt, mình vừa ra đời đã có quý nhân phù trợ, không phải lần nào lựa chọn cũng sẽ chính xác tuyệt đối, nhưng thay vì phàn nàn và thở dài, chúng ta có thể cho mình một cơ hội để phấn đấu hết mình ở hiện tại.