Quy luật thú vị của cuộc sống: Những người hay than vãn thường nghèo vẫn hoàn nghèo!

14/12/2018 10:13 AM | WeLearn

Người giàu có thái độ hoàn toàn khác, họ tin rằng mệnh có thể đổi, vận có thể tạo, vận mệnh của mình là do mình làm chủ.

Nội dung trích từ cuốn sách "Sự Khác Biệt Giữa Người Giàu Và Người Nghèo", tác giả Thái Phú Cường, do Vibooks phát hành.


"Ôi. Kiếp này đã định sẵn số nghèo, chẳng có hy vọng gì nữa".

"Mình đã nghĩ đủ mọi cách làm giàu, đã thử hết lần này đến lần khác, nhưng cuối cùng vẫn thất bại, chắc kiếp này mình vô duyên với giàu có, nản quá!"

Để ý một chút, bạn sẽ thấy trong cuộc sống đầy những câu nói như thế. Rất nhiều người cúi đầu trước số phận, cam tâm sống đời bình thường chỉ vì xuất thân nghèo khó hoặc gặp trở ngại trong quá trình theo đuổi sự giàu có.

Dĩ nhiên, họ là những kẻ tin vào số mệnh, họ cho rằng số phận của mình đã được ông trời định sẵn, không thể thay đổi. Với suy nghĩ đó, họ bằng lòng với hiện tại, cam tâm để cho số mệnh sắp đặt mà không chủ động thay đổi.

Quan sát kỹ hơn một chút, chúng ta sẽ nhận thấy một quy luật thú vị: Những người hay than vãn thường nghèo vẫn hoàn nghèo.

Nguyên nhân tạo nên quy luật này dĩ nhiên không phải do "ông trời" sắp đặt, chung quy cũng chỉ là vấn đề của bản thân họ. Vì họ dễ dàng chấp nhận số mệnh, nên một khi thất bại trên con đường theo đuổi sự giàu có, họ sẽ bỏ cuộc.

Đối với vấn đề này, người giàu có thái độ hoàn toàn khác, họ tin rằng mệnh có thể đổi, vận có thể tạo, vận mệnh của mình là do mình làm chủ.

Có một câu chuyện ngụ ngôn thế này:

Sứ giả của Thượng đế một hôm xuống nhân gian, đúng lúc gặp một thầy bói đang xem bói cho hai đứa trẻ. Thầy bói chỉ vào một đứa trẻ nói: "Tương lai con sẽ là trạng nguyên". Rồi lại chỉ vào đứa trẻ còn lại nói: "Số con sẽ là ăn mày".

Hai mươi năm sau, sứ giả của Thượng đế lại xuống nhân gian lần nữa, ông tìm đến hai đứa trẻ năm đó để kiểm chứng xem lời dự đoán của thầy bói có chính xác không. Tuy nhiên kết quả khiến ông vô cùng kinh ngạc: Đứa trẻ năm đó được dự đoán trở thành "trạng nguyên" giờ đã trở thành gã ăn mày lang thang, còn đứa trẻ bị đoán có "kiếp ăn mày" lại trở thành trạng nguyên.

Sứ giả suy nghĩ mãi vẫn không thể hiểu được, bèn tìm Thượng đế để hỏi nguyên do.

Thượng đế trả lời: "Thiên phú ta ban tặng cho mỗi người chỉ quyết định một phần ba số phận của họ, hai phần ba còn lại tùy thuộc vào việc họ tận dụng nó như thế nào".

Quy luật thú vị của cuộc sống: Những người hay than vãn thường nghèo vẫn hoàn nghèo! - Ảnh 2.

Điều kiện quan trọng nhất, quyết định vận mệnh của một người không phải là sự chi phối của hoàn cảnh, cùng không phải do ông trời sắp đặt, mà là do bản thân họ có biết nắm bắt và điều khiển.

Cũng giống như cậu bé "trạng nguyên" bị tiên đoán trở thành "ăn mày" trong câu chuyện trên, có thể do thiên bẩm của cậu không chiếm ưu thế, hoặc không có xuất thân cao quý, nhưng đó không phải là những yếu tố quan trọng nhất quyết định chiều hướng vận mệnh của cậu. Sở dĩ cậu phá bỏ được lời tiên đoán của thầy bói, chính là nhờ cậu đã không đầu hàng số mệnh.

Cũng giống như vậy, một người có ưu thế bẩm sinh hoặc có xuất thân cao quý (giống như cậu bé "ăn mày" được đoán thành "trạng nguyên" trong câu chuyện), nếu không biết làm chủ vận mệnh của mình, thì cuối cùng cũng sẽ vô tích sự.

Trong lịch sử, có rất nhiều người giàu xuất thân bần hàn, từng trải qua cuộc sống khốn khó. Họ có thể trở nên giàu có là vì không chịu đầu hàng số phận và luôn cho rằng mình mới là người nắm giữ vận mệnh.

Trong số đó, Lý Gia Thành chính là một ví dụ điển hình.

Lý Gia Thành sinh ra trong một gia đình nghèo ở thành phố Triều Châu, Quảng Đông, thời thơ ấu gia cảnh rất khó khăn.

Năm 11 tuổi gặp lúc loạn lạc, Lý Gia Thành theo cha mẹ đến Hồng Kông lánh nạn, cả nhà sống nhờ nhà người cậu giàu có Trang Tĩnh Am. Nhưng họa vô đơn chí, không lâu sau, cha của Lý Gia Thành (nguồn kinh tế duy nhất trong nhà) vì lao lực quá độ, nên bị viêm phổi qua đời.

Cha qua đời khiến cả gia đình rơi vào tình cảnh khó khăn cùng cực, đặc biệt đối với mẹ Lý Gia Thành, đây là một cú sốc nặng nề. Lúc này, Lý Gia Thành là con cả trong nhà, ông đành quyết định thôi học, gánh vác gia đình.

Lý Gia Thành ban đầu làm anh chàng học việc, rót trà, dọn dẹp trong công ty Đồng hồ Trung Nam của người cậu. Hai năm sau, chàng trai Lý Gia Thành 19 tuổi trở thành nhân viên kinh doanh của Xưởng chế tạo ngũ kim và Công ty sản xuất dây nhựa. Nhờ có thành tích xuất sắc, năm sau đó Lý Gia Thành được thăng chức làm Giám đốc bộ phận, không lâu sau lại được đề bạt làm Tổng giám đốc.

Trong khoảng thời gian làm nhân viên kinh doanh, Lý Gia Thành đã vượt qua những khó khăn và trở ngại trong cuộc sống, không ngừng tích lũy kiến thức kinh doanh, giao thiệp rộng với mọi giới trong xã hội, tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển của mình trong tương lai.

Mùa hè năm 1950, Lý Gia Thành 22 tuổi đã nắm bắt thời cơ dùng số tiền tích góp thành lập nhà máy đầu tiên của mình - "Xưởng nhựa Trường Giang". Năm 1957 bắt đầu sản xuất hoa nhựa, đến năm 1964, Lý Gia Thành đã kiếm được khoản lợi nhuận mười mấy triệu USD Hồng Kông. Xưởng nhựa Trường Giang trở thành cơ sở sản xuất hoa nhựa lớn nhất thế giới, nhờ đó Lý Gia Thành có mỹ danh "ông hoàng hoa nhựa". Sau đó, Lý Gia Thành lại nắm bắt thời cơ bước vào ngành đồ chơi nhựa, bất động sản... dần dà trở thành "người Hoa giàu có nhất".

Trước xuất thân nghèo khó và những bất hạnh phải trải qua, người không có ý chí sẽ cho rằng tạo hóa trêu ngươi, vận mệnh đã được định sẵn, để rồi buông xuôi, suốt đời không thoát khỏi kiếp nghèo. Lý Gia Thành đã không đầu hàng trước sự sắp đặt của số mệnh, cũng không cam phận đói nghèo, ông đã nỗ lực tìm cách thoát nghèo, cuối cùng trở thành "người giàu có nhất châu Á".

Người nghèo tin mình bị số mệnh chi phối nên chấp nhận nó, còn người giàu lại tin vận mệnh do mình tạo ra, nên nỗ lực làm chủ vận mệnh.

Thái Phú Cường

Từ khóa:  nghèo , giàu
Cùng chuyên mục
XEM