Quốc hội giải thích chỉ tiêu thu nội địa tăng 19,5%

14/11/2016 08:27 AM | Xã hội

Theo dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017 vừa được Quốc hội thông qua, số thu từ nội địa là 990.280 tỷ đồng, chiếm gần 82% dự toán thu ngân sách cả nước.

Khả thi

Với dự toán như trên, số thu nội địa năm 2017 tăng 19,5% so với ước thực hiện năm 2016 và cao hơn mức bình quân nhiều năm gần đây. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, mức dự toán thu nội địa như vậy là cao.

Nhưng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện Luật NSNN (năm 2015), do đó phát sinh một số khoản thu mới đưa vào cân đối ngân sách, như ổ số kiến thiết, phí đảm bảo hàng hải, phí sử dụng đường bộ… và một số khoản thu đặc thù như: bán bớt phần vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp…

Nếu loại trừ các khoản thu trên, thì chỉ tiêu thu nội địa chỉ tăng khoảng 14% so với ước thực hiện năm 2016.

“So sánh với tốc độ tăng thu nội địa bình quân giai đoạn 2011-2016 (khoảng 13-15%/năm) và với quyết tâm phấn đấu ở mức cao của các bộ, ngành, địa phương, dự toán thu nội địa nêu trên sẽ khả thi, góp phần đảm bảo nhu cầu chi tăng rất cao từ năm 2017”- UBTVQH khẳng định.

357.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển

Liên quan đến vấn đề chi cho đầu tư phát triển, năm 2017, Nghị quyết của Quốc hội đặt chỉ tiêu dành 357.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này. Nhưng có đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo số liệu chi đầu tư phát triển như vậy là cao hay thấp, đã đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển chưa, và có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn không?

Theo UBTVQH, dự toán NSNN năm 2017 Chính phủ báo cáo Quốc hội bố trí chi đầu tư phát triển 357.000 tỷ đồng, tăng 2,9% so với cùng mặt bằng năm 2016, chiếm 25,7% tổng chi ngân sách, mức chi này là phù hợp với định hướng bố trí vốn trong Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016-2020 đã được Quốc hội phê duyệt và cũng nằm trong Kế hoạch đầu tư công.

Mức bố trí này cũng phù hợp với bối cảnh thu NSNN, nhất là thu ngân sách Trung ương năm 2017 khó khăn, bội chi NSNN phải giảm so với dự toán năm 2016 để đảm bảo an toàn nợ công.

Vì vậy, dự toán chi được Quốc hội thông qua đối với đầu tư phát triển cho phép tăng không nhiều so với năm 2016, trong khi phải bố trí đảm bảo trả đủ các khoản nợ lãi theo qui định, dành nguồn để điều chỉnh mức lương cơ sở, chi thường xuyên bố trí tiết kiệm.

Bội chi ngân sách địa phương không quá 6.000 tỷ đồng

Một vấn đề đáng chú ý khác nhận liên quan đến dự toán ngân sách năm 2017 được sự quan tâm của đại biểu Quốc hội là bội chi của ngân sách địa phương, khả năng vay và trả nợ của địa phương.

Đại diện UBTVQH cho biết: Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Ngân sách Nhà nước (năm 2002), địa phương được phép huy động vốn để tăng nguồn đầu tư XDCB và có trách nhiệm trả nợ cả gốc và lãi.

Đến nay, Luật NSNN năm 2015 quy định ngân sách địa phương cấp tỉnh được phép bội chi để đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn. Bội chi ngân sách địa phương được tổng hợp vào bội chi NSNN và do Quốc hội quyết định hàng năm.

Căn cứ vào quy định của Luật NSNN năm 2015, Chính phủ đã có văn bản hướng dẫn cụ thể các địa phương về việc vay, trả nợ và bội chi ngân sách địa phương năm 2017. Trên cơ sở tổng hợp đề xuất của các địa phương và để trần nợ công không vượt ngưỡng, Chính phủ đã trình Quốc hội mức bội chi ngân sách địa phương là 6.000 tỷ đồng.

Mức bội chi trên sẽ tạo điều kiện cho các địa phương có điều kiện thu hút bổ sung vốn đầu tư phát triển. Đồng thời, các địa phương phải có trách nhiệm cân đối nguồn lực để trả nợ gốc và lãi từ nguồn cân đối, từ nguồn tăng thu, từ kết dư ngân sách và vay nợ mới để trả nợ cũ.

Theo T.Bình

Cùng chuyên mục
XEM