Quặng kim loại quý Việt Nam xuất khẩu cả lô "bom tấn" sang Trung Quốc: Khai thác thế nào?
Việt Nam có tiềm năng lớn về titan, sản lượng xuất khẩu quặng titan sang Trung Quốc chiếm một lượng lớn tổng nhập khẩu quặng titan của nước này.
Titan ở Việt Nam
Titani (hay titanium) là một kim loại màu trắng bạc, có độ bền đặc biệt cao. Titani không bị ăn mòn trong nước biển và có khả năng chịu nhiệt mạnh.
Với nhiều tính chất ưu việt, titan được dùng trong các hợp kim cứng và nhẹ (đặc biệt là với sắt và nhôm) trong các thiết bị quân sự, bao gồm động cơ phản lực, tên lửa hành trình và trong công nghiệp dân sự, bao gồm hóa học và hóa dầu, ứng dụng trong nông nghiệp, bộ phận giả trong y học, cấy chỉnh hình, chân răng nhân tạo, đồ thể thao, trang sức, điện thoại di động và nhiều ứng dụng khác.
Ảnh minh họa.
Theo Cục khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS), tính đến tháng 10/2020, những quốc gia cung cấp tinh quặng titan lớn nhất cho Trung Quốc là Mozambique (36%), Australia (14%), Việt Nam (11%) và Kenya (11%). Còn theo trang OEC (dự án của Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ), tính đến năm 2019, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu titan oxit thứ 11 thế giới.
Những điểm đến chính của xuất khẩu titan Việt Nam là Nhật Bản (trị giá 11,6 triệu USD), Trung Quốc (8,84 triệu USD), Indonesia (448 nghìn USD), Hàn Quốc (379 nghìn USD) và Ấn Độ (254 nghìn USD).
Một số quy trình khai thác quặng ở Việt Nam
Quặng titan (Ilmenit) ở Việt Nam có 3 loại: quặng gốc trong đá xâm nhập mafic, quặng trong vỏ phong hoá và quặng sa khoáng ven biển. Các loại quặng này có sự phân bố ở nhiều nơi, trong đó có thể kể đến Thái Nguyên, các vùng biển rải rác từ Móng Cái đến Vũng Tàu. Một số diện tích ven biển tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu có tiềm năng lớn, tài nguyên dự báo đạt hàng trăm triệu tấn. Một số mỏ ilmenit ở Hà Tĩnh, Bình Định, Bình Thuận... đã được khai thác và xuất khẩu.
Tổng quan về công nghệ chế biến và sử dụng sản phẩm từ công nghiệp khai thác chế biến quặng titan.
Tuy nhiên, theo Viện Khoa học và Công nghệ mỏ - Luyện kim, tài nguyên quặng titan Việt Nam lớn song chủ yếu hiện nay thuộc loại nghèo, hàm lượng trung bình 0,6-0,7% khoáng vật nặng có ích. Quặng titan trong tầng cát đỏ tập trung tại khu vực hiện đang khó khăn cho khai thác và tuyển quặng. Quặng có nhiều sét nên quy mô và hiệu quả khai thác và tuyển bị hạn chế, chi phí sản xuất cao.
Theo USGS, dù sở hữu trữ lượng hàng triệu tấn quặng chứa titan, Việt Nam mới chỉ khai thác 160 nghìn tấn/năm. Để khai thác và sử dụng hợp lí, Việt Nam cần hạn chế việc đầu tư xây dựng mới các cơ sở sản xuất xỉ titan sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Việc cải tiến và đổi mới công nghệ, thiết bị các cơ sở sản xuất xỉ titan đang hoạt động sẽ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đặc biệt là nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể mở rộng thị trường mới xuất khẩu xỉ titan (ngoài Trung Quốc).