Trung Quốc lên tiếng chuyện thương lái
Ông Vi Tích Thần tỏ ra bức xúc trước nhiều thông tin trên báo chí hàng ngày phản ánh doanh nhân, thương nhân Trung Quốc mua những thứ lạ thường ở Việt Nam, gây ra nhiều ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường.
Tôi đọc, theo dõi thường xuyên, cũng rất bức xúc và mong chờ kết luận của cơ quan chức năng Việt Nam nhưng không thấy. Báo chí chỉ nói thương nhân Trung Quốc mua thứ này, thứ kia mà không ai nói rõ được họ mua làm gì, mua bao nhiêu, ảnh hưởng môi sinh môi trường thế nào? Các bài viết chỉ có nêu ra mà không có lời giải! Tôi rất thắc mắc.
Tôi thực sự không biết những ai ở Trung Quốc mua những thứ như trên và mua để làm gì. Nhưng tôi tin rằng, họ đã mua tức là họ có thị trường để tiêu thụ kiếm lời.
Tôi không ủng hộ cách thu mua của những thương nhân Trung Quốc như báo chí nêu. Nhưng tôi nghĩ lẽ ra cơ quan chức năng Việt Nam nên hướng dẫn cho họ tuân thủ pháp luật, có đăng ký và nộp thuế đàng hoàng thì tốt cho cả hai phía.
Thương nhân là những cá nhân đi mua để bán kiếm lời nên họ tự phát, có nhiều hạn chế ngoài khả năng của họ. Ta cần hướng dẫn, chỉ dẫn cho họ. Còn họ mua làm gì tôi nghĩ các nhà báo có thể hỏi họ mà?
Nếu được hướng dẫn cho thương nhân Trung Quốc và nông dân Việt Nam thì tốt quá đi chứ! Nông dân bán được sản phẩm, thương nhân mua được hàng.
Ảnh: TBKTSG |
Thực tế trên thế giới này, bất cứ cái gì nếu mình biết khai thác và khai thác có quy hoạch thì sẽ mang lại lợi ích cho bên bán lẫn bên mua! Nếu những thứ thương nhân Trung Quốc mua mà được tổ chức tốt, không để đào bới bừa bãi thì không có vấn đề gì cả.
Nhiều người Việt Nam đi nước ngoài đã phát hiện Trung Quốc làm hàng tốt bán cho những nước giàu có như Mỹ, Nhật, EU; còn làm giá rẻ chất lượng kém bán cho Việt Nam; hoặc hàng bị thị trường giàu có chê thì đẩy qua Việt Nam?
Ồ không phải đâu. Nhầm rồi.
Trung Quốc không làm như vậy. Trung Quốc sản xuất theo đơn đặt hàng. Quan trọng là khách hàng cần chất lượng như thế nào Trung Quốc sản xuất như thế ấy. Những sản phẩm chất lượng cao do Mỹ, Nhật đặt hàng Trung Quốc đều làm được.
Tôi đã làm việc và bàn bạc với các doanh nghiệp Trung Quốc. Tôi hỏi, tại sao các anh bán hàng Trung Quốc qua Việt Nam bị phê phán chất lượng quá. Họ bảo, tại các công ty nhập khẩu, thương nhân Việt Nam đặt hàng chất lượng như thế, giá cả như thế? Vậy trách nhiệm thuộc về ai đây?
Một phương thức nữa khá phổ biến của thương nhân Trung Quốc ở Việt Nam là tung ra mua số lượng nhiều, giá cao kích thích nông dân lao vào sản xuất thật nhiều. Sau đó họ trở lại ép giá hoặc bỏ đi mất gây thiệt hại chẳng khác gì tai họa cho nông dân?
Trước hết tôi xin khẳng định: Thương nhân Trung Quốc thu mua nông lâm thủy sản của Việt Nam hoàn toàn là hành vi thị trường, hoàn toàn do thị trường quyết định. Điều này cũng chứng tỏ thị trường Trung Quốc có nhu cầu và thị trường Việt Nam có khả năng cung cấp.
Thử hỏi, nếu không có thương nhân Trung Quốc thu mua, liệu hàng nông sản Việt Nam có ổn định mãi và không có biến động không? Tôi tin rằng, không thể, trừ một số mặt hàng đặc biệt do nhà nước quản lý. Hoặc là trở lại thời kỳ "xin cho" mà Việt Nam và Trung Quốc áp dụng trước đây!
Thứ hai, hành vi thương mại cũng là hành vi thị trường. Bản chất của giao thương là "trao đổi những gì mình có, mua những gì mình cần". Cơ sở của quan hệ mua bán là nguyên tắc tự nguyện. Nếu nông dân không thấy có lợi ích thì họ không muốn bán sản phẩm thì hành vi mua bán không thể thực hiện được. Nếu thương nhân tranh nhau thu mua thì người được lời chính là nông dân chứ?
Thứ ba, nhu cầu thị trường ảnh hưởng đến quy mô sản xuất và ngược lại. Thương nhân hay nông dân đều chịu tác động của quy luật thị trường.
Có ai nêu được ví dụ thương nhân Trung Quốc nào ký hợp đồng thu mua nông sản với nông dân Việt Nam rồi biến mất không?
Biến động thị trường không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của nông dân mà cũng ảnh hưởng đến lợi ích của thương nhân. Đã gọi là buôn bán thì không ai có thể đảm bảo mình chỉ được mà không bị mất. Tất nhiên trong kinh tế thị trường nông dân là người luôn ở vị trí tương đối bị động, lợi ích của họ cần được bảo vệ.
Bản thân tôi cũng là con của nông dân nên tôi hiểu một cách sâu sắc sự vất vả và khó khăn của nông dân. Tôi thật lòng mong ước nông dân Việt Nam sớm thoát khỏi nghèo đói, có cuộc sống khá giả và hạnh phúc.
Hiện tỷ trọng xuất nhập khẩu giữa 2 nước mất cân đối nghiêm trọng, Việt Nam phải nhập siêu từ Trung Quốc lớn hơn cả xuất siêu sang Mỹ và châu Âu. Sự mất cân đối nặng nề này thật khó mà bảo đảm cho quan hệ thương mại bền vững. Bản thân ông nhìn nhận vấn đề này ra sao? Chính sách của Trung Quốc có gì điều chỉnh hướng tới bền vững hay không?
Việt Nam nhập siêu lớn từ Trung Quốc là sự thật! Nhiều bạn Việt Nam cũng thường phàn nàn vấn đề này với tôi. Nhưng thẳng thắn mà nói Trung Quốc không mưu cầu thặng dư mậu dịch từ phía Việt Nam. Trung Quốc luôn hy vọng và áp dụng các biện pháp thiết thực để sớm cân bằng được thương mại giữa 2 bên. Với mục đích này, Trung Quốc đã từng "kê đơn" các mặt hàng cần nhập khẩu với số lượng lớn với Việt Nam. Có lẽ phần lớn các bạn Việt Nam chưa biết thông tin này song tôi biết rất rõ. Tiếc rằng Việt Nam không thực hiện được.
Tôi thường xuyên nói với các bạn Việt Nam rằng, không thể chỉ nhìn thấy con số nhập siêu từ Trung Quốc mà cần phải phân tích cụ thể nguyên nhân đó và 2 bên chúng ta cùng tìm ra biện pháp để cân bằng thương mại 2 bên.
Thực tế các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu là máy móc thiệt bị và nguyên phụ liệu phụ vụ sản xuất. Còn các sản phẩm tiêu dùng thì rất ít. Máy móc, nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc không những đã tăng khả năng sản xuất của Việt Nam mà còn góp phần to lớn vào xuất khẩu qua thị trường Âu - Mỹ của Việt Nam. Nói cách khác là nhập siêu từ Trung Quốc đã đổi lại kết quả xuất siêu sang Âu - Mỹ bởi nhiều mặt hàng xuất khẩu được sản xuất bằng nguyên liệu của Trung Quốc.
Tháng 4 vừa qua Bộ Thương mại Trung Quốc và Bộ Công thương Việt Nam đã ký "Bản ghi nhớ hợp tác song phương trong lĩnh vực thương mại hàng nông sản". Bản ghi nhớ này được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam tăng xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc, không những thu hẹp chênh lệch thương mại mà còn tăng thu nhập cho nông dân Việt Nam, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa nông nghiệp của Việt Nam.
(còn nữa)
Theo Duy Chiến