Tại sao các công ty trẻ không nên tuyển sinh viên mới ra trường?
Nếu nói về kết quả lâu dài thì một người giàu kinh nghiệm có thể đạt năng suất gấp ba lần người mới.
Đôi khi, các công ty sẽ không có thời gian để đào tạo nhân viên mới. Đó là quan điểm của Andrey Akselrod - CTO kiêm nhà đồng sáng lập công ty phần mềm dịch thuật Smartling .
Akselrod rất kỹ tính trong việc tuyển chọn đội ngũ lập trình viên quốc tế của mình. Tại trụ sở công ty ở New York, có 60 lập trình viên đang làm việc cho Akselrod, trong đó không ai là sinh viên mới tốt nghiệp.
Ông chia sẻ: “Chúng tôi rất kén chọn. Chúng tôi chỉ tuyển những người giàu kinh nghiệm thôi. Có rất nhiều lập trình viên trẻ ngoài kia, nhưng bạn biết đấy, cuộc sống vốn rất khắc nghiệt mà”.
Smartling đang trên đà phát triển nhanh chóng như bao công ty trẻ khác tại Silicon Alley. Hãng này vừa nhận thêm 25 triệu USD vốn mạo hiểm từ Iconiq Capital để giúp các khách hàng như Apple, Tesla, GoPro, Spotify,v.v… phiên dịch dễ dàng hơn trên thị trường quốc tế. Với mục tiêu sớm triển khai các hoạt động mới, Akselrod không ngần ngại chi thêm tiền để tuyển những nhân viên giàu kinh nghiệm.
Ông cho biết: “So về lương, đương nhiên những người có kinh nghiệm sẽ đòi hỏi mức lương cao hơn. Tuy nhiên, nếu nói về kết quả lâu dài thì một người giàu kinh nghiệm có thể đạt năng suất gấp ba lần người mới. Tôi nghĩ chi thêm tiền để tuyển những người dày dạn kinh nghiệm với năng suất làm việc cao sẽ hiệu quả hơn nhiều”.
Thuê các lập trình viên mới ra trường và cho họ thử việc có thể cũng hiệu quả, nhưng Akselrod muốn đạt được năng suất cao từ một đội ngũ nòng cốt mà ông tin tưởng hơn. Tuy nhiên, lập trường cứng nhắc này cũng gây không ít trở ngại cho ông khi tuyển dụng nhân viên tại New York, nơi thị trường vô cùng cạnh tranh.
“Tuyển các lập trình viên ít kinh nghiệm thì khá dễ dàng. Nếu muốn, có thể tôi chỉ cần bước ra ngoài đường là tuyển được. Nhưng tôi không đánh giá cao cách làm này”, Akselrod bày tỏ.
Akselrod thừa nhận phương pháp của mình không phải ai cũng áp dụng được. Nhiều người thích tuyển các nhân viên trẻ và đào tạo họ trong quá trình làm việc hơn. Tuy vậy, ông vẫn kiên trì với phương pháp mà mình đã áp dụng từ khi sáng lập Smartling: Tìm đúng người và giữ vững động lực làm việc cho họ. Akselrod tự hào rằng suốt 4 năm qua, đội ngũ nhân viên tại New York của mình chưa ai cảm thấy chán nản.
Ngoài ra, Akselrod còn có một vũ khí bí mật. Đó là tuyển dụng các lập trình viên từ quê hương Ukraine của ông. Bất chấp những bất ổn vừa diễn ra tại nước này, Smartling vẫn mở thêm trụ sở thứ hai ở Kiev (trụ sở đầu tiên nằm ở thành phố Dnepropetrovsk). Lương cho các lập trình viên tại đó ít tốn kém hơn và công ty cũng không phải chịu quá nhiều sức ép cạnh tranh trong việc thu hút nhân tài.
>> Phải làm sao khi là nhân viên của một lãnh đạo kém?
Thu Thảo