Phải tái cấu trúc công việc để cân bằng cuộc sống
Những yêu cầu và bó buộc không cần thiết của những công việc ngày nay đã hủy hoại nghiêm trọng cảm xúc sống của người lao động, đó là nhận xét của Lynda Gratton - chuyên gia người Anh về nhân sự.
Gratton đã phát biểu điều ấy ở một hội thảo mới đây tại Sydney. Bà kể là nhiều người khi rời nhà đi làm việc luôn cảm thấy mình có lỗi khi bỏ bê con cái, luôn mệt mỏi vì không có thời gian thư giãn và cuộc sống hôn nhân trở nên bấp bênh.
“Tác dụng gặm nhấm” này còn tiếp tục cùng những nhân viên ấy khi họ rời khỏi công việc mà trong lòng cảm thấy “giận dỗi, chán nản và thất vọng”.
Bà đã hỏi: “Chúng ta có thể thiết kế lại chu trình giữa công việc và ở nhà, sao cho khi rời công việc thì người đi làm vẫn cảm thấy hào hứng không?”.
Gratton cho biết, bà và người cùng nghiên cứu là Andrew Scott thử trả lời cho những câu hỏi: Đến nay chúng ta đã tiến triển ra sao theo nghĩa của công việc? Vì sao chúng ta có năm ngày (làm việc) và rồi có tiếp hai ngày “nghỉ”? Vì sao tất cả chúng ta đều phải đi làm? Vì sao chúng ta bắt đầu làm việc lúc chín giờ sáng và chấm dứt lúc sáu giờ chiều? Mọi thứ trước đây đã bắt đầu ra sao?
Tất cả đã bắt đầu từ cuộc cách mạng công nghiệp. Trước đó, không hề có những thời gian như là ngày cuối tuần, cũng không có những khuôn khổ thời gian làm việc sáng đến chiều, mà cũng không có nơi được gọi là văn phòng làm việc. Bấy giờ chỉ có ngôi nhà đang sinh sống mà thôi.
Gratton nói là bà không đề xuất việc quay về với kiểu làm việc hồi trước cách mạng công nghiệp, nhưng việc tác động của công nghệ mới lên con người ngày nay phải được xem xét đến. Bà cho là không có gì có thể ngăn cản con người kết nối trực tuyến 24 giờ mỗi ngày hiện nay.
Bây giờ đến câu hỏi tiếp là: “Bạn muốn sống cuộc sống của mình ra sao và muốn nhân viên mình sống cuộc sống của họ ra sao?”. Câu trả lời là đã đến lúc con người phải tái cấu trúc lại công việc, đặc biệt là cần nghĩ nhiều hơn về đời sống một con người chứ không chỉ riêng phần đời gắn với công việc. Toàn bộ cuộc đời của một con người có một phần đời quan trọng diễn ra ở ngôi nhà họ đang sống.
Gratton lưu ý: “Với nhiều người, công việc có quá nhiều đòi hỏi và bó buộc, đôi chỗ không cần thiết. Họ còn rất ít thời gian riêng cho mình và còn những ràng buộc về cách thức, thời điểm và nơi làm việc”.
Theo Gratton, về lâu dài, mối quan hệ với ngôi nhà mình đang sống là một dòng cảm xúc quan trọng. Vậy nên, mọi người cần suy nghĩ kỹ khi lựa chọn, đặc biệt là làm sao để có thời giờ nhàn rỗi và nên tổ chức công việc sao cho tạo ra dòng năng lượng tích cực giữa công việc và ngôi nhà đang sống thay vì một dòng năng lượng gây hủy hoại.
Việc cân bằng cuộc sống và công việc đang trở thành một vấn đề bắt buộc với doanh nghiệp trong một số lĩnh vực. Lynda Gratton cho biết bà cảm thấy thất vọng khi thấy hầu hết những sinh viên tài năng của mình khi ra trường chỉ biết cắm đầu vào làm việc.
Một số công việc mà họ lao vào làm là cực kỳ khó khăn, không được đối xử đúng mức và thời gian mà họ phải dành cho công việc là quá khắc nghiệt. Theo Lynda Gratton, sẽ đến lúc những bạn trẻ này thốt lên: “Chúng ta phải thiết kế công việc như thế nào cho tốt đây?”.
Lời gửi gắm của Gratton: “Tôi nghĩ rằng việc thiết kế các công việc sao cho chúng giúp cho con người… trở nên người hơn đang thật sự quan trọng”.