Nóng như ngân hàng 'thay máu' lãnh đạo
Mùa Đại hội cổ đông năm 2015 đã bắt đầu. Với giới ngân hàng, thông tin về sáp nhập, nợ xấu hay “thay máu” nhân sự cấp cao đang hứa hẹn là tâm điểm làm nóng không khí đại hội.
Ngày 28/3, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015. Báo cáo và đánh giá thực trạng kết quả kinh doanh năm 2014, ông Nguyễn Đức Hưởng – Phó chủ tịch Thường trực HĐQT nói: Năm 2014, lợi nhuận của LienVietPostBank giảm từ 644 tỷ đồng năm 2013 xuống còn 535 tỷ đồng. Việc đổi mới biên chế, chi phí mở rộng mạng lưới và trích lập dự phòng rủi ro, đầu tư phát triển công nghệ là nguyên nhân khiến lợi nhuận sụt giảm.
Ngày 22/4 tới đây, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VietcomBank) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT khẳng định, việc nhận ngân hàng sáp nhập với VietcomBank sẽ không là vấn đề “nóng” trong đại hội tới, vì mọi việc đã chuẩn bị tương đối
Dự báo năm nay sẽ có nhiều thay đổi trong cơ cấu nhân sự chủ chốt của các ngân hàng trước áp lực mua bán sáp nhập (M&A). Trước thông tin đồn đoán Ngân hàng Ocean bank có thể bị mua lại giá 0 đồng giống trường hợp Ngân hàng Xây dựng, nhiều cổ đông nhỏ không giấu được lo lắng, và tự hỏi không biết diễn biến đại hội tới sẽ thế nào?
Tuần qua, thị trường cũng vừa đón nhận thông tin hai lãnh đạo Ngân hàng Nam Á (NamABank) là ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng Giám đốc đương nhiệm và ông Trần Ngọc Tâm, Phó Tổng giám đốc (người vừa từ nhiệm NamABank mấy ngày) sắp chuyển sang ngân hàng khác.
Theo thông tin từ EximBank về kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến cổ đông về việc ứng cử, đề cử nhân sự dự kiến làm thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2015-2020, cả hai nhân vật trên đều trở thành ứng viên vào HĐQT EximBank với việc đại diện hơn 20% cổ phần (do các nhóm cổ đông tổ chức và cá nhân đề cử). “Hiện hai bên đã ngồi với nhau. Trong đại hội tới đây, cả hai ngân hàng đều xin ý kiến về việc lựa chọn nhau để sáp nhập”- một đại diện NamABank cho hay.
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia ngân hàng, ông Nguyễn Trí Hiếu nhận xét: “Năm 2015 là năm “chốt” của giai đoạn tái cơ cấu hệ thống ngân hàng giai đoạn 2011- 2015. Trong tiến trình tái cơ cấu vài năm nữa, chỉ được phép còn khoảng 17 ngân hàng, vậy ngân hàng mình sẽ đi về đâu, phải sáp nhập hay bị sáp nhập? Từ câu hỏi đó, các cổ đông có thể đặt vấn đề nếu trong trường hợp xảy ra, cổ phiếu ngân hàng sẽ như thế nào?”, ông Hiếu nói.
Chuyên gia này đồng thời lưu ý, nhiều người không phân biệt được mua cổ phiếu tại ngân hàng khác với gửi tiền tại ngân hàng. “Có bao nhiêu cổ đông tự hỏi cổ phiếu ngày xưa tôi mua phải trả gấp 3-4 lần mệnh giá. Bây giờ chỉ còn dưới 1 chấm (10.000 đồng/cổ phần), tức là tôi sẽ còn lại gì..?!”, ông Hiếu đặt vấn đề.
Thống kê cho thấy, Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank) từ năm 2012 đến nay chưa chi trả một đồng cổ tức nào cho cổ đông, với lý do tình hình khó khăn. Sacombank trong 2 năm qua chưa tạm ứng đợt cổ tức nào. Một loạt các ngân hàng không đạt kết quả kinh doanh như đã đề ra như DongABank, hoặc đang trong quá trình tái cơ cấu như Maritime Bank, VietABank; hay SCB đều có chủ trương không chi trả cổ tức cho cổ đông.
Trước chỉ đạo của NHNN, ngân hàng phải trích dự phòng đầy đủ trước khi nghĩ đến việc trả cổ tức cho cổ đông, lãnh đạo nhiều nhà băng cho biết: Tinh thần chung sẽ không đưa ra kế hoạch cổ tức trong năm 2015 và xin ý kiến cổ đông không chia cổ tức 2014 trong kỳ ĐHCĐ năm nay.
>> Cấp phép thêm ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam
Theo Khánh Huyền