Làm sao để “được” nhiều nhất trong một kì thực tập đáng thất vọng?

16/07/2015 11:16 AM | Quản trị

Thực tế là nhiều kì thực tập mang đến cho bạn cơ hội có được kinh nghiệm làm việc và tiếp xúc với lĩnh vực của mình.

Bạn nên làm gì nếu kì thực tập mùa hè của mình đang trở nên chán ngắt vì phải làm những việc không được như hứa hẹn trước đó hay không được trả lương để trang trải chi phí hàng ngày? Đây là một số gợi ý dành cho bạn:

1. Phần lớn bạn phải làm những công việc lặt vặt chứ không được giao những công việc quan trọng như mong đợi.

Một số khối lượng công việc lặt vặt là chuyện bình thường trong hầu hết các kì thực tập, và không phải là không phổ biến khi các thực tập sinh bước vào công ty với hi vọng là sẽ được làm nhiều việc “quan trọng” hơn. Thực tế là nhiều kì thực tập mang đến cho bạn cơ hội có được kinh nghiệm làm việc và tiếp xúc với lĩnh vực của mình. Đừng quên rằng chính bạn chưa chứng tỏ được bản thân trong thế giới công việc. Tình huống lý tưởng nhất là bạn sẽ được giao nhiều công việc thú vị hơn nếu bạn làm tốt những công việc chán ngấy đó và làm chúng một cách vui vẻ.

Tuy nhiên, nếu bạn đã được “hứa hẹn” một số dự án trước đó nhưng hiện tại lại không được giao, hay nếu bạn đang “phát khùng” vì phải sắp xếp hồ sơ và bưng bê cà phê quá nhiều, thì hãy nói chuyện với người quản lý. Hãy nói rằng bạn hiểu là cần phải làm những việc bạn đang làm nhưng bạn cũng muốn bảo đảm rằng kì thực tập mùa hè này là một kinh nghiệm học hỏi cho bạn.

Hãy nói thêm rằng bạn cũng đang hi vọng có cơ hội để được tiếp xúc với những việc quan trọng hơn. Và nếu như bạn đã thảo luận về những dự án cụ thể trong quá trình tuyển dụng thì giờ đây chính là lúc để đề cập đến chúng. Hãy hỏi rằng liệu bạn có thể được dành thời gian để học hỏi và đóng góp cho những dự án mà nhóm của bạn đang thực hiện không.

2. Bạn không đang được giao đủ việc, và bạn cảm thấy chán nản.

Hãy nói với quản lý của bạn. Hãy bảo họ là bạn có nhiều thời gian ngồi không, và hãy hỏi xem có thêm dự án nào cho bạn tham gia để khiến cho bạn bận rộn hơn không. Một số nhà quản lý nhận thực tập sinh mà không hề xem xét đến chuyện đầu tư thời gian cần thiết để tạo ra và giám sát các dự án dành cho những thực tập sinh đó. Bạn có thể gặp những kiểu quản lý như thế, vì thế hãy hỏi xem có dự án dài hạn nào mà bạn có thể đảm nhận để được bận rộn và không phải hỏi xin thêm việc không.

Bạn cũng có thể hỏi liệu bạn có thể giúp những người khác trong văn phòng khi bạn có thời gian rảnh. Nếu bạn được phép làm điều đó, bạn có thể thấy rằng những người khác sẽ vui vẻ giao việc cho bạn khi người quản lý không giao.

3. Bạn không nhận được nhiều phản hồi và hướng dẫn về công việc của mình.

Hãy biết rõ bạn cần gì! Khi bạn được giao một công việc không rõ ràng, hãy đặt câu hỏi. Ví dụ như bạn có thể hỏi là có những bài mẫu về công việc tương tự từng được làm trước đây để bạn có thể nhìn mà học hỏi không, hoặc hỏi xem một sản phẩm thành công rốt cuộc là trông như thế nào.

Bạn cũng có thể tính đến chuyện trao đổi với sếp của mình và giải thích rằng bạn không luôn luôn chắc chắn về cách xử lý những công việc được giao. Bạn có thể đề xuất một cuộc họp kiểm tra hàng tuần để bạn có thời gian nói về những gì bạn đang làm, được đặt câu hỏi và nhận được phản hồi.

4. Bạn không được tham gia vào những cuộc họp và thảo luận trong văn phòng, và bạn ước gì mình có thể tham gia chúng.

Để giữ cho các cuộc họp ngắn gọn và tập trung, các quản lý sẽ thường cố gắng hạn chế số lượng người tham gia, thường thì chỉ gồm những ai có hiểu biết sâu về vấn đề sẽ được thảo luận hay những người có quyền quyết định. Vì thế có thêm người tham dự sẽ luôn là điều không thích hợp, nhưng có người quan sát lại là một chuyện khác.

Hãy cố gắng đề đạt nguyện vọng được ngồi quan sát và học hỏi của mình, thay vì xin được có mặt với tư cách người tham dự. Chẳng hạn như bạn có thể nói: “Liệu em có thể ngồi nhìn trong một số cuộc họp về chiến lược của website công ty? Em muốn ngồi nhìn để được tiếp xúc nhiều hơn với công việc đó, chỉ ngồi quan sát thôi ạ.”

5. Bạn nhận được lương thực tập, nhưng thậm chí là không đủ để trang trải cho chi phí đi lại.

Không phải là không có lý khi hỏi xin sự trợ giúp về mặt chi phí. Có thể điều đó là nằm trong ngân sách của nhóm bạn được hưởng, nhưng đừng có gây “sốc” khi hỏi về chuyện đó. Hãy cố gắng nói một điều gì đó như thế này: “Em thấy lương thực tập của mình không đủ trang trải cho việc đi lại hằng ngày. Liệu em có thể được trợ cấp thêm chút đỉnh cho việc đó không?”

(Có một cảnh báo dành cho bạn ở đây: Tốt hơn là nên thương lượng về chuyện này trước khi nhận lời thực tập. Thường thì khó, nhưng không phải là không thể, thay đổi những điều đã được thỏa thuận khi bạn đã bắt đầu vào thực tập hơn.)

Lê Thanh Hải

Cùng chuyên mục
XEM