Thực tập không lương hay nô lệ thời hiện đại

29/09/2014 14:40 PM | Nghề nghiệp

Thực tập không lương là chuyện khá phổ biến trong thời đại ngày nay, không chỉ ở Việt Nam mà có lẽ là rất nhiều nơi khác trên thế giới. Khác với thế hệ cha anh ngày trước, sinh viên ngày nay dường như đang phải bỏ nhiều tiền hơn để chuẩn bị cho sự nghiệp tương lai của mình.

Theo một vài thống kê mới nhất, các công ty tại Mỹ đang có xu hướng cắt giảm ngân sách cho chương trình training, bởi họ đặt nhiều hy vọng hơn (hay đẩy trách nhiệm) cho trường học: sinh viên khi tốt nghiệp sẽ có đủ các kỹ năng cần thiết để bắt tay ngay vào công việc.

Hiển nhiên, các sinh viên vẫn sẽ phải tự chi trả cho các khoản học phí hay đào tạo kỹ năng ở trường học. Còn các công ty thì sao? Cách giải quyết tốt nhất là tuyển thực tập sinh không lương với chi phí gần như bằng 0. Còn nếu các sinh viên có phàn nàn về việc không được nhận lương trong kỳ thực tập, dưới đây sẽ là những lý do chính mà các công ty đưa ra:

1. Thực tập là bắt buộc trong trường Đại học

Phải, thực tập luôn là một phần không thể thiếu trong bất kỳ chương trình học nào, vì thế, thực tập sẽ giúp bạn có đủ số tín chỉ (credit) cần thiết để bạn tốt nghiệp. Hãy nghĩ mà xem, liệu có ai mà lại không muốn tốt nghiệp cơ chứ? Nhưng sự thực là sinh viên không những phải chi cho học phí mà còn phải tự lo thêm chi phí sinh hoạt, đi lại, bảo hiểm và những chi phí liên quan tới thực tập nữa.

Ảnh: Flickr

2. Sau khi thực tập, bạn có thể được nhận vào làm chính thức

Một câu nói đã quá quen thuộc, nhưng dù thế nào đi nữa, thực tập vẫn không phải là một job offer chính thức. Hãy tự hỏi xem bạn biết được bao nhiêu người được nhận làm chính thức sau khi trải qua kỳ thực tập không lương?

Thậm chí sẽ là bất hợp pháp khi rất nhiều các công ty sử dụng Thực tập thay cho quá trình Thử việc. Tại sao họ sẵn sàng trả lương cho một nhân viên thử việc trong khi bỏ qua các thực tập sinh mặc dù 2 người này cùng đảm nhận một công việc giống hệt nhau? Và điều gì sẽ xảy ra nếu như nhân viên thực tập đó được nhận vào làm chính thức và phát hiện ra kế hoạch cắt giảm chi phí này. Chẳng phải công ty đó đã thiếu tôn trọng chính nhân viên của họ hay sao?

3. Thực tập làm đẹp CV của bạn

Bạn có thường thấy những thông báo tuyển dụng “nhan nhản” khắp nơi với yêu cầu vài năm kinh nghiệm cho những vị trí cơ bản? Ngày nay, các công ty ngày càng yêu cầu khắt khe hơn đối với tuyển dụng: họ mang những yêu cầu của vị trí cơ bản cho vị trí thực tập và đẩy những yêu cầu của vị trí cao cấp hơn xuống cho vị trí cơ bản.

Ảnh: Flickr

Và sự thật là hầu hết các nhà tuyển dụng thường không đánh giá cao hay “lờ” đi những kinh nghiệm thực tập không lương và thường đưa ra mức lương thấp hơn nhiều bởi đơn giản đó không phải là công việc chính thức của bạn. Ngoài ra, thêm một cái tên xuất hiện trong CV cũng giúp bạn nổi bật hơn trong các kỳ tuyển dụng.

4. Đó sẽ là một trải nghiệm tuyệt vời

Bạn sẽ chẳng bao giờ biết trước được điều này. Nếu đó là một vị trí mà bạn được làm những công việc thực tế, mở rộng mối quan hệ với những người trong ngành hay thậm chí được đào tạo bài bản với những người có kinh nghiệm, đây đúng là điều mà bạn cần.

Nhưng ngược lại, không ít các công ty nhận thực tập sinh với mục đích tiết kiệm thời gian cho công ty bằng cách giao cho họ những công việc buồn tẻ, ít phải suy nghĩ mà chẳng nhân viên thực sự nào muốn làm. Hiển nhiên công việc của họ sẽ khác hẳn nếu như họ được trả lương cho kỳ thực tập này.

Ảnh: Flickr

Dưới đây là 3 lý do mà thực tập không lương là một cách bóc lột trá hình: 

- Phi đạo đức: Tại sao bạn lại làm việc không công cho một ai đó từ 3 tới 6 tháng trong khi họ hoàn toàn kiếm được tiền (hoặc tiết kiệm được chi phí) dựa trên chính sức lao động và thời gian của bạn. Đành rằng nếu sau quá trình này mà bạn nhận được những kinh nghiệm cần thiết thì ít ra nó còn đáng giá, còn nếu không, hãy thử nhìn lại lịch sử và xem liệu điều này có khác gì với chế độ “nô lệ” thời cổ đại hay không?

- Không hiệu quả: Không thể phủ nhận rằng vẫn có rất nhiều các sinh viên thực tập không lương sẵn sàng làm việc vất vả để trông đợi vào một tương lai tốt hơn, nhưng đó chỉ là thiểu số. Với một chương trình “bóc lột” như vậy, nó rất dễ gây phản tác dụng trong một thời gian dài.

Khi nhận ra rằng các doanh nghiệp sẽ chẳng tốn một đồng nào cho việc tuyển thực tập như thế này, hiển nhiên trách nhiệm của các thực tập sinh đó cũng gần như bằng 0. Do đó, họ hiểu rằng cho dù họ làm việc có tệ tới đâu, cũng chẳng có ai đánh giá họ. Và điều tệ nhất có thể xảy ra là sinh viên không học được thêm điều gì và công ty cũng chẳng thu được gì, trong khi lại lãng phí rất nhiều thời gian và tiền bạc.

- Không bền vững: Với việc học phí ngày một tăng cao, sinh viên ngày nay đang oằn mình chống chọi với cuộc sống ở trường đại học. Và khi phải “cõng” thêm chi phí “đi thực tập”, hiển nhiên không phải sinh viên nào cũng có thể chịu được. Do vậy, cũng chẳng ngạc nhiên khi rất nhiều sinh viên thường bỏ dở các kỳ thực tập không lương giữa chừng hoặc “một đi không trở lại”.

Việc gặp khó khăn khi tiếp cận với môi trường thực tế như vậy sẽ làm cho sinh viên thiếu hụt các kỹ năng cần thiết mà các nhà tuyển dụng (doanh nghiệp) yêu cầu, nên trong tương lai, chính các doanh nghiệp lại là người phải “hứng chịu” trong việc tìm người. Nếu nhìn xa hơn, một nền kinh tế với lực lượng lao động không đáp ứng được yêu cầu sẽ rất khó để có thể phát triển bền vững trong tương lai.

Ảnh: Flickr

Giải pháp cho vấn đề này có lẽ không gì hơn chính là thái độ từ các doanh nghiệp cũng như các sinh viên đối với kỳ thực tập. Một mức lương cơ bản, dù thấp nhưng chắc chắn là hơn “không có gì” sẽ là động lực lớn để sinh viên thực sự bỏ công sức ra cho công việc được giao.

Chưa kể khi phải bỏ tiền ra như vậy, các doanh nghiệp sẽ quan tâm và có trách nhiệm hơn tới các thực tập sinh của họ. Và rõ ràng, khi được đào tạo và hướng dẫn các kỹ năng cần thiết, các sinh viên sẽ có điều kiện để phát triển hơn và các công ty cũng sẽ có nhiều cơ hội để tuyển nhân viên trong tương lai hơn.

>> Bỏ việc rồi khởi nghiệp, đừng tưởng ngon ăn

Khanh Lưu

Lưu Phi Khanh

Cùng chuyên mục
XEM