Những sinh viên thực tập thành lãnh đạo tập đoàn tỷ đô

29/06/2015 15:12 PM | Nhân vật

Dennis A. Muilenburg bắt đầu sự nghiệp tại Boeing từ hơn 30 năm trước với vị trí thực tập sinh.

Nội dung nổi bật:

- Hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới là Boeing vừa công bố cái tên được "chọn mặt gửi vàng" cho vị trí CEO của công ty. Người may mắn là Dennis A. Builenburg - một thực tập sinh từ hơn 30 năm trước của công ty.

- Muilenburg không phải là trường hợp lãnh đạo cấp cao duy nhất có xuất phát điểm là sinh viên thực tập. Danh sách còn có cả Mary Barra, CEO của GM và Ursula Burns, CEO của Xerox.


Ngày 1/7 tới đây, Dennis A. Muilenburg 51 tuổi sẽ chính thức tiếp quản vị trí CEO của hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới Boeing với doanh thu hàng năm lên tới 91 tỷ USD. Xuất phát điểm là một kỹ sư hàng không, Dennis bắt đầu sự nghiệp tại Boeing từ hơn 30 năm trước với vị trí thực tập sinh. Sau những bước tiến vào ban lãnh đạo của tập đoàn và nắm quyền điều hành mảng kinh doanh quân sự và vũ trụ, ông bắt đầu giữ vị trí COO và chủ tịch Boeing kể từ năm 2013.

Thực tế có rất ít người nghĩ rằng nên làm việc cho cùng một công ty trong suốt sự nghiệp. Tuy nhiên, việc Muilenburg được cân nhắc lên vị trí cao cấp của công ty lớn bậc nhất thế giới là Boeing cho thấy sự trung thành vẫn luôn được đền đáp xứng đáng.

Muilenburg tốt nghiệp ngành kỹ sư hàng không từ đại học Iowa State và lấy bằng thạc sỹ hàng không vũ trụ từ đại học Washington (Mỹ) trước khi thực tập tại Boeing vào năm 1985. Trên cương vị là trưởng hệ thống quân sự của Boeing - một trong 2 mảng kinh doanh chính của tập đoàn, Muilenburg đã mang về cho công ty nhiều hợp đồng lắp ráp máy bay quân sự béo bở. Muilenburg được miêu tả là người “tập trung và siêu cạnh tranh”. Ông rất thích thú với thể thao và đặc biệt là đạp xe.

Muilenberg tiếp quản vị trí CEO Boeing từ người tiền nhiệm W. James McNerney, 65 tuổi do đã đến tuổi nghỉ hưu. Theo Bloomberg, McNerney nhận mức lương 24,9 triệu USD vào năm 2014. Tờ The Times cho biết việc thay tướng lần này là hoàn toàn tốt cho Boeing khi công ty nhắm đến việc đạt được mức doanh thu cao hơn và giành được nhiều đơn đặt hàng máy bay thương mại mới.

Muilenberg cũng chia sẻ với Times rằng ông đã tập trung vào mảng kinh doanh máy bay thương mại trong suốt 2 năm qua và đang lên kế hoạch về tương lai của mảng kinh doanh này. Ông cũng đang cân nhắc đến việc đóng cửa bộ phận sản xuất máy bay chiến đấu của hãng tại St. Louis.

Thực tế Muilenburg không phải là trường hợp lãnh đạo cao cấp duy nhất tại những tập đoàn lớn bậc nhất thế giới có xuất phát điểm từ vị trí thực tập sinh.

Mary Barra, 53 tuổi, CEO của General Motors từ năm 2013

Mary là thực tập sinh tại nhà máy sản xuất xe ô tô của GM từ 30 năm trước. Tại thời điểm đó, bà 18 tuổi và là sinh viên chuyên ngành kỹ thuật tại General Motors Institute (hiện là đại học Kettering). Sau khi tốt nghiệp, bà làm việc toàn thời gian tại vị trí chuyên viên thẩm định Pontiac (một trong những thương hiệu nổi tiếng một thời của GM) tại công ty.

Đến năm 1988, bà được GM cử đi học thạc sỹ tại đại học Stanford. 4 năm sau đó, bà bắt tay vào giải quyết những vấn đề mà GM đang gặp phải hướng đến việc đối đầu với những đối thủ cạnh tranh tới từ Nhật Bản. Sau đó, bà được cân nhắc lên vị trí giám đốc sản xuất. Không lâu sau đó, Barra trở thành CEO của công ty với mức lương 16,4 triệu USD trong năm 2014.

Ursula Burns, 56 tuổi, CEO của Xerox kể từ năm 2010

Burns làm việc tại Norwalk - gã khổng lồ về máy in và copy từ khi 20 tuổi với vị trí sinh viên thực tập mùa hè. Sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, kể từ khi học trung học, Burns đã được khuyên lớn lên nên trở thành y tá, cô giáo hoặc một nữ tu. Tuy nhiên, thay vào đó bà đã chọn chuyên ngành kỹ sư máy móc tại NYU và lấy bằng thạc sỹ tại trường Columbia. Đến năm 20 tuổi, bà đã nắm rất nhiều vị trí quan trọng tại Xerox liên quan đến việc phát triển sản phẩm và lên kế hoạch.

Tiếp đó, Wayland Hicks - một cựu phó chủ tịch của công ty đã cân nhắc đưa Burns lên làm trợ lý cho ông vào năm 1990. Lúc đó Burns 31 tuổi và bà không ngần ngại nói với vị phó chủ tịch về những thách thức của công ty.

Tiếp đó, Burns nhận nhiệm vụ lãnh đạo nhóm kinh doanh máy fax và mạng lưới máy in văn phòng. Trong năm 2000, khi giá cổ phiếu công ty sụt giảm và tin đồn phá sản lan rộng, Burns đã có ý định nghỉ việc nhưng sau đó các thành viên hội đồng quản trị đã thuyết phục bà ở lại. Mức lương trong năm 2014 mà Burns nhận được là 22 triệu USD.

Phương Linh

Cùng chuyên mục
XEM