Khoa học nói sếp không nên thiên vị nhân viên đi làm sớm

11/12/2015 15:54 PM | Quản trị

Đến công ty muộn nhưng hiệu suất làm việc cao, nhiều nhân viên vẫn bị đánh giá kém hơn các nhân viên khác.

Đến công ty đầu tiên vào ngày làm việc là cách mà nhiều nhân viên sử dụng để lấy cảm tình từ sếp của họ. Và sự thật, khoa học cũng đưa ra nhiều bằng chứng cho lí do tại sao nhà quản lý của bạn luôn có xu hướng thiên vị những nhân viên đi làm sớm, ngay cả khi họ là người ra về đầu tiên.

Mặc dù vậy, nếu bạn thuộc mẫu nhân viên luôn đến công ty vào giữa buổi và làm việc thầm lặng sau khi những nhân viên khác đã ra về, khoa học cũng có những nghiên cứu cụ thể để bênh vực bạn. Một nhóm các nhà khoa học đến từ Đại học Washington mới đây đã công bố nghiên cứu cảnh báo tình trạng nhiều nhà quản lý thiên vị những nhân viên đi làm sớm một cách sai lầm.

Nghiên cứu chỉ ra rằng những nhà quản lý có xu hướng thiên vị những nhân viên đi làm sớm. Họ thường được cho là có trách nhiệm, chu đáo hơn trong công việc và nhận được xếp hạng hiệu suất làm việc cao hơn các nhân viên khác.

Để chứng minh cho điều này, một loạt thí nghiệm đã được tiến hành. Các nhà khoa học tuyển chọn 149 cặp tình nguyện viên gồm người quản lý và nhân viên. Các nhân viên được hỏi về thời gian họ đến công ty. Trong khi đó, những quản lý được yêu cầu đánh giá cấp dưới của họ về sự tận tâm và hiệu suất làm việc. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng phỏng vấn thêm thói quen ngủ và thức dậy của những người quản lý.

Kết quả chỉ ra rằng các nhân viên đến sớm nhận được mọi điểm số cao hơn những người bắt đầu ngày làm việc của họ muộn hơn. Hơn nữa, các nhà quản lý có thói quen thức dậy sớm cũng thường thiên vị những nhân viên đến sớm hơn các nhân viên còn lại.

Để một lần nữa kiểm chứng giả thuyết, các nhà nghiên cứu thực hiện thêm một thí nghiệm khác. Họ tuyển chọn 150 tình nguyện viên và đưa cho họ đọc các lời giới thiệu của nhiều nhân viên khác nhau. Một nửa số nhân viên đến làm việc lúc 7 giờ sáng và về nhà lúc 3 giờ chiều. Số còn lại là các nhân viên đến làm việc vào 11 giờ và rời công ty lúc 5 giờ chiều. Cả hai nhân viên đều làm việc 8 tiếng mỗi ngày và các chỉ số thống kê hiệu suất làm việc là như nhau.

Một lần nữa, kết quả vẫn chỉ ra rằng các tình nguyện viên có thiện cảm lớn hơn dành cho những nhân viên đến sớm. Bên cạnh đó, tình nguyện viên nào càng có thói quen dậy sớm, họ càng đánh giá cao những nhân viên đến sớm hơn.

Những nhân viên đi làm muộn thường bị chỉ trích là thiếu trách nhiệm.

Mặc dù chỉ ra việc đi làm sớm có thể giúp nhiều nhân viên lấy lòng sếp, các nhà khoa học không khuyến kích mọi người làm điều này. Trên thực tế, nghiên cứu góp phần cảnh báo đến một thực trạng rằng nhiều nhà quản lý đang có những sự thiên vị sai lầm và quá cảm tính đối với nhân viên của họ.

Trước đó, một nghiên cứu năm 2012 cũng chỉ ra rằng các nhân viên sắp xếp thời gian làm việc linh hoạt trong ngày có hiệu suất làm việc cao hơn những nhân viên thực hiện giờ làm việc theo quy định. Vậy nếu đến công ty muộn hơn, trong khi hiệu suất làm việc cao hơn, họ vẫn có thể bị đánh giá yếu hơn các nhân viên khác.

“Các tổ chức có thể tình cờ trừng phạt sai những nhân viên sắp xếp hợp lý thời gian của họ để bắt đầu công việc muộn hơn và cũng kết thúc muộn hơn”, nhóm nghiên cứu viết. Với phát hiện của mình, các nhà khoa học tại Đại học Washington muốn nhắn nhủ đến những nhà quản lý nên nhận ra sự thiên vị cảm tính của mình. Họ đôi khi đánh giá quá thấp những nhân viên đi làm muộn.

Về phía người lao động, nếu bạn cảm thấy năng lực của mình không được đánh giá đúng chỉ vì đi làm muộn hơn so với những nhân viên khác, hãy đề đạt lại điều này với nhà quản lý. Dĩ nhiên, bạn phải chứng minh được việc đi làm muộn của mình không gây ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Khi đó, bất cứ một nhà quả lý thông minh nào cũng sẽ lắng nghe bạn.

Cùng chuyên mục
XEM