Hãy chọn cho mình một mục tiêu và... quên nó đi
Chúng ta đều có những mục tiêu trong cuộc sống - tập gym giữ dáng, gây dựng một doanh nghiệp thành công, có một mái ấm tuyệt vời, viết một cuốn best-seller, giành chức vô địch, v.v...
Và với hầu hết chúng ta, những bước đi đầu tiên để đạt được chúng chính là tạo ra một mục tiêu cụ thể và dễ làm theo. Ít nhất thì đây là cách làm của tôi từ trước tới giờ. Tôi sẽ đặt mục tiêu cho từng lớp học mình tham gia, với số kg tôi muốn nâng trong phòng gym, và với các khách hàng kinh doanh của mình.
Nhưng điều mà tôi bắt đầu nhận ra là: có một cách tốt hơn khi ta thực sự muốn hoàn thành nhiệm vụ và tiến bộ trong các lĩnh vực quan trọng.
Tất cả nằm ở sự khác biệt giữa mục tiêu và hệ thống.
Xin hãy để tôi giải thích.
Sự khác biệt giữa mục tiêu và hệ thống
Sự khác biệt giữa chúng là gì?
Nếu là một huấn luyện viên, mục tiêu của bạn sẽ là giành chức vô địch. Hệ thống của bạn là những gì đội bóng của bạn học được khi tập luyện từng ngày.
Nếu là một nhà văn, mục tiêu của bạn là viết một cuốn sách. Hệ thống của bạn là lịch trình viết lách mà bạn làm theo từng tuần.
Nếu là một vận động viên điền kinh, mục tiêu của bạn là chạy marathon. Hệ thống của bạn là lịch luyện tập trong cả tháng.
Nếu là một doanh nhân, mục tiêu của bạn là gây dựng một doanh nghiệp triệu đô. Hệ thống của bạn chính là doanh số bán hàng và quá trình marketing.
Và giờ là câu hỏi thực sự thú vị:
“Nếu hoàn toàn lờ đi các mục tiêu và chỉ tập trung vào hệ thống, liệu bạn sẽ vẫn đạt được kết quả?”
Ví dụ, nếu bạn là một huấn luyện viên bóng rổ và bỏ qua mục tiêu giành chức vô địch, chỉ tập trung vào những gì đội bóng của bạn thực hành mỗi ngày, bạn sẽ vẫn nhận được kết quả chứ?
Theo tôi là có đấy.
Lấy ví dụ thực tế là, tôi vừa tổng kết số lượng từ ngữ trong những bài báo mình đã viết trong năm nay. Trong 12 tháng qua, tôi đã viết hơn 115.000 từ. Một cuốn sách trung bình có khoảng 50.000 đến 60.000 từ, vậy là tôi đã viết đủ số lượng từ cho hai cuốn sách trong năm nay.
Đây quả là một bất ngờ vì tôi chưa bao giờ đặt ra mục tiêu cho bài viết. Tôi không đo lường sự tiến bộ theo bất cứ chuẩn mực nào. Tôi không đặt mục tiêu số từ cho bất kỳ bài viết nào. Tôi chưa bao giờ nói rằng "Mình muốn viết được hai cuốn sách trong năm nay."
Những gì tôi làm là tập trung viết một bài viết vào mỗi thứ Hai và thứ Năm. Và sau khi gắn bó với lịch trình đó suốt 11 tháng, kết quả là tôi có 115.000 từ. Tôi tập trung vào hệ thống và quá trình làm việc. Cuối cùng, tôi rất hài lòng về kết quả tương tự (hoặc có lẽ còn tốt hơn).
Hãy cùng nói về 2 lý do tại sao bạn nên tập trung vào hệ thống thay vì mục tiêu nhé.
1. Mục tiêu làm giảm mức độ hạnh phúc hiện tại của bạn
Làm việc hướng tới một mục tiêu tương đương với suy nghĩ, "Mình làm vẫn chưa đủ tốt, nhưng rồi sẽ tốt thôi khi mình đạt được mục tiêu."
Vấn đề với lối tư duy này là chỉ đến khi đạt được mục tiêu, bạn mới cho phép mình mình được cảm thấy hài lòng và thành công. "Đạt được mục tiêu, rồi mình sẽ hạnh phúc. Đạt được mục tiêu, rồi mình sẽ thành công."
GIẢI PHÁP: Hãy tuân theo một quá trình, chứ không phải một mục tiêu.
Đặt ra mục tiêu đồng nghĩa với việc đặt một gánh nặng lớn lên vai bạn. Bạn có thể tưởng tượng được sẽ ra sao nếu tôi đặt mục tiêu là phải viết được hai cuốn sách trong năm nay không? Chỉ mới viết câu đó ra thôi là tôi đã toát mồ hôi hột rồi.
Nhưng chúng ta lại luôn làm điều đó với bản thân mình. Ta tự tạo ra sự căng thẳng không cần thiết cho chính mình: phải giảm cân hoặc phải thành công trong kinh doanh hay phải viết một cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất. Thay vào đó, hãy làm cho mọi thứ đơn giản và giảm bớt căng thẳng bằng cách tập trung vào các quy trình hàng ngày và gắn bó với lịch trình của bạn, thay vì lo lắng về các mục tiêu lớn lao.
Khi tập trung vào “practice” (thực hành) thay vì “performance” (thể hiện), bạn có thể cùng lúc tận hưởng giây phút hiện tại và cải thiện tiến độ.
2. Hệ thống là một quá trình lâu dài
Bạn có thể nghĩ rằng mục tiêu sẽ giữ động lực cho bạn trong thời gian dài, nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng.
Hãy cùng xem xét việc luyện tập của một người cho cuộc thi chạy half-marathon. Nhiều người sẽ rèn luyện chăm chỉ trong nhiều tháng, nhưng ngay sau khi kết thúc cuộc đua, họ ngừng luyện tập. Mục tiêu của họ đã được hoàn thành rồi, nó không còn ở đó để khuyến khích họ. Khi dồn hết sức lực tập trung vào một mục tiêu cụ thể, thì điều gì sẽ khiến bạn bước xa hơn nữa khi đã đạt được nó?
GIẢI PHÁP: Từ bỏ việc có được kết quả ngay lập tức.
Tuần trước, khi đang thực hiện một động tác thể hình ở set gần cuối, tôi thấy bị nhói nhẹ ở chân. Không hẳn là quá đau đớn hay tổn thương, nó chỉ là một dấu hiệu của sự mệt mỏi ở gần cuối buổi tập luyện. Trong thoáng chốc, tôi nghĩ rằng sẽ hoàn thành set cuối cùng. Nhưng sau đó, tôi tự nhắc nhở bản thân mình rằng mình còn có ý định tập luyện trong suốt phần còn lại cơ mà, rồi quyết định ngừng lại.
Trong tình huống tương tự, một ý thức nhắm vào mục tiêu sẽ thúc đẩy bạn hoàn thành buổi tập luyện và đạt được mục tiêu của bạn.Vì nếu đã lập ra mục tiêu mà không đạt được nó thì chẳng khác nào đã thất bại cả.
Nhưng với một ý thức nhắm vào hệ thống, tôi đã không gặp khó khăn khi dừng lại. Suy nghĩ dựa trên hệ thống không bao giờ quy về một con số cụ thể, nó gắn bó với quá trình tập luyện và không bỏ lỡ buổi tập nào.
Tôi biết rằng nếu không bao giờ bỏ lỡ một buổi tập nào, thì dần dần về sau tôi sẽ nâng được trọng lượng lớn hơn. Và đó là lý do tại sao hệ thống lại có giá trị hơn mục tiêu.
Mục tiêu là về kết quả ngắn hạn. Hệ thống là về quá trình lâu dài..
Hãy 'yêu' các hệ thống
Những điều trên đều không ám chỉ mục tiêu là vô dụng.
Tuy nhiên, mục tiêu có thể cung cấp chỉ dẫn và thậm chí thúc đẩy bạn về phía trước trong thời gian ngắn, nhưng cuối cùng một hệ thống được thiết kế tốt sẽ luôn luôn giành chiến thắng. Có một hệ thống là điều quan trọng và cam kết thực hiện quá trình đó là điều tạo nên sự khác biệt.
>> 'Kệ nó, cứ bắt tay vào làm thôi'
Thái Nam