Hàng không Việt Nam chống khủng bố thế nào?

21/08/2015 21:00 PM | Quản trị

Công tác phòng chống khủng bố của hàng không Việt Nam được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế đánh giá rất cao.

Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN Đào Văn Chương khẳng định, công tác phòng chống khủng bố luôn gắn chặt với hoạt động hàng không dân dụng. Công tác phòng chống khủng bố của hàng không Việt Nam được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đánh giá rất cao.

Bạo loạn, chiếm đoạt CHK, cướp tàu bay đều bị vô hiệu hóa

Theo Phó cục trưởng Đào Văn Chương, những năm gần đây, Cục Hàng không VN đều định kỳ tổ chức diễn tập chống khủng bố. Cùng đó, công tác phòng chống khủng bố ở các cảng hàng không, hãng hàng không vẫn được triển khai bài bản theo đúng quy định.

Tương tự, Phó trưởng phòng An ninh Hàng không (Cục Hàng không VN) Tô Tử Hùng cho biết, các tình huống liên quan đến khủng bố có thể xảy ra đều được Cục Hàng không VN lường trước và tổ chức diễn tập ứng phó.

“Đó có thể là việc lợi dụng biểu tình gây rối, bất ngờ dùng vũ khí, khống chế nhân viên an ninh bảo vệ và hành khách làm con tin, đặt bom mìn trong nhà ga, đồng thời dẫn con tin xông thẳng ra tàu bay như tình huống đã được diễn tập tại CHK Cần Thơ”, ông Hùng nói.

Lực lượng An ninh hàng không sân diễn tập chống khủng bố.

Lực lượng An ninh hàng không sân diễn tập chống khủng bố.

Hai tình huống khác được ông Hùng tiết lộ như: Diễn tập chống tấn công, đột nhập nhà ga, cướp tàu bay để chạy trốn ra nước ngoài tại CHK Điện Biên hay diễn tập chống bạo loạn, phong tỏa cảng hàng không, chiếm đoạt, sử dụng cảng hàng không làm căn cứ chống đối tại CHK Liên Khương.

Cần phải nhắc lại rằng, trong lịch sử ngành Hàng không, nhất là những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, đã có khá nhiều vụ khủng bố được ứng phó kịp thời. Điển hình như vụ đối phó với bốn tên sĩ quan chế độ cũ khống chế tổ lái của tàu DC 3 số hiệu 509 đang từ Tân Sơn Nhất đi Rạch Giá và yêu cầu bay sang Singapore vào năm 1977.

Hay vụ tàu bay DC 4 số hiệu 501 đang trên lịch trình Đà Nẵng - Buôn Mê Thuột - Tân Sơn Nhất (năm 1978) bị nhóm không tặc dùng lựu đạn đe dọa cướp tàu bay để ra nước ngoài. Tổ bay đã bình tĩnh, linh hoạt ứng phó cho tàu bay quay lại Đà Nẵng, hạ cánh an toàn.

Được biết, Cục Hàng không VN đang khẩn trương ban hành bộ phương án khẩn nguy mẫu chống hành vi can thiệp bất hợp pháp nhằm giúp các CHK, sân bay có quy trình chuẩn trong ứng phó khẩn nguy hành vi can thiệp bất hợp pháp.

Một vụ khủng bố khác gây chấn động ngành Hàng không xảy ra ngày 7/2/1979 khi tàu bay AN 24 số hiệu 226 đang bay từ Đà Nẵng về Tân Sơn Nhất đã bị một nhóm không tặc gồm 6 tên dùng lựu đạn khống chế tiếp viên và yêu cầu tổ lái bay ra nước ngoài. Cảnh vệ trên không bắn trả, tổ bay cho tàu bay hạ cánh an toàn xuống Sân bay Pleiku.

Bình tĩnh ứng phó mọi tình huống

Gần đây nhất, sự cố máy bay Airbus 321 của Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) hạ cánh khẩn cấp xuống Sân bay Nội Bài sau khi Cơ trưởng chuyến bay Pechanec Marek (45 tuổi, quốc tịch Czech) bấm nhầm “nút khủng bố”.

Cụ thể, hồi 11h8 (UTC), ngày 16/12/2014, chuyến bay VN1266, hành trình SGN-VII xuất hiện “cảnh báo áp suất cabin”. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý tình huống, cơ trưởng chuyến bay đã hai lần để xuất hiện “Cảnh báo tàu bay bị can thiệp bất hợp pháp” do đặt nhầm mã (một lần kéo dài 16 giây và một lần kéo dài 55 giây).

“Máy bay đã được hạ cánh khẩn cấp tại Sân bay quốc tế Nội Bài, lập tức các lực lượng tại CHK đã phải triển khai phương án phòng chống khủng bố. Nhưng rất may đó chỉ là sự nhầm lần của phi công”, ông Tô Tử Hùng nói.

Theo ông Hùng, các cơ quan liên quan đã thể hiện sự chuyên nghiệp, bài bản trong ứng phó với tình huống khẩn nguy, cụ thể trong trường hợp này là nghi máy bay bị khủng bố. “Các doanh nghiệp, cơ quan (công an, quốc phòng, y tế, hàng không…) đã thực hiện theo đúng quy trình sau khi nhận được cảnh báo tàu bay bị can thiệp bất hợp pháp cho đến khi tàu bay hạ cánh an toàn.

CHK Vinh (nơi máy bay dự kiến hạ cánh ban đầu) đã triển khai đầy đủ phương án, lực lượng để ứng phó với tình huống”, ông Hùng khẳng định và cho biết, việc triển khai các phương án khẩn nguy đã được thực hiện tốt, trong đó, biểu dương các kiểm soát viên không lưu đã hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ điều hành của mình.

Theo Thanh Bình

Cùng chuyên mục
XEM