CEO ngân hàng: Tiền tài hay tù tội?
Chiều ngày 20/8, NHNN chính thức đình chỉ chức danh Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc DongABank là ông Trần Phương Bình và bà Nguyễn Thị Ngọc Vân. Vẫn chưa biết bước tiếp theo của cơ quan quản lý sẽ như thế nào nhưng thị trường lại tiếp tục đặt câu hỏi về mức độ nguy hiểm của CEO ngân hàng.
Trước đó, trong thông cáo phát đi về việc kiểm soát đặc biệt DongABank, NHNN cho biết sẽ miễn nhiệm, đình chỉ nhiều chức danh lãnh đạo chủ chốt của DongABank và phối hợp với chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân tại DongABank vi phạm pháp luật gây thất thoát tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Từ cao sang đến tù tội
Cách đây 1 tháng, ngày 21/7, ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng giám đốc OceanBank đã bị cơ quan công an bắt giam. Thời điểm ông Sơn bị bắt là đang đương nhiệm chức Chủ tịch HĐTV PVN. Lý do ông Sơn bị bắt là “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây hậu quả nghiêm trọng” và “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” trong thời điểm làm tổng giám đốc OceanBank.
Dàn lãnh đạo cấp cao khác của OceanBank cũng đã bị bắt trước đó như ông Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT, bà Nguyễn Minh Thu, nguyên Tổng giám đốc… Lý do cũng là “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Hệ lụy của sai phạm từ những lãnh đạo này đã đẩy OceanBank đến kết cục bị NHNN mua 0 đồng. Hai trường hợp tương tự là GPBank, VNCB cũng đã bị NHNN mua 0 đồng do những sai phạm của những lãnh đạo cấp cao.
Trước đó mấy ngày ông Sơn bị bắt, tức ngày 17/7, nguyên Chủ tịch HĐQT Tạ Bá Long và Phó chủ tịch HĐQT GP.Bank Đoàn Văn An cũng đã bị công an bắt giam vì tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự.
Những tháng cuối năm 2014, ông Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB cũng đã bị bắt giam vì tội “Cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại VNCB”.
Việc quá nhiều CEO ngân hàng bị bắt vì những tội danh khá giống nhau khiến thị trường đặt câu hỏi về mức độ nguy hiểm của nghề CEO ngân hàng. Đây là nghề sẽ mang lại tiền tài hay là tù tội?
Nghề quá nguy hiểm?
Trả lời câu hỏi này, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nhấn mạnh Việt Nam không xây dựng pháp luật chỉ đề chèn ép một ngành, một lĩnh vực và mở rộng một ngành, một lĩnh vực khác.
“Nếu bảo chỉ có các ông chủ ngân hàng mới bị o ép là không đúng. Luật Doanh nghiệp là bình đẳng. Luật Tổ chức tín dụng năm 2012 cũng đã mở ra trên cơ sở hội nhập WTO, cạnh tranh thị trường và tạo sự minh bạch. Chúng ta không làm luật để phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp sản xuất và TCTD về quản trị doanh nghiệp. Đây là thực tế và chúng ta đang làm luật như thế”, ông Kiên khẳng định.
TS. Cao Sỹ Kiêm, hiện vẫn là chủ tịch HĐQT DongABank và vừa xin từ chức tại ĐHĐCĐ diễn ra hồi tháng 7 vừa qua, nhấn mạnh với những lãnh đạo ngân hàng đã bị bắt là do họ làm sai, biết luật lại lách luật.
“Họ bị bắt là đúng rồi. Câu chuyện ở đây là tự làm tự chịu, do họ đã lách luật và sai phạm. Câu chuyện bị bắt của những lãnh đạo ngân hàng là như vậy chứ không phải nghề CEO ngân hàng là rủi ro hay nguy hiểm”, ông Kiêm khẳng định.
Nói về nghề của mình, ông Đặng Bảo Khánh, Tổng giám đốc SeABank, thừa nhận CEO cũng có rủi ro. Tuy nhiên, đây vẫn là nghề hấp dẫn bởi thu nhập cao, không dưới mức vài trăm triệu/tháng.
“Thực chất nghề CEO ngân hàng rất hấp dẫn đối với người làm thuê vì có được thu nhập đáng mơ ước. Đây cũng là nghề có được hình ảnh và địa vị trong xã hội. Không những thế, ngân hàng là cỗ máy khá phức tạp, tinh xảo khiến người làm ở vị trí này khi tiến đến một chừng mực của kiến thức họ sẽ say mê sáng tạo. Tuy nhiên, đây cũng là nghề có những rủi ro bất ngờ. Thực tế, chuyện quân thua, chém tướng, cấp dưới làm sai thì đương nhiên CEO bị ảnh hưởng”, ông Khánh bình luận.
Ông Khánh cho biết mỗi hợp đồng tín dụng đều có nhiều khâu khác nhau. Trước hết là chuyên viên thẩm định, rồi đến giám đốc chi nhánh thẩm định, bước nữa là hội đồng thẩm định tại hội sở và sau đó là đến Tổng giám đốc thẩm định và ký.
“Tất nhiên, không thể nói khi đặt bút ký vào một hợp đồng tín dụng nào đó mà Tổng giám đốc lại không biết rõ “sức khỏe” của doanh nghiệp vay vốn. Tuy nhiên, trong mô hình hoạt động của ngân hàng, Tổng giám đốc ký không phải là người quyết hết tất cả, họ chỉ là một mắt xích nhưng không phải là mắt xích quan trọng nhất”, ông Khánh nhấn mạnh.
Đem trường hợp Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc ACB ra làm ví dụ. Ông Khánh cho biết đây là trường hợp từng gây tranh cãi trong một thời gian dài về việc ông Hải có thật sự làm sai hay không?
“Thực tế là có. Với vị trí Tổng giám đốc, nếu HĐQT ra nghị quyết, Tổng giám đốc nếu thấy nghị quyết sai mà vẫn nghe theo thì phải chịu trách nhiệm. Còn nếu thấy sai, Tổng giám đốc có thể nêu lên quan điểm của mình. HĐQT là một thực thể, hoạt động theo tập thể, do vậy, Tổng giám đốc không nên nghe theo một thành viên HĐQT nào mà nên làm theo nghị quyết”, ông Khánh bình luận.
Tuy nhiên, câu trả lời một lãnh đạo ngân hàng xin được dấu tên khiến tôi thấy tâm đắc nhất, đó là: “Có bằng chứng hay ví dụ cụ thể nào đưa ra để chứng minh cho tôi thấy nghề CEO không còn hấp dẫn, ngân hàng không thể tuyển được CEO vì mọi người đều từ chối, bỏ chạy?”
“Có không? Thực tế không có. Ngay cả với những ngân hàng bị mua 0 đồng cũng không có một ngày nào thiếu CEO vì không thể tìm được người thay thế. Tại sao họ lại muốn ngồi vào ghế đấy, ngay cả khi ngân hàng đó không còn gì nữa? Đơn giản là vì nghề đó rất hấp dẫn đối với người đi làm thuê”, vị này khẳng định.