Ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt trong trường hợp nào?

16/08/2015 09:48 AM |

Ngày 14.8, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức công bố tình hình tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) và quyết định đưa nhà băng này vào diện kiểm soát đặc biệt. Vậy kiểm soát đặc biệt là gì? Khi nào ngân hàng bị rơi vào diện kiểm soát đặc biệt?

Nội dung Thông tư số 07/2013/TT-NHNN Quy định về việc kiểm soát đặc biệt đối với TCTD ngày 14 tháng 14 tháng 03 năm 2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) định nghĩa: “Kiểm soát đặc biệt là việc một tổ chức tín dụng bị đặt dưới sự kiểm soát trược tiếp của NHNN do có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán hoặc vi phạm nghiêm trọng phát luật dẫn đến nguy cơ mất an toàn hoạt động”.

Có mấy hình thức kiểm soát đặc biệt?

Căn cứ vào thực trạng tài chính, mức độ rủi ro và vi phạm pháp luật của tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định đặt tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt dưới hình thức giám sát đặc biệt hoặc kiểm soát toàn diện. Trong đó:

- Giám sát đặc biệt là hình thức kiểm soát đặc biệt được thực hiện thông qua việc Ngân hàng Nhà nước áp dụng các biện pháp giám sát hoạt động hàng ngày của tổ chức tín dụng;

- Kiểm soát toàn diện là hình thức kiểm soát đặc biệt được thực hiện thông qua việc Ngân hàng Nhà nước áp dụng các biện pháp kiểm soát trực tiếp, toàn diện hoạt động hàng ngày của tổ chức tín dụng.

TCTD bị kiểm soát đặc biệt phải làm gì?

1. Khi có nguy cơ hoặc đã lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán, Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên) hoặc Tổng Giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng phải báo cáo ngay Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) và Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở chính.

2. Hội đồng quản trị (Hội đồng thành viên), Ban Kiểm soát, Tổng Giám đốc và cán bộ của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm:

a) Chấp hành nghiêm túc các quyết định, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước;

b) Đề xuất, xây dựng Phương án của tổ chức tín dụng trình Ban kiểm soát đặc biệt thông qua và tổ chức triển khai thực hiện phương án được phê duyệt.

c) Quản trị, kiểm soát và điều hành mọi mặt hoạt động và bảo đảm an toàn tài sản của tổ chức tín dụng theo Điều lệ, quy định của pháp luật trừ trường hợp bị đình chỉ, tạm đình chỉ quyền quản trị, điều hành, kiểm soát theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 148 Luật Các tổ chức tín dụng;

d) Chấp hành yêu cầu và chỉ đạo của Ban kiểm soát đặc biệt theo quy định tại điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều 148 Luật Các tổ chức tín dụng.

đ) Chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, tài liệu, hồ sơ cung cấp cho Ban kiểm soát đặc biệt.

Ban kiểm soát đặc biệt gồm những ai?

1. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định thành phần, số lượng và cơ cấu Ban kiểm soát đặc biệt phù hợp với hình thức kiểm soát đặc biệt được qui định tại Điều 4 của Thông tư này.

2. Thành viên Ban kiểm soát đặc biệt là cán bộ của Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, các chuyên gia ngân hàng, cán bộ của tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước trưng tập.

3. Trưởng Ban kiểm soát đặc biệt phải là một trong các đối tượng sau đây:

a) Cán bộ lãnh đạo cấp Vụ hoặc các chức danh tương đương trở lên tại các đơn vị chuyên môn thuộc Ngân hàng Nhà nước;

b) Lãnh đạo cấp Vụ hoặc các chức danh tương đương trở lên của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng;

c) Lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh.

4. Cán bộ tham gia Ban kiểm soát đặc biệt không được là người có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) và cổ đông lớn của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Tính tới thời điểm này, đã có 10 TCTD từng bị liệt vào diện kiểm soát đặc biệt

Ban kiểm soát có quyền gì?

Ban kiểm soát đặc biệt có các quyền hạn chủ yếu sau đây:

- Yêu cầu tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt kiểm kê toàn bộ tài sản hiện có hoặc thuê tổ chức kiểm toán độc lập, cơ quan chuyên môn để đánh giá thực trạng tài chính, định giá tài sản và xác định giá trị doanh nghiệp của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và giám sát thực hiện các yêu cầu này;

- Yêu cầu tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt mời hoặc trực tiếp mời các khách nợ, chủ nợ đến đối chiếu công nợ với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt để xác định khả năng thu nợ, trả nợ và giám sát thực hiện việc này;

- Yêu cầu các đơn vị, cá nhân của tổ chức tín dụng cung cấp và giải trình, báo cáo đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin, tài liệu, hồ sơ có liên quan;

- Lập hồ sơ đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật hoặc cố tình không trả nợ tổ chức tín dụng;

- Chấp thuận trước khi tổ chức tín dụng thực hiện: (i) Việc phân phối lợi nhuận; (ii) Các giao dịch nêu tại Quyết định kiểm soát đặc biệt; (iii) Việc thay đổi chính sách kế toán, chính sách sản phẩm tài chính, chính sách khách hàng ; (iv) Các giao dịch, hành vi khác nhằm phòng ngừa, ngăn chặn việc cất giấu, tẩu tán, cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng tài sản có khả năng gây thiệt hại cho tổ chức tín dụng.

- Đề nghị Ngân hàng Nhà nước quyết định những vấn đề phát sinh trong thời hạn kiểm soát đặc biệt chưa được nêu tại Phương án;

Phương án củng cố TCTD bị kiểm soát đặc biệt cần có gì?

Phương án phải bao gồm những nội dung tối thiểu sau đây:

a) Tên, địa chỉ, website (nếu có) của tổ chức tín dụng;

b) Tên, địa chỉ, số điện thoại của thành viên Hội đồng quản trị (đối với tổ chức tín dụng được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần), Hội đồng thành viên (đối với tổ chức tín dụng được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn), thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng hoặc người đại diện tổ chức tín dụng (nếu có);

c) Tóm tắt thực trạng tình hình quản trị, tài chính và hoạt động của tổ chức tín dụng, trong đó tối thiểu phải có các nội dung sau đây: (i) Cơ cấu tổ chức, quản trị, điều hành và sở hữu của tổ chức tín dụng; (ii) Thực trạng tài chính và hoạt động của tổ chức tín dụng, trong đó phải nêu rõ những khó khăn, yếu kém, rủi ro, vi phạm pháp luật (nếu có) và nguyên nhân;

d) Nguyên nhân tổ chức tín dụng bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt;

đ) Các biện pháp giải quyết khó khăn và kế hoạch triển khai thực hiện một số hoặc tất cả các biện pháp sau đây:(i) Tăng cường khả năng chi trả; (ii) Huy động các nguồn vốn bên ngoài; (iii) Tiết giảm chi phí; (iv) Củng cố, khắc phục các yếu kém, tổn thất tài chính từ nguồn vốn chủ sở hữu; (v) Bán tài sản hoặc toàn bộ tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt cho tổ chức tín dụng khác, các nhà đầu tư tiềm năng; sáp nhập, hợp nhất với tổ chức tín dụng khác; (vi) Thanh toán các khoản tiền gửi của khách hàng; hoặc chuyển toàn bộ tiền gửi của khách hàng vào một hoặc một số tổ chức tín dụng khác để thanh toán và thực hiện các biện pháp cần thiết khác để xử lý nợ, thanh lý tài sản, thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng này theo quy định của pháp luật; (vii) Nâng cao năng lực quản trị, điều hành, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ; (viii) Chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh; (ix) Biện pháp khác;

Khi nào TCTD được chấm dứt kiểm soát đặc biệt?

1. Tổ chức tín dụng được chấm dứt kiểm soát đặc biệt trong các trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 152 của Luật Các tổ chức tín dụng.

2. Khi tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chấm dứt kiểm soát đặc biệt do không khôi phục được khả năng thanh toán, Ngân hàng Nhà nước gửi văn bản tới Tòa án về việc chấm dứt áp dụng các biện pháp phục hồi thanh toán và yêu cầu tổ chức tín dụng đó làm đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

3. Ban kiểm soát đặc biệt có văn bản đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) hoặc Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh (đối với quỹ tín dụng nhân dân) về việc chấm dứt kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng. Khi nhận được văn bản đề nghị chấm dứt kiểm soát đặc biệt của Ban kiểm soát đặc biệt:

a) Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng lấy ý kiến của các đơn vị liên quan, tổng hợp và trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng không phải là quỹ tín dụng nhân dân;

b) Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt đối với quỹ tín dụng nhân dân.

4. Quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được thông báo tới các cơ quan và tổ chức theo quy định.

Theo Ninh Giang

Cùng chuyên mục
XEM