7 bí quyết "gọi" khách hàng cho doanh nghiệp bán lẻ
Việc này khiến cho bối cảnh thị trường bán lẻ ngày càng càng thách thức cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Để sống sót và vươn lên, doanh nghiệp bán lẻ quy mô nhỏ nên quan tâm đến những điều dưới đây:
Các “ông lớn” trong thị trường bán lẻ đang đầu tư ngày càng nhiều vào việc áp dụng công nghệ hiện đại để tạo ra sức mạnh marketing và bán lẻ đa kênh - còn được biết đến với thuật ngữ omni-channel. (Thuật ngữ này đề cập đến mô hình tiếp thị và bán lẻ tất cả trong một, khách hàng có thể đến từ nhiều nguồn và xem thông tin bằng nhiều thiết bị khác nhau).
Việc này khiến cho bối cảnh thị trường bán lẻ ngày càng càng thách thức cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Để sống sót và vươn lên, doanh nghiệp bán lẻ quy mô nhỏ nên quan tâm đến những điều dưới đây:
1. Không ngừng thay đổi
Cảm giác khám phá và mới lạ chính là một trong những lý do khiến người mua sắm hiện nay vẫn thích lui tới các cửa hàng truyền thống dù thương mại điện tử giúp họ có được sản phẩm chỉ sau vài cú nhấp chuột. Hãy tận dụng điều này và tạo cho người mua cảm giác khác biệt mỗi lần họ tới cửa hàng của bạn, bằng việc liên tục thay đổi những mẫu bày bán qua cửa kính mỗi ngày hoặc chí ít là mỗi tuần.
Việc này có thể chỉ đơn giản là chuyển những mẫu sản phẩm khác nhau trong kho ra bên ngoài, thay đổi vị trí các món đồ trên kệ trưng bày, treo những poster cập nhật các chương trình mới, hay đổi mới trang phục của ma-nơ-canh. Mục đích của những việc này chính là khiến khách hàng phải dừng lại, nhìn ngắm và quyết định vào trong cửa hàng của bạn.
2. Đi trước những xu hướng mới
Trong hàng tấn thông tin chúng ta theo dõi mỗi ngày, việc bạn cần làm là phân tích để nắm được những xu thế chính của thị trường và đi trước những xu thế đó.
Hãy đưa ra mục tiêu thường xuyên đọc các ấn phẩm trong lĩnh vực bạn đang kinh doanh, những blog, những trang web để bạn luôn biết được những gì đang thay đổi, xu hướng nào đang hot nhất trên thị trường ngách mà bạn đang cung cấp sản phẩm/dịch vụ, dù sản phẩm đó là quần áo, nữ trang hay đồ dùng nhà bếp.
3. Thường xuyên tới các triển lãm thương mại
Hãy tới tham dự những buổi triển lãm hay tradeshow (hội chợ thương mại), đây là việc quan trọng giúp bạn có thể liên tục cập nhật và đi trước những xu hướng mới.
Xét cho cùng, chẳng cách nào có thể thay thế được việc bạn tự mình đi xem, cầm nắm và thử nghiệm các sản phẩm một cách trực tiếp.
Hãy thử cho vào lịch của bạn một tradeshow lớn bạn sẽ tham dự trong năm. Thậm chí, tradeshow đó có thể thuộc lĩnh vực không liên quan tới bạn, bạn sẽ được tiếp xúc với nhiều hình thức cung cấp và sản phẩm mới mà bạn hiện đang chưa tham gia kinh doanh hay thử sức.
4. Luôn để mắt đến các đối thủ
Nếu như đối thủ của bạn có mặt trên mạng, việc kiểm tra và biết họ đang có gì, đang làm gì thật dễ dàng. Tuy nhiên, một việc không kém quan trọng chính là điều tra những cửa hàng bán lẻ truyền thống của họ bất kỳ khi nào có thể.
Nếu như bạn không thể sắp xếp thời gian hoặc ngại ai đó sẽ nhận ra mình, hãy gửi những nhân viên “trinh sát” của bạn tới cửa hàng đó. Hãy xem họ đang bán những gì. Họ đang bày trí cửa hàng như thế nào. Điều gì đang lôi kéo khách hàng tới cửa hàng của họ…
5. Tối đa hóa công nghệ
Bạn sẽ đầu tư vào công nghệ nào để tạo ra sự khác biệt lớn nhất đối với sự thành công của cửa hàng? Bạn có đang vật lộn với hệ thống POS cũ? Bạn có cần phần mềm quản lý hàng tồn kho tốt hơn? Bạn có muốn sử dụng các thiết bị di động mới để công việc bán hàng được dễ dàng hơn không?
Hãy nói chuyện với nhân viên của bạn để nắm được tình hình và đưa ra lựa chọn sáng suốt nhất. Họ sẽ rất vui nếu được chia sẻ những khó khăn và bực mình họ gặp phải khi làm việc với hệ thống thiết bị cũ, đang làm công việc của họ chậm đi mỗi ngày như thế nào.
Sau đó hãy đầu tư một cách khôn ngoan vào hệ thống và sản phẩm có thể khiến cửa hàng của bạn lớn mạnh.
6. Làm mới diện mạo cửa hàng
Liệu thiết bị trong cửa hàng của bạn có quá lỗi thời? Những bức tường trong cửa hàng có bị tróc sơn? Liệu mặt tiền cửa hàng trông có cũ kỹ hay không?
Trong bối cảnh thị trường bán lẻ cạnh tranh như hiện nay, những vấn đề về hình ảnh có tầm quan trọng rất lớn. Đôi khi chúng ta vô tình bỏ qua việc cửa hàng của mình trông như thế nào trong mắt người khác, vì chúng ta đã quen mắt với nó mỗi ngày.
Nếu như bạn không chắc về ấn tượng cửa hàng của mình trong mắt người khác, hãy nhờ một vài người quen đưa ra những nhận định khách quan và lắng nghe góp ý của họ.
Có thể bạn chỉ cần thay một lớp sơn tường mới hay đổi một vài thiết bị sẽ tạo ra khác biệt rất lớn cho diện mạo cửa hàng của bạn.
7. Đừng quên những nét chấm phá cuối cùng
Việc tạo ra phong cách hoặc nâng tầm sản phẩm chính là điều mà mọi doanh nghiệp đang cố làm trong các lĩnh vực kinh doanh.
Hãy nghĩ xem tại sao các quán bar lại có thể tính phí một cốc nước với giá 200-300 nghìn đồng chỉ nhờ việc “nâng cấp” những chiếc ly thủy tinh bình thường và những ly cocktail kiểu cũ bằng những ly nước được pha trộn đầy màu sắc và thể hiện sự tinh tế, sáng tạo của người bartender.
Với tư duy tương tự, hãy “nâng cấp” hình ảnh cửa hàng bán lẻ của bạn chỉ với một vài điểm nhấn lạ mắt có thể khiến khách hàng sẵn lòng rút ví và mua hàng của bạn.
Đừng bọc sản phẩm của mình vào những lớp giấy bóng đơn điệu, hãy khoác cho chúng một lớp áo bằng giấy màu, dán chúng lại với mẩu logo nhỏ xinh của bạn trên đó.
Hãy đầu tư vào những phụ kiện chất lượng như túi đựng đồ cho khách mua hàng, khăn giấy, nơ, hay giấy bọc quà sẽ tăng giá trị cảm nhận thương hiệu bạn.
Bạn sẽ cần nhiều nỗ lực để chiến thắng trong thị trường cạnh tranh như hiện nay. Bằng việc bắt tay vào thay đổi, và áp dụng những mẹo bán lẻ trên, bạn sẽ tự tin hơn và chắc thắng hơn trên con đường của mình.
>> 3 câu hỏi dành cho nhân viên năng suất thấp
Theo TRẦN HUYÊN