6 bí quyết hoạt động cộng đồng hiệu quả
Bạn hoàn toàn có thể làm gia tăng lợi nhuận cho công ty, thậm chí góp phần thay đổi thế giới nếu biết cách tổ chức các hoạt động cộng đồng hiệu quả.
Trong năm 2013, các công ty ở Mỹ đã chi gần 18 tỷ USD để tổ chức các chiến dịch hỗ trợ cộng đồng, và con số này hứa hẹn sẽ ngày càng gia tăng. Bởi vì theo một nghiên cứu xã hội về quản lý nguồn nhân lực, công ty càng thực hiện tốt các chương trình thể hiện trách nhiệm cộng đồng càng chiếm được nhiều cảm tình của khách hàng, đối tác lẫn lòng trung thành của nhân viên.
Theo Anthony Ingham - Phó chủ tịch phụ trách khu vực Bắc Mỹ của Tập đoàn khách sạn Starwood, việc tung ra một chương trình hoặc chiến dịch hoạt động cộng đồng hiệu quả vừa giúp góp phần thay đổi xã hội vừa tạo ra một tinh thần kinh doanh tuyệt vời.
Vậy doanh nghiệp cần làm thế nào để có thể tạo ra được những chương trình hoặc chiến dịch hoạt động ý nghĩa và tác động mạnh mẽ đến cộng đồng? Anthony Ingham đã chia sẻ 6 bí quyết thiết thực sau đây:
1. Chọn mục tiêu hợp lý cho chiến dịch
Đây nên là yếu tố nên được đặt lên hàng đầu, Anthony Ingham nói. Ví dụ như chuỗi khách sạn W đã thực hiện cam kết dài hạn về việc hỗ trợ tối đa cho cộng đồng LGBT.
Trong trường hợp này, mục đích mang tính lâu dài sẽ giúp chiến dịch có thêm nhiều tác động tích cực đến xã hội và nhận được nhiều sự ủng hộ hơn từ cộng đồng.
2. Kết nối với khách hàng
Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu Boston, một nửa số lượng khách hàng trong độ tuổi 25 – 35 (sinh năm 1980 – 1990) được hỏi đã cho biết rằng, “chúng tôi luôn ưu tiên sử dụng các nhãn hiệu sản phẩm có các chương trình hoạt động vì lợi ích của xã hội”.
Điều này cho thấy rằng, thật ra rất nhiều khách hàng mong muốn những thương hiệu sản phẩm mình sử dụng có tham gia tích cực vào các hoạt động cộng đồng.
3. Thúc đẩy nhân viên
Đừng ngần ngại khuyến khích và thúc đẩy sự tham gia cũng như đóng góp ý kiến từ nhân viên cho các hoạt động mang lại lợi ích xã hội.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng, mối liên kết của nhân viên đối với công ty sẽ thêm chặt chẽ khi họ có hứng thú và đóng góp công sức vào những hoạt động hỗ trợ cộng đồng của công ty mình. Từ đó, họ sẽ hăng say làm việc hơn.
4. Hợp tác với tổ chức thiện nguyện có uy tín
Việc thiết lập mối quan hệ đối tác lâu dài với một tổ chức xã hội phi lợi nhuận vô cùng quan trọng. Bởi vì bạn có thể tận dụng những kinh nghiệm quý giá cũng như sự chuyên nghiệp của họ để mang đến hiệu quả lâu dài và bền vững cho hoạt động hoặc chiến dịch của công ty.
5. Chú trọng việc chọn phát ngôn viên
Nói về chiến dịch “Turn it up for change” của Tập đoàn khách sạn Starwood, Ingham chia sẻ: “Để quảng bá thông điệp của mình, chúng tôi đã hợp tác làm việc với Jennifer Hudson – người từng thắng giải Grammy và Oscar. Sự nhiệt huyết của cô ấy khi thực hiện chiến dịch vì cộng đồng LGBT giúp làm ‘lây lan cảm xúc’ cho cả tập thể”.
Tuy nhiên, để hoạt động cộng đồng của mình tiếp cận được với đông đảo mọi người, nếu không có đủ điều kiện mời các nghệ sĩ tên tuổi, bạn cũng có thể chọn những nhân vật gần gũi nhưng có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực mà bạn sắp thực hiện chiến dịch.
6. Quảng bá chiến dịch qua các phương tiện truyền thông
Để nhân rộng tầm ảnh hưởng của chương trình, chiến dịch vì cộng đồng, đừng quên tận dụng nguồn lực của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội.
Chẳng hạn như đối với chiến dịch “Turn it up for change”, chuỗi khách sạn W đã tặng 20 đô la cho mỗi một dòng nội dung đăng tải trên mạng xã hội có sử dụng hashtag “#TURNITUPFORCHANGE” tại sự kiện ra mắt chiến dịch cũng như trong nhiều chương trình quảng bá tiếp theo trong suốt khoảng thời gian 1 năm.
Bên cạnh đó, các đại sứ của chiến dịch cũng có thể giúp bạn khuếch trương tầm ảnh hưởng đến nhiều người bằng cách chia sẻ nội dung trên trang mạng xã hội cá nhân của họ.
>> 15 bài học lãnh đạo từ nữ tướng 4 sao đầu tiên của Mỹ
Theo BÍCH TRÂM