6 bí kíp hàng phục thế hệ 'trẻ trâu'
Chúng tôi xin gửi đến bạn đọc series "Tôi đi thuê" gồm các bài viết chia sẻ kinh nghiệm tuyển dụng nhân sự do đích thân lãnh đạo cao cấp nhiều công ty lớn trên thế giới chấp bút. Series "Tôi đi thuê" đăng định kỳ vào thứ ba hàng tuần.
Nội dung nổi bật:
Lesley Jane Seymour, biên tập viên giàu kinh nghiệm của hãng xuất bản Meredith cho rằng, để tuyển được những "chú ngựa thồ" chăm chỉ giữa đám “trẻ trâu” làm việc kém nhưng lắm yêu sách, nhà tuyển dụng nên ghi nhớ bộ sáu bí kíp sau:
(i) Phũ từ ngày đầu gặp mặt: có khó khăn gì, hãy nói thẳng.
(ii) Tránh những ứng viên có suy nghĩ "ở trường dạy tôi là ...". "Xin lỗi, không ai quan tâm trường cậu dạy cái gì. Tôi chỉ cần biết cậu có biết dùng máy photo và trả lời điện thoại không thôi. Đó là xuất phát điểm của tất cả mọi người"
(iii) Không phải cứ học trường "khủng" là được việc. Chính những sinh viên đến từ các trường không nổi tiếng lại là những người chuyên tâm, chăm chỉ và thông minh nhất
(iv) Ứng viên luôn thể hiện con người thật trong phỏng vấn. Nếu họ gây khó chịu ngay trong buổi phỏng vấn, họ sẽ gây khó chịu cho bạn mãi về sau
(v) Tạo áp lực cho ứng viên. Thỉnh thoảng ra vẻ cho nhân viên thấy họ làm việc chẳng ra gì để họ biết mà phấn đấu.
(vi) Giúp họ thăng tiến, dù có thể mất người. Đó là cách gây dựng lòng trung thành. Mãi mãi.
Tôi đã nghe mòn tai những lời kêu trời than đất của các nhà tuyển dụng về lớp “trẻ trâu” 8X, 9X, nào là ngay buổi phỏng vấn đầu tiên đã yêu sách về thời gian nghỉ phép, nào là “có một sự ốm nhẹ” rồi mất tích mấy ngày trời, thậm chí mới vào công ty có một tuần mà đã đòi chuyển sang ngồi ghế sếp.
Mỗi khi đi ăn trưa, các “sếp thật” thường rền rĩ với tôi: "Những kẻ mới vào nghề này nghĩ mình là ai chứ?". Tôi hiểu nhà tuyển dụng khó chịu lắm chứ nhưng... ai bảo họ tuyển mấy người này vào?
Dĩ nhiên, có hàng tá những kẻ chểnh mảng, biếng nhác vẫn đang nằm ườn một chỗ (mà kể ra vài người trong số họ cứ nằm yên ở nhà cho đỡ vướng chân thì hơn). Tuy vậy, đừng vì thế mà xua đuổi cả một thế hệ, chỉ cần nắm được vài bí kíp tuyển dụng và quản lý, bạn sẽ lọc ra được những "chú ngựa thồ" chăm chỉ thực thụ từ đám bù nhìn rơm ăn hại. Bài cùng series Trên thang điểm từ 1 đến 10, hãy tự đánh giá độ 'quái' của bản thân Chém gió ít thôi, chạy thử xem nào! Kéo về công ty những cá nhân siêu việt, làm cách nào?
1. Phũ từ ngày đầu gặp mặt
Tôi có thói quen nói thẳng ruột ngựa với các ứng viên xin việc. Trước tôi vẫn hay gọi những sinh viên mới ra trường có cái tôi khổng lồ, luôn cần được bao dung và vuốt ve là những "thách thức" và “khó khăn”. Nhưng giờ thì tôi chẳng cần lịch sự thế nữa.
Tôi nói thẳng rằng môi trường xuất bản chỗ tôi cực kỳ khắc nghiệt, ở đây cấm tiệt la hét, kêu gào hay quăng quật tạp chí của công ty... Nhưng hãy coi chừng vì kẻ cứng đầu này vẫn sẽ bày ra được cách để làm khó lại bạn. (Dĩ nhiên tôi không dám kể với họ vụ hồi mới bước chân vào Vogue, một biên tập viên thời trang ném toẹt cái hộp khăn giấy màu vàng vào trước mặt bạn tôi và nói: "Đừng quay lại đây chừng nào nó chưa biến thành màu trắng!" (!))
Tôi cũng cảnh báo trước với họ, hiện ngành xuất bản đang rơi vào trì trệ, vài nấc thăng tiến đã biến mất và nay chỉ còn hai vị trí: trợ lý và biên tập cấp cao. Nếu trước đây tôi có tận năm bậc để thăng chức cho trợ lý thì nay chỉ còn một. Và muốn lên chức thì phải mất những bốn năm chứ không chỉ hai năm như trước.
Sau khi tôi trình bày xong, nếu họ vẫn yên vị trên chiếc ghế phỏng vấn, tôi đoán đây chính là người muốn làm việc thực sự.
2. Coi chừng những ứng viên tự cho mình quá nhiều đặc quyền
Tôi nói với ứng viên rằng trong hai năm đầu họ chỉ là những nhân viên quèn, làm những việc vặt vãnh như sửa soạn trang phục đi chụp ảnh hay thanh toán các khoản chi tiêu lặt vặt cho sếp.
Lần nọ, một ứng viên trẻ tuổi cho vị trí phóng viên đã phản ứng: "Nhưng trường đại học dạy tôi rằng ...". Tôi thẳng thừng ngắt lời: "Xin lỗi, không ai quan tâm trường cậu dạy cái gì. Tôi chỉ cần biết cậu có biết dùng máy photo và trả lời điện thoại không thôi. Đó là xuất phát điểm của tất cả mọi người".
Tôi cũng không mấy ngạc nhiên khi cuộc đối thoại của chúng tôi chấm dứt luôn tại đó.
3. Học trường "khủng" chưa chắc đã được việc
Trong suốt sự nghiệp, vị trí trợ lý của tôi dù được thay thế liên tục và phần lớn là do một cựu nữ sinh trường Smith College nắm giữ. Không phải vì bản thân tôi trước cũng học Smith College ra mà vậy, đơn giản là vì những cô gái thông minh, ngoan ngoãn có vẻ rất phù hợp với môi trường toàn nữ giới trong một tạp chí thời trang.
Sau này tôi cũng thử tuyển sinh viên tốt nghiệp từ nhóm trường Ivy League nổi tiếng. Nhưng sau khi thử một vòng với mấy nhóc Harvard, tôi khá thất vọng với thái độ "Tôi đáng giá hơn thế" của các anh chị. Đó là lý do tôi “cấm vận” tất cả những tấm bằng Harvard.
Đến tận bây giờ tôi vẫn luôn cho rằng chính những sinh viên đến từ các trường không nổi tiếng lại là những người chuyên tâm, chăm chỉ và thông minh nhất. Họ thuộc thế hệ “trẻ trâu”, nhưng họ không hề lười biếng.
Theo quan điểm riêng, tôi cho rằng những trường danh giá nhất nước Mỹ đã làm hại sinh viên của mình khi vẽ ra cho họ những kỳ vọng quá cao về công việc đầu đời. Vị trí vào nghề hề không vô ích, nó dạy ta học cách khiêm tốn trong công việc.
4. Khi phỏng vấn, ứng viên sẽ thể hiện rõ “họ là ai”
Đây là bài học nhớ đời cho tôi sau khi phớt lờ cảm giác của mình để tuyển về một cô gái trẻ từng gây khó chịu cho tôi trong giờ phỏng vấn. Tôi giật mình khi đột nhiên cô ta hỏi han tôi về những vấn đề rất riêng tư như con cái. Hóa ra khi chuẩn bị cho buổi phỏng vấn, cô ta khá khôn khéo khi lần mò và đọc lại các bài viết của tôi, trong đó tôi thường hay đề cập đến con cái mình.
Khổ nỗi cô ấy lại không giải thích luôn khiến tôi nghĩ đây là một con người chuyên rình mò đời tư người khác. Dù hơi đắn đo nhưng tôi vẫn quyết định tuyển vào. Nhưng khoảng thời gian làm việc chung ngắn ngủn chưa đầy một năm kia quả thật không gì khủng khiếp bằng, cô ta lúc nào cũng cầm đèn chạy trước ô tô, dò dẫm đoán ý cấp trên, thậm chí còn chẳng buồn đợi ý kiến chỉ đạo.
5. Tạo áp lực cho ứng viên một chút
Tôi đã từng làm việc với những người đáng sợ nhất trong ngành xuất bản và thành công một cách trơn tru. Một số người luôn tỏ ra bất lịch sự và quá quắt vì họ biết họ có quyền. Riêng tôi, tôi tự đẽo gọt cho mình một hình tượng tốt đẹp: khó tính, nhưng công bằng.
Nhưng bên cạnh đó, chưa bao giờ tôi ngại phải vào vai một bà chủ quái chiêu khiến cho người khác phải dựng tóc gáy, nhất là khi làm việc với những người hay xu nịnh quá mức. Tôi sẽ lạnh lùng hơn thường ngày, tự biến mình thành một phụ huynh khó tính, cau có liếc qua những sản phẩm họ trình lên cứ như thể đó là những thứ rác rưởi ...
Tất cả để nhắc nhở một điều: Tiêu chuẩn của tôi không hề thấp và anh chị phải nhảy cao hết mức có thể!
6. Khi đã tìm ra người phù hợp, hãy giúp họ thăng tiến cho dù như thế đồng nghĩa với việc họ sẽ ra đi
Xin thưa, khi tìm thấy những người trẻ tài năng, hãy cư xử rộng lượng! Hãy "nhường cơm sẻ áo", tìm hiểu, rèn giũa họ và tận dụng tầm ảnh hưởng của mình để giúp họ thăng tiến khi có cơ hội phù hợp, ngay cả khi công việc tốt hơn ấy nằm ngoài công ty và khiến bạn mất người.
Bởi đó là cách nhà lãnh đạo gây dựng lòng trung thành. Mãi mãi. Chưa kể biết đâu bạn chỉ đang tiễn chân một nhân viên sẽ sớm quay lại với bạn chỉ sau vài năm nữa?
Hà Phương