10 bước đơn giản giúp bạn dự trù chi phí và các khoản tiền khác (P.2)
Về mặt lý thuyết, nếu bạn đã chi tiêu hết phần tiền dự trù của một phân loại chi tiêu, bạn sẽ không được phép chi tiêu cho khoản đó nữa.
Bước 6. Dự trù kinh phí cụ thể cho từng khoản chi tiêu
Bạn hãy rà soát lại những khoản chi tiêu và cắt bớt những phần không hợp lý hoặc “vung tay quá trán”. Sau đó, hãy cho mỗi loại chi tiêu một con số cụ thể, bao nhiêu tiền cho một tháng, tương đương bao nhiêu tiền cho một ngày.
Đồng thời, bạn có thể biết được phần trăm dự trù của một phân loại chi tiêu trong cả tháng bằng cách lấy số tiền dự trù cho một loại chi tiêu đó chia cho tổng chi tiêu của cả tháng và nhân với 100%.
Bước 7. Thực hiện phân chia tiền và chi tiêu một cách kỉ luật theo đúng dự trù
Hãy phân chia tiền theo dự trù của các phân loại chi tiêu và thực hiện theo đúng kế hoạch đã dự trù. Về mặt lý thuyết, nếu bạn đã chi tiêu hết phần tiền dự trù của một phân loại chi tiêu, bạn sẽ không được phép chi tiêu cho khoản đó nữa.
Về mặt thực tế, tất nhiên bạn không thể nhịn đói 15 ngày còn lại trong tháng khi bạn lỡ chi tiêu hết phần dự trù cho ăn uống của cả tháng vào ngày giữa tháng. Nhưng điều này nhắc nhở bạn rằng bạn cần phải tiết chế và thận trọng hơn đối với chi tiêu. Đồng thời, bạn cần phải thực hiện kỉ luật nghiêm ngặt hơn đối với các hành vi chi tiêu của mình.
Bước 8. Tổng kết thực tế tháng và đánh giá kết quả thực tế với dự trù của tháng
Sau một tháng thực hiện kiểm soát chi tiêu với các mục tiêu tài chính đề ra, bạn cần ngồi tổng kết lại con số thực tế từ tổng thu nhập sau thuế tới phần chi tiêu của từng phân loại và tổng chi tiêu của cả tháng.
Bạn hãy so sánh kết quả thực tế với dự trù về cả thu nhập sau thuế và chi tiêu. Từ phép so sánh này, bạn dễ dàng rút ra kết luận bạn đã thực hiện kế hoạch tháng như thế nào.
Bước 9. Điều chỉnh dự trù cho những tháng sau cho hợp lý hơn
Bạn hoàn toàn có thể điều chỉnh dự trù của những tháng sau cho hợp lí hơn. Đây là một quá trình đòi hỏi tính kỉ luật và khả năng tự lên kế hoạch cho bản thân. Vì thế, hãy cho bản thân thời gian rèn luyện, hình thành thói quen tốt và thực hiện đều đặn một cách tự nguyện tự giác.
Buớc 10. So sánh kết quả tổng kết giữa các tháng
Khi thực hiện được việc đặt ra các mục tiêu tài chính và dự trù các khoản tiền từ hai tháng trở lên, bạn có thể so sánh kết quả tổng kết giữa các tháng và đánh giá sự tiến bộ của mình sau 3 tháng, 6 tháng hay một năm. Khi thực hiện được một năm, bạn đã có trong tay đủ số liệu để dự trù chi phí cho cả năm, từ đó cân đối ngân sách cho các năm kế tiếp.
Các lời khuyên dành cho bạn
• Hãy luôn mang theo một cuốn sổ tay để có thể ghi chép kịp thời các khoản thu chi, những công việc cần làm và 3 mục tiêu quan trọng nhất cần đạt được trong ngày.
• Hãy xác định các giá trị làm bạn hạnh phúc đích thực. Nghiên cứu cho thấy đó là các giá trị trải nghiệm chứ không phải là sự sở hữu sẽ khiến bạn hạnh phúc hơn.
• Cố gắng chi tiêu kỉ luật để không vượt quá dự trù, trừ những trường hợp bất ngờ.
• Phân biệt rõ ràng giữa cần và muốn, giữa những điều cơ bản và những điều xa xỉ.
• Giảm thiểu những khoản tiêu xài tốn kém nhưng không mang lại nhiều lợi ích hoặc hiệu quả.
• Trong nhiều trường hợp, nếu không phải đi xa, chỉ nên mang theo tiền mặt và để thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ quốc tế tại nhà. Nhưng nếu bạn có thẻ tín dụng có chế độ tích điểm thưởng hoặc đổi dặm bay và biết chắc bạn luôn thanh tóan đầy đủ dư nợ của thẻ đúng kì hạn, bạn cứ tiếp tục phát huy thế mạnh này của bạn.
• Khi tính toán, hãy để ý tới lạm phát. Hãy đón đầu lạm phát kẻo bạn sẽ tính thiếu.
• Không tính tới các khoản tiền thưởng, hoa hồng, giải thưởng, hoàn trả tiền mặt hoặc hoàn trả thuế vì chúng đều là những khoản chưa chắc chắn và không đều đặn. Hãy chú ý tới sự quan trọng của các nguồn thu đòn bẩy và thụ động: đều đặn và tự động.