“Quả bom nhân khẩu học” của Trung Quốc nóng tới mức nào mà sự thúc giục lập gia đình khiến giới trẻ cảm thấy như bị "quấy rối"?

12/02/2022 10:20 AM | Kinh doanh

Phụ nữ Trung Quốc đang đặt chuyện học hành và sự nghiệp lên hàng đầu. Đây là một xu hướng đáng báo động đối với các nhà chức trách, tạo nên một “quả bom hẹn giờ nhân khẩu học”.

Đầu tháng 1, hãng thông tấn Tân Hoa xã của chính phủ Trung Quốc đã đăng một video nhắc nhở những thanh niên Trung Quốc sinh năm 2000 rằng họ đã đủ điều kiện kết hôn. "Những người sinh từ năm 2000 trở đi đã đến tuổi kết hôn hợp pháp," hãng thông tấn tuyên bố.

"Thời buổi này ai mà dám kết hôn?"

Hastag (thẻ) về chuyện này nhanh chóng xuất hiện trong danh sách các chủ đề nóng được tìm kiếm nhiều nhất trên Weibo, nhưng nhiều người cho rằng đó là nỗ lực của chính phủ nhằm gây áp lực lên họ. "Thời buổi này ai mà dám kết hôn? Chúng ta không cần kiếm tiền sao? " một người đặt câu hỏi. "Đừng có quấy rối tôi nữa!", một người khác nói.

Theo luật pháp Trung Quốc, nam giới từ 22 tuổi và nữ giới từ 20 có thể kết hôn. Thông điệp của truyền thông nhà nước được đưa ra khi đất nước này phải đối mặt với nguy cơ mà một số nhà phân tích mô tả là "bom hẹn giờ nhân khẩu học". Tuần trước, chính phủ Trung Quốc báo cáo tỷ lệ tăng trưởng dân số của họ đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 61 năm qua, với số ca sinh chỉ nhiều hơn số ca tử vong vào năm 2021, bất chấp những nỗ lực khuyến khích các cặp vợ chồng Trung Quốc sinh con trong vài năm qua.

"Thái độ của giới trẻ Trung Quốc đối với hôn nhân là mối đe dọa lớn đối với nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thay đổi cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đang diễn ra", Tiến sĩ Ye Liu, giảng viên cấp cao tại Học viện Lau Trung Quốc của Đại học King’s College London cho biết. "Cùng với trình độ học vấn cao hơn và kinh tế ngày càng cải thiện, điều này sẽ trở thành vấn đề đau đầu hơn trong những năm tới".

Ngày càng nhiều người trẻ tuổi ở các xã hội Đông Á trì hoãn việc kết hôn khi khu vực này trở nên thịnh vượng hơn. Wang Feng, giáo sư xã hội học tại Đại học California, Irvine, cho biết ở đô thị Trung Quốc, sự thay đổi này diễn ra rất nhanh chóng. So sánh dữ liệu điều tra dân số Trung Quốc năm 1990 và 2015, Wang cho biết tỷ lệ phụ nữ Trung Quốc chưa kết hôn ở tuổi gần 30 đã tăng gấp 8 lần trong vòng 25 năm.

Dữ liệu điều tra dân số từ những năm 2000 và 2010 cho thấy thanh niên Trung Quốc có trình độ đại học trong độ tuổi từ 25 đến 29 có nhiều khả năng là người độc thân. Đặc biệt, phụ nữ ở các thành phố phát triển của Trung Quốc có ít mong muốn kết hôn hơn.

Trên mạng xã hội và trong cuộc sống hàng ngày, sự phản đối việc kết hôn sớm đang được thể hiện mạnh mẽ. Ví dụ, vào năm 2017, một buổi biểu diễn hợp xướng thính phòng có trụ sở tại Thượng Hải đã gây chấn động. Hàng triệu thanh niên Trung Quốc phải đối mặt với tình thế khó xử giống nhau trên khắp đất nước cùng lan truyền mạnh mẽ ca khúc Spring Festival Survival Guide hay What I Do Is For Your Own Good bằng tiếng Anh. Những ca khúc này đều để giới trẻ nói với các bậc cha mẹ Trung Quốc rằng: "Gia đình thân yêu của con, hãy để con được sống cuộc sống của riêng mình."

Vicky Liu, đến từ phía bắc Thiên Tân và sinh năm 1997, là một trong những người Trung Quốc trẻ tuổi. Cô cho biết ngay sau khi cô tốt nghiệp thạc sĩ ở Anh năm ngoái, bố mẹ cô đã bắt đầu sắp xếp những buổi xem mắt cho cô. "Nhưng tôi là một phụ nữ trưởng thành. Tôi muốn có một sự nghiệp và hội bạn thân thiết. Tôi chỉ không muốn bị ràng buộc vào cuộc sống hôn nhân quá sớm."

Chính sách 3 con không dễ thực hiện

Thái độ này đã khiến các nhà chức trách nhận thấy sự báo động khi Trung Quốc đang suy giảm sự gia tăng dân số ngày càng rõ ràng trong những năm gần đây. Để đảo ngược xu hướng này, Bắc Kinh đã loại bỏ chính sách 1 con kéo dài hàng thập kỷ vào năm 2015 và vào tháng 5 năm ngoái, họ đã đưa ra chính sách 3 con. Một nhà kinh tế, Ren Zeping, thậm chí còn đề xuất chính phủ nên in thêm tiền để chuẩn bị tài trợ cho một đợt bùng nổ trẻ em. Ren đã bị cấm đăng bài trên mạng xã hội sau bình luận này.

Nhưng Ye Liu, thuộc Đại học Kings College London, nói rằng những chính sách này là cứng nhắc và không phù hợp với thực tế mà thế hệ Z (thế hệ những người sinh từ năm 1997 - 2012) của Trung Quốc ngày nay đang phải đối mặt. "Điều họ muốn là một tương lai nghề nghiệp tốt hơn, một cơ hội để có tất cả: sự nghiệp, gia đình cũng như sự hoàn thiện bản thân. Nếu không có những điều này, thật khó để thuyết phục họ đặt việc sinh con lên hàng đầu," cô nói.

“Quả bom nhân khẩu học” của Trung Quốc nóng tới mức nào mà sự thúc giục lập gia đình khiến giới trẻ cảm thấy như bị quấy rối? - Ảnh 1.

Các cặp vợ chồng trẻ thuộc thế hệ Trung Quốc muốn "có tất cả - sự nghiệp và gia đình cũng như sự hoàn thiện bản thân". Ảnh: Roman Pilipey / EPA

Chính sách này đặc biệt khó phù hợp với phụ nữ trẻ Trung Quốc, cô nói thêm. "Phụ nữ Trung Quốc thuộc thế hệ Z có trình độ học vấn cao hơn các thế hệ trước. Họ thường ưu tiên sự nghiệp hơn là kết hôn sau khi học đại học".

Wang đồng ý và nói rằng trên thực tế, phụ nữ Trung Quốc rất không được coi trọng trong vấn đề quyền lực chính trị và kinh tế. "Trung Quốc còn một chặng đường dài phía trước để tạo ra một xã hội bình đẳng giới hơn. Nhưng khó khăn ở đây là không thể thực hiện được một cách đơn giản là chỉ thông qua việc nhà nước ban hành các văn bản chính sách".

Yi Fuxian, Đại học Wisconsin-Madison, cũng là tác giả của cuốn Big Country with A Empty Nest, cho biết chính phủ có thể thực hiện các biện pháp hữu hình để xoa dịu tình hình. "Ví dụ, tạo cơ hội việc làm cho thanh niên Trung Quốc và giúp trang trải chi phí sinh hoạt - cụ thể là chi phí tài sản. Chính phủ cũng nên tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các cặp vợ chồng trẻ trong việc nuôi dạy con cái".

Đối với Vicky Liu, còn nhiều điều hơn thế. "Logic của cha mẹ tôi là: với tư cách là một người phụ nữ, tôi không có quá nhiều thời gian để tìm một người chồng lý tưởng. Đối với họ, tôi phải kết hôn, mang thai và làm mẹ càng sớm càng tốt. Các bậc cha mẹ Trung Quốc chỉ đơn giản là sẽ không chấp nhận việc con gái họ sống độc thân quá lâu".

Theo Minh Phương

Cùng chuyên mục
XEM