Prudential Việt Nam làm ăn ra sao?

17/04/2023 10:06 AM | Kinh doanh

Bất chấp doanh thu sụt giảm, Prudential Việt Nam vẫn có một năm lãi khủng với 3.637 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng gấp 7,68 lần so với năm 2021.

Prudential Việt Nam làm ăn ra sao? - Ảnh 1.

Prudential Việt Nam báo lãi khủng trong năm 2022. Ảnh: PVN

Mới đây, một nghệ sỹ nổi tiếng trong giới cải lương cho biết anh từng bị hủy hợp đồng bảo hiểm và mất trắng hơn 100 triệu đồng sau khi đóng được 3 năm. Công ty bảo hiểm được nhắc tới ở đây là Công ty TNHH Prudential Việt Nam (Prudential Việt Nam).

Trong thông cáo mới nhất, Prudential Việt Nam cho biết qua thông tin phản ánh trên mạng xã hội, có ghi nhận khiếu nại của khách hàng Hoàng Kim Long (nghệ sĩ Kim Tử Long) phản ánh về trải nghiệm khi tham gia hợp đồng bảo hiểm cùng Prudential Việt Nam.

"Công ty đã nhanh chóng liên hệ với khách hàng qua điện thoại để ghi nhận, lắng nghe và tìm hiểu về sự việc. Prudential đề xuất một buổi làm việc trực tiếp với khách hàng để hiểu rõ hơn về phản ánh này. Khách hàng đồng ý hợp tác gặp gỡ và phối hợp cùng công ty", đại diện Prudential Việt Nam cho biết.

Phía Prudential cho biết, doanh nghiệp này có thư báo đóng phí qua email, tin nhắn điện thoại đóng phí bảo hiểm.

"Số điện thoại của khách hàng Kim Tử Long cũng là số điện thoại đăng ký trong đơn yêu cầu bảo hiểm. Tư vấn viên của nghệ sĩ Kim Tử Long có báo cáo lại với công ty, khi gửi thông báo đóng phí, nghệ sĩ nói để trợ lý đóng. Chúng tôi đang yêu cầu đại lý bảo hiểm tìm lại email, tin nhắn thông báo đóng phí bảo hiểm trao đổi với khách hàng về sự việc này", phía Prudential cho biết.

Trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, việc nhắc đóng phí là quyền lợi của khách hàng. Khách hàng được chậm đóng 60 ngày kể từ ngày phải đóng phí. Sau 24 tháng kể từ ngày đóng phí định kỳ, nếu khách hàng không đóng sẽ bị hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, kết thúc năm tài chính 2022, tổng doanh thu của Prudential Việt Nam đạt hơn 34.610 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt khoảng 30.558 tỷ đồng. So với năm 2021, tổng doanh thu của công ty này sụt giảm khoảng 4.500 tỷ đồng, tuy nhiên, doanh thu thuần từ hoạt động bảo hiểm lại tăng 8,1%.

Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế năm 2022 của công ty này đạt khoảnh 3.637 tỷ đồng, tăng 7,6 lần so với lợi nhuận năm 2021 (467 tỷ đồng).

Là thành viên của Tập đoàn Prudential (Anh quốc), Prudential vào Việt Nam từ năm 1995 dưới dạng văn phòng đại diện. Năm 1999, công ty BHNT Prudential Việt Nam chính thức được thành lập.

Đến ngày 8/9/2011, công ty này được Bộ Tài chính cấp phép hoạt động theo Giấy phép thành lập và hoạt động số 15 GP/KDBH.

Theo Giấy phép điều chỉnh số 15/GPĐC2/KDBH do Bộ Tài Chính cấp vào ngày 23/9/2015 và Giấy phép điều chỉnh số 15/GPĐC6/KDBH do Bộ Tài Chính cấp vào ngày 23/4/2019, ông Phương Tiến Minh, Tổng Giám đốc làm người đại diện theo pháp luật cho công ty này.

Đến hiện tại, tổng tài sản của công ty này đạt 161.750 tỷ đồng, tăng 9,2% so với năm 2021 (148.151 tỷ đồng.

Ngày 15/4, Bộ Tài chính đã có thông báo ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Cao Anh Tuấn tại cuộc họp với Cục Quản lý Bảo hiểm (QLBH), Hiệp hội Bảo hiểm và một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính liên quan đến nội dung dư luận phản ánh vấn đề tư vấn hợp đồng bảo hiểm nhân thọ (BHNT) trong thời gian qua.

Theo đó, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn chỉ đạo Cục QLBH yêu cầu các doanh nghiệp BHNT rà soát lại quy trình bán các sản phẩm BHNT, có giải pháp xử lý kịp thời các phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện cung cấp dịch vụ BHNT cho khách hàng, hạn chế tình trạng nhân viên, đại lý tư vấn thiếu trung thực với khách hàng tham gia bảo hiểm.

"Doanh nghiệp BHNT cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các quy định và quy trình, thủ tục đảm bảo rõ ràng, minh bạch để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, quản lý chất lượng đại lý trong quá trình tư vấn và ký kết hợp đồng bảo hiểm tại các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm", thông báo của Bộ Tài chính nêu rõ.

Đối với nhóm vấn đề liên quan đến các yêu cầu, khiếu nại, tố cáo của khách hàng khi tham gia BHNT, Cục QLBH cần xây dựng quy trình xử lý đối với các thông tin phản ánh liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng quy chế phối hợp, trao đổi, cung cấp và xử lý các thông tin tiếp nhận qua các kênh thông tin phản ánh trực tiếp, đơn thư, đường dây nóng; đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra theo chức năng và nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, cơ quan quản lý đẩy mạnh công tác truyền thông đa chiều, khách quan, đưa ra các khuyến cáo, lưu ý đối với những nội dung nêu trong hợp đồng bảo hiểm, phân tích các sản phẩm bảo hiểm, tuyên truyền nâng cao cảnh giác, hiểu biết, nhận thức của người tham gia bảo hiểm.

"Đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phát huy vai trò hỗ trợ thị trường bảo hiểm phát triển bền vững, tuyên truyền, nâng cao chất lượng của các doanh nghiệp bảo hiểm và nhận thức hiểu biết của các chủ thể tham gia thị trường bảo hiểm.

Đề nghị Hiệp hội tổ chức họp với các doanh nghiệp bảo hiểm để đánh giá tình hình, đưa ra các giải pháp chấn chỉnh hoạt động của các đại lý bảo hiểm, nâng cao chất lượng tư vấn của nhân viên bán bảo hiểm", Thứ trưởng Cao Anh Tuấn chỉ đạo.

Chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài chính được đưa ra trong bối cảnh hàng loạt khách hàng "tố" các công ty bảo hiểm làm việc không có tâm, hợp đồng bảo hiểm mập mờ, không minh bạch.

Theo Liên Thượng

Cùng chuyên mục
XEM