Phương pháp giáo dục khác biệt của tỷ phú kim cương: Đẩy con trai độc nhất ra đường sống như người nghèo, ép tự kiếm tiền, kiếm việc và tuyệt đối không được sử dụng điện thoại di động!
Tôi đưa ra 3 điều kiện cho con: "Thứ nhất phải tự làm việc kiếm tiền và sau mỗi tuần phải thay đổi công việc. Thứ hai, con không được nói là con tỷ phú. Cuối cùng là không được sử dụng điện thoại di động.", tỷ phú Savji Dholakia nói.
Sinh ra ở đã vạch đích, những tưởng con của giới siêu giàu chỉ biết tới cuộc sống nhung lụa sang chảnh, nhưng câu chuyện về những đứa con tỷ phú phải lăn lộn kiếm từng đồng bạc lẻ dưới đây lại rất khác!
Đó là câu chuyện của gia tộc tỷ phú kim cương Savji Dholakia (57 tuổi) - chuyên sản xuất và xuất khẩu kim cương giàu bậc nhất Ấn Độ. Không muốn những đứa trẻ chỉ biết hưởng thụ, không cần nỗ lực, phấn đấu bởi cái bóng quá lớn của gia đình, Dholakia đưa ra một "thử thách truyền thống" dành cho con cái trong nhà: Từ bỏ thân phận giàu có, sống cuộc sống của người bình thường và đặc biệt phải tự bươn trải để kiếm tiền... trong một khoảng thời gian nhất định. Phương pháp giáo dục này khiến nhiều người rất tò mò và ngưỡng mộ.
Thực tế, năm 2016, cậu con trai duy nhất của ông Dravya Dholakia, khi đó 21 tuổi, học MBA tại Mỹ trở về nhà trong một kỳ nghỉ. Không để con trai có thời gian nghỉ ngơi lâu, ông đã yêu cầu Dravya phải tới một thành phố lạ, nơi không ai biết cậu là ai, phải tự xin việc, kiếm tiền tồn tại trong vòng một tháng.
"Tôi đã đưa ra 3 điều kiện cho con:
Thứ nhất phải tự làm việc kiếm tiền và sau mỗi tuần phải thay đổi công việc.
Thứ hai, con không được nói là con tỷ phú
Cuối cùng là không được sử dụng điện thoại di động.
Tôi muốn con mình hiểu ý nghĩa cuộc sống, hiểu cách những người nghèo phải đấu tranh thế nào để có được một công việc và có tiền để tồn tại", ông Savji nói.
Cậu con trai tỷ phú Dravya đã phải tìm nhiều việc để tự trang trải cuộc sống trong một tháng. Ảnh: Timesofindia
Trước khi đi, Dravya được phép mang ba bộ quần áo và 7.000 rupee (khoảng 100 đôla), được dặn chỉ tiêu số tiền này trong trường hợp khẩn cấp.
Mảnh đất cậu đặt chân tới là thành phố Kochi - nơi cậu không rành tiếng bản địa và chưa từng tới lần nào. Sau này Dravya chia sẻ: "Tôi chuẩn bị tinh thần cho những khó khăn sẽ phải đối mặt, thế nhưng những gì diễn ra thực tế còn khủng khiếp hơn rất nhiều. 5 ngày đầu tiên tôi không kiếm được việc làm hoặc một chỗ ở thích hợp. Tôi thất vọng vì bị tới 60 nơi từ chối. Số tiền tôi mang theo bị hao hụt dần. Quãng thời gian ám ảnh đó thật sự đáng sợ nhưng giúp tôi hiểu thế nào là thất bại, và giá trị để có một công việc".
May mắn đến với Dravya vào ngày thứ 6 khi bắt đầu hành trình thử thách, cậu được ông chủ một tiệm bánh nhận làm bởi "lý lịch" nghe khá đáng thương: học sinh lớp 12, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, cần kiếm tiền để trang trải học phí và phụ giúp gia đình. Sau đó, cậu làm việc ở tổng đài điện thoại, tiệm tiệm giày, chạy bàn ở cửa hàng ăn nhanh McDonalds.
Cật lực kiếm tiền, Dravya chỉ kiếm được 60 đôla trong một tháng. "Cuộc sống quá khắc nghiệt. Từ một công tử chưa từng phải lo nghĩ về tiền bạc, giờ tôi phải xoay sở để có tiền ăn, mỗi bữa chỉ được ăn 0,6 đôla. Tiền nhà trọ cũng là một khoản cực kỳ đau đầu, mở mắt tôi sẽ phải tính làm gì để kiếm được 4 đôla để trả tiền nhà trọ. Chưa kể, khi đã tìm được một công việc có vẻ như ổn, có thể trang trải được tiền ăn, tiền nhà... thì sau một tuần, tôi lại phải tìm một công việc khác. Yêu cầu khắc nghiệt này khiến tôi lo lắng, nhưng bù lại bản thân cũng linh hoạt, tìm cách thích ứng với môi trường sống một cách nhanh nhất có thể".
Tỷ phú Savji Dholakia từng chia sẻ rằng gia tộc Dholakia đã duy trì truyền thống "đẩy con ra đường trải nghiệm". Theo ông: "Để có được những bài học cuộc sống, hãy tự mình trải nghiệm. Nó sẽ đem lại những kinh nghiệm thực tế không nơi nào dạy cho bạn". Bởi thế, suốt 17 năm qua, nhiều chàng trai trong gia đình đã phải rời khỏi cuộc sống "ngồi mát ăn bát vàng" để thử đối mặt với thử thách, khó khăn bằng việc tự kiếm tiền, kiếm việc trong một khoảng thời gian.
Dhruv (áo đỏ) thử cảm giác làm việc trong một quán cà phê trong một tuần. Ảnh: Timesofindia.
Ví dụ như năm 2017, Dhruv Dholakia, một người con trai trong dòng họ, khi đó 18 tuổi, cũng đã tới miền Nam Ấn Độ trong một tuần để thử trải qua cảm giác sống như một người bình thường. Cậu chàng từng bị cửa hàng cà phê từ chối vì đã đủ người. Không chịu từ bỏ, Dhruv đã nỗ lực năn nỉ và cuối cùng được thương tình, giữ lại làm nhân viên tại đó một tuần. Sau này, Dhruv xin nghỉ và 5 ngày sau trở lại, tiết lộ thân phận thật sự là thành viên trẻ nhất cảu tập đoàn sản xuất kim cương hàng đầu thế giới SRK.
Một câu chuyện tự thân vận động, vượt qua thử thách kiếm tiền, kiếm việc khác của gia tộc Dholakia là trường hợp Hitartha Dholakia, 25 tuổi, sau khi 25 tuổi, tốt nghiệp Cử nhân Quản trị Kinh doanh ở Mỹ trở về nhà, cũng được bố mẹ đề nghị tới thành phố Hyderabad để trải nghiệm cuộc sống tự lập.
Hitarth cũng phải lăn lộn kiếm việc, có tiền nuôi thân. Ảnh: Timesofindia.
Đáng nói, ngay khi vừa đặt chân xuống sân bay, Hitarth nhận được yêu cầu này kèm với 500 Rupee (khoảng 7 đôla) phòng thân.
Không thể thoái thác, cậu phải nai lưng làm lụng, cố gắng kiếm tiền lo 2 bữa ăn mỗi ngày. Thậm chí, cậu phải sống trong căn nhà đi thuê cùng 17 người khác với giá thuê 100 Rupee (gần 1,5 đôla). Nhờ trí óc thông minh, không lâu sau Hitarth tìm được công việc ở một công ty liên doanh với mức lương 4.000 Rupee/tháng (khoảng 57 đôla). Tuy nhiên, cậu chỉ làm ở đây 5 ngày rồi bỏ việc theo yêu cầu, phải thay đổi công việc mỗi tuần một lần.
Tiếp đó, cậu xin được làm về marketing tại một cơ sở sản xuất nhưng cũng chỉ làm 5 ngày và kiếm được 1.500 Rupee (khoảng 21 đôla). Trong 4 tuần, Hitarth nhảy việc 4 lần và kiếm được 5.000 Rupee (khoảng 71 đôla). Hitarth kết thúc thử thách khi nhận được "lệnh triệu hồi" của gia đình.
Chính Hitarth sau này thú nhận: "Quãng thời gian sống tự lập đó giúp chúng tôi biết quý trọng tiền bạc, học thêm được các kỹ năng kiếm tiền, đánh thức những khả năng xoay sở của bản thân. Bạn sẽ không biết bạn có thể làm được những gì, cho tới khi hoàn cảnh đẩy bạn vào bước không thể thoái lui. Tôi rất biết ơn truyền thống này của dòng tộc Dholakia, chắc chắn ra đời, kể cả là người giàu có, hay nghèo khó, chắc chắn bước ra đời, chúng tôi đều không bao giờ là những vô dụng!".
Trả lời trên tờ Timesofindia, ngài tỷ phú Savji Dholakia khẳng định: "Không trường đại học nào có thể dạy con những kỹ năng sống này, ngoại trừ những kinh nghiệm thực tế" và những đứa con của dòng họ Dholakia chính là minh chứng rõ rệt nhất cho phương châm giáo dục đúng đắn, khác biệt này.