Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Khi bạn nợ tiền ai đó, người ta không đòi không phải vì quên, mà họ im lặng để chờ xem sự tử tế của bạn có thật như những gì bạn đã hứa hẹn!
Bạn có thể là một người nghèo nhưng đừng làm một người bội tín hay vô ơn. Bạn có thể không đủ tiền để trả nhưng phải biết dùng miệng để giữ lại chút tín nhiệm.
"Vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ từng khiến rất nhiều người ngưỡng mộ bởi những câu nói nổi tiếng của mình, cả về cuộc sống lẫn trong chuyện kinh doanh, dù có nhiều người cho rằng ông đang cuồng ngôn.
Cuộc đời của ông Vũ luôn là một ẩn số, chứa đựng những thăng trầm đầy bí ẩn khiến cho người khác phải tò mò. Sau 5 năm lên "núi thiêng Madrak thiền định", ông Đặng Lê Nguyên Vũ bất ngờ xuất hiện trong buổi lễ ra mắt thương hiệu mới của Tập đoàn, tự xưng mình là "Qua", càng khiến cho nhiều người tò mò về cuộc sống 5 năm qua của ông chủ nổi tiếng này. Hơn nữa, trong suốt 3 năm qua, vụ ly hôn triệu đô ồn ào của ông Vũ với vợ là bà Lê Hoàng Diệp Thảo tốn không ít giấy mực của báo giới và sự quan tâm của dư luận.
Dù vậy, Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn luôn là một tượng đài doanh nhân trong lòng nhiều người Việt với triết lý kinh doanh mới mẻ, gai góc, là nguồn cảm hứng vô tận đối với các start-up non trẻ thông qua những phát ngôn để đời về cả cuộc sống xen lẫn những bài học kinh doanh. Đặc biệt, quan điểm về tiền và nợ tiền, nợ ân tình người khác trong đời, từng được vua cà phê phân tích vô cùng thấu đáo, sâu sắc.
Quan điểm về tiền bạc, nợ nần vay trả sòng phẳng của ông Vũ rất được lòng giới trẻ. Theo ông Vũ: "Khi bạn nợ tiền một ai đó, hãy hiểu sâu sắc rằng chữ "Nợ" ấy không thể chỉ trả bằng giấy bạc, sòng phẳng như giấy bạc."
Lấy chính cuộc đời nhiều biến thiên của mình, ông Vũ kể: "Một người cho tôi vay tiền, tôi nghĩ rằng đó là người ta mang công sức bát gạo của bản thân họ gửi gắm vào tay mình. Tuyệt nhiên không dám nghĩ, ít nhiều cũng không dám nghĩ người ta thừa tiền nên đôi ba đồng cái công chỉ như cái kẹo.
Người ta không đòi bạn cũng chẳng phải vì người ta quên. Đồng tiền đi liền khúc ruột, họ im lặng để chờ xem sự tử tế của bạn có thật như những gì bạn đã hứa hẹn.
Tôi nói với quý nhân của mình rằng, tôi nợ họ, nợ trọn đời này. Cái nợ ấy không còn đơn giản là nợ vật chất nữa. Nếu tôi không đủ tiền để trả thì tôi sẽ trả bằng sự trung thành của mình, bằng sự tận tuỵ của mình, thậm chí bằng cả máu và nước mắt.
Người cho tôi bát cơm lúc tôi giàu sang chưa chắc đã vì tôi mà cho. Nhưng người sẵn sàng kéo tôi ra khỏi khó khăn tuyệt vọng thì chắc chắn họ đã yêu thương và trân quý tôi thực sự.
Bạn có thể là một người nghèo nhưng đừng làm một người bội tín hay vô ơn. Bạn có thể không đủ tiền để trả nhưng phải biết dùng miệng để giữ lại chút tín nhiệm. Bội tín chính là sự suy sụp về mặt kinh tế, bội tín cũng chính là sự thất bại nặng nề về mặt nhân cách.
Bạn im lặng, bạn có thể được bố thí hoàn toàn số tiền đó, người hào sảng sẽ không gay gắt với bạn như phường nặng lãi. Nhưng bạn sẽ vĩnh viễn mất đi một ân nhân, một người anh em tử tế, một niềm hy vọng, một chiếc phao cứu sinh trong những cơn đắm chìm về sau."
Đặc biệt trong làm ăn, tiền bạc rất nhạy cảm, nếu muốn lâu dài thì ngay ban đầu bản thân bạn phải uy tín, còn nếu bội tín, rõ ràng sẽ chẳng ai dám hùn hạp, chung tay với bạn sau này. Hãy nhớ rằng, trong cuộc sống, cách ứng xử với đồng tiền có thể phản ánh được con người của bạn ra sao, khiến người khác có thể yêu mến, cảm phục hoặc ác cảm với bạn, giống như ông Vũ phân tích ở trên.