Phụ thuộc vào ngành bán dẫn, kinh tế Hàn Quốc đang đứng bằng một chân?
Việc kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc quá nhiều vào ngành bán dẫn khiến nước này đối diện với nhiều rủi ro, giống như kiểu kinh tế Hàn Quốc chỉ đứng trên một chân.
Ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc có vai trò quan trọng trong tổng thể kinh tế Hàn Quốc đến nỗi mà chỉ riêng một lĩnh vực do Samsung có vai trò chủ đạo đã tạo ra sự khác biệt.
Theo công bố, trong chín tháng đầu năm nay, 525 công ty niêm yết của Hàn Quốc kiếm được 120,45 nghìn tỷ won lợi nhuận hoạt động tương đương 108 tỷ USD, theo công bố của Korean Exchange.
Lợi nhuận ròng tăng 28% so với cùng kỳ một năm trước đó, mức tổng lợi nhuận như vậy cao chưa từng có và cũng là lần đầu tiên vượt mức 100 nghìn tỷ won.
Tổng doanh số bán hàng tăng 11%. Những con số lợi nhuận trên không tính đến lợi nhuận của các công ty tài chính và những công ty thay đổi thời gian tính lợi nhuận.
Tuy nhiên nếu xem xét kỹ hơn vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, người ta nhận thấy chỉ riêng bộ phận bán dẫn của tập đoàn Samsung đã có lợi nhuận hoạt động ước khoảng 24 nghìn tỷ won, tăng gần gấp ba lần so với chín tháng cùng kỳ năm trước nhờ vào việc người tiêu dùng thế giới sử dụng ngày một nhiều điện thoại thông minh cũng như doanh nghiệp thành lập thêm các trung tâm dữ liệu.
Nếu không có 24 nghìn tỷ won lợi nhuận từ Samsung, tổng lợi nhuận hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết Hàn Quốc chín tháng vừa vừa qua cũng chỉ cao hơn chút so với chín tháng cùng kỳ năm trước đó với mức lợi nhuận 94 nghìn tỷ won.
Tăng trưởng lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp sản xuất thép và các thiết bị điện tử ước khoảng 20%. So với cùng kỳ, doanh số bán hàng ba quý vừa qua của Samsung tăng 17% còn lợi nhuận hoạt động tăng 92%.
LG Electronics cũng thu được lợi nhuận cao nhờ nhu cầu đối với sản phẩm thiết bị gia dụng của thãng tăng cao. Doanh thu từ bộ phận kinh doanh tivi đang hồi phục mạnh mẽ.
Tập đoàn thép Posco của Hàn Quốc trong khi đó hưởng lợi từ giá thép tăng trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc hạn chế bớt sản lượng thép nhằm giảm đi lượng thép dư thừa.
Hàng loạt kết quả kinh doanh khả quan trên đang giúp cho thị trường chứng khoán Hàn Quốc tăng điểm mạnh. Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc tăng vượt mức 2.500 điểm lần đầu tiên từ thập niên 1980. Giờ đây chỉ số này duy trì ở mức khoảng 2.520 điểm. Nhiều chuyên gia tài chính dự báo chỉ số sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong năm sau.
Trong khi các doanh nghiệp bán dẫn làm ăn tốt thì nhóm doanh nghiệp sản xuất thiết bị vận tải, ví như hãng xe Hyundai của Hàn Quốc chỉ có mức tăng lợi nhuận vô cùng khiêm tốn. Nguyên nhân chính là bởi căng thẳng giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đã khiến doanh số bán xe của Hyundai tại Hàn Quốc tăng rất chấp.
Trưởng bộ phận nghiên cứu tại công ty chứng khoán IBK tại Seoul, ông Lee Jong-woo, khẳng định việc kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc quá nhiều vào ngành bán dẫn khiến nước này đối diện với nhiều rủi ro, giống như kiểu kinh tế Hàn Quốc chỉ đứng trên một chân. Nếu loại bỏ lợi nhuận của Samsung và SK Hynix, lợi nhuận hoạt động sẽ giảm từ 120 nghìn tỷ won xuống khoảng 72 nghìn tỷ won.
Ông Lee lo ngại lĩnh vực bán dẫn sẽ không duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như hiện nay trong nửa sau năm 2018. Lợi nhuận hoạt động của Samsung và Hynix sẽ giảm ước khoảng 10 nghìn tỷ won và không có công ty nào có đủ khả năng bù lại mức giảm đó.
Chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in sẽ chính thức nâng lương tối thiểu của người lao động từ năm tới với mục tiêu tăng thu nhập cho người dân nhằm kích thích tiêu dùng. Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng đồng thời tăng.
Những chính sách trên cùng với nhiều yếu tố bất ổn xung quanh tương lai của ngành bán dẫn khiến người ta không khỏi đặt câu hỏi về triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp Hàn Quốc.