Phụ huynh học sinh Singapore đồng loạt chia sẻ kết quả học tập yếu kém của họ để giúp con em tự tin vào bản thân hơn điểm số

30/11/2016 20:10 PM | Sống

Trong khi một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, áp lực nặng nề về điểm số sẽ không giúp gì cho việc học hiểu kiến thức.

Hàng năm ở Singapore, khoảng hàng chục vạn học sinh dưới 12 tuổi phải trải qua một bài kiểm tra đầy rủi ro và áp lực được gọi là Bài thi Tốt nghiệp cấp Tiểu học (PSLE). Kết quả của bài thi này tác động lớn đến việc đứa trẻ có thể học ở đâu khi lên cấp Trung học.

Vì vậy, trong tâm trí của nhiều người ở đây, điểm số của bài thi này sẽ quyết định tương lai rộng mở của những đứa trẻ – khi điểm dưới 200 sẽ bị coi là thảm họa vì các trường được lựa chọn đòi hỏi điểm số cao hơn thế.

Tuy nhiên, từ cuối tuần trước, Syed Khairudin Aljunied, một giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore, đã quyết định sẽ thay đổi suy nghĩ phổ biến này của nhiều người. “Điểm PSLE của tôi là 221. Giờ tôi là một Giáo sư tại một trường Đại học.” Ông viết trên một bài đăng trên Facebook của mình, sau đó nó đã được chia sẻ hơn 3.700 lần.

Ông khuyên bạn bè mình và gia đình chia sẻ điểm số của họ và thành quả cuộc đời họ cho đến bây giờ, để minh chứng rõ ràng rằng bài kiểm tra này không phải là người phán xét cuối cùng của thành công. “Nó sẽ mang lại hy vọng và động lực cho những người trẻ tuổi hiểu rằng điểm số PLSE sẽ không nhất thiết cho việc quyết định tương lai của họ.” Ông cho biết trong bài đăng của mình.

Theo tờ Straits Times, hơn 1.000 người đã làm theo lời ông. Ca sĩ Benjamin Kheng cho biết rằng, anh đã từng là một “đứa trẻ kém nhất trong một lớp học kém nhất” ở trường, nhưng sau này anh đã trở thành thành viên của một nhóm nhạc rock thành công.

Đối với mọi đứa trẻ sợ sệt con đường đến trường hay về nhà, hay đang cảm thấy khó chịu, chỉ vì 3 chữ số ngu ngốc kia, hãy biết rằng – Thế giới yêu con.” Ông viết trong bài đăng của mình. “Con là người vô cùng đáng yêu, và con còn đáng giá nhiều hơn thế.”

Singapore là một quốc gia nổi tiếng về thành tích học tập của học sinh. Trong các bài kiểm tra về khả năng toán của OECD cho những đứa trẻ trên 76 quốc gia, Singapore đứng thứ nhất. Họ đứng hàng top đầu trong bài kiểm tra PISA nổi tiếng của OECD, được tổ chức hàng năm cho những học sinh 15 tuổi trên khắp thế giới. Hiện giờ, các quốc gia khác như Mỹ, Anh và Israel thậm chí còn dậy Toán Singapore.

Nhưng những thành tích hào nhoáng này phải đánh đổi với một số điều. Trẻ em phải chịu áp lực khủng khiếp để có kết quả thi PSLE tốt. Vào tháng Mười năm nay, một cậu bé 11 tuổi đã nhảy từ cửa sổ tầng 17 sau khi không chịu được áp lực từ phụ huynh do nhận được kết quả kém từ bài thi này.

Bộ trưởng Bộ giáo dục Singapore cho biết họ đang tìm cách giảm tải áp lực xung quanh bài thi này. Vào năm 2012, họ đã cấm công bố công khai tên và kết quả của những thí sinh đạt điểm cao nhất trong cuộc thi này. Thậm chí đầu năm nay, Bộ trưởng Bộ giáo dục còn phát hành một video cố gắng nhấn mạnh vào tầm quan trọng của nỗ lực thay vì thành tích.

Và trong mùa hè năm nay, bộ trưởng cho biết họ sẽ thay đổi cách đánh giá việc tốt nghiệp cấp tiểu học, chuyển từ hệ thống dựa trên điểm số sang “hệ thống nhóm”, để nhóm các học sinh theo các mức độ thành tích khác nhau (thay đổi này sẽ có hiệu lực từ 2021). Mục tiêu của việc này nhằm hạn chế tình trạng các phụ huynh và học sinh phải học tập quá nặng chỉ để gia tăng điểm số của mình.

Hỗ trợ cho thay đổi là một nghiên cứu cho thấy rằng, trong khi bài kiểm tra đầy rủi ro trên gây quá nhiều căng thẳng, không phải lúc nào nó cũng giúp tạo ra việc học hiểu sâu. “Đây chỉ là các bước đi rất nhỏ của cuộc đời, nhưng chúng đang choán hết tâm trí họ.” Manu Kapur, giáo sư về nghiên cứu tâm lý tại Đại học Giáo dục Hong Kong, và là cựu giám đốc chương trình giảng dạy, nghiên cứu và học tập tại Viện Quốc gia về Giáo dục Singapore, cho biết.

Chiến dịch của Khairudin được phát động sau khi những đứa trẻ ở Singapore có được điểm số tốt nhất từ trước đến nay: 98,4% học sinh tham gia kỳ thi sẽ được tiếp tục học lên trung học. (Giai đoạn từ 1980 đến 2014, tỷ lệ học sinh vượt qua kỳ thi này thường dao động quanh mức 81,7% cho đến kỷ lục mới này).

Cho dù bài đăng của Khairudin có thể truyền đi thông điệp ủng hộ những đứa trẻ, các nhà nghiên cứu cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra với các bậc phụ huynh bị ám ảnh bởi kết quả thi, những người luôn thúc giục con cái họ phải đạt được thành tích thi cử cao. Điều đó dường như khó có thể bị thay đổi bởi một phong trào trên Facebook.

Theo Nguyễn Hải

Cùng chuyên mục
XEM