Phó Tổng Canifa kể chuyện tự làm công cụ vận hành: "Gần 100 cơ sở mà hệ thống đơ thì không thể dùng sổ để tiếp tục bán hàng"
"Việt Nam nằm trong top 5 của thế giới về xuất khẩu may mặc và dịch vụ IT. Vậy tại sao mình lại không tự xây được hệ thống công nghệ? Đó là một điều phải tự vấn và động viên mình quyết tâm", ông Đoàn Hồng Sơn – Phó Tổng Giám đốc thương hiệu thời trang Canifa đặt vấn đề.
Chia sẻ trên được Phó Tổng Giám đốc Canifa Đoàn Hồng Sơn đưa ra tại sự kiện Vietnam MarTech Day , do Vietnam MarTech tổ chức hôm 1/11 tại Hà Nội. Đây là nơi để các doanh nghiệp cùng nhau thảo luận về việc làm thế nào để biến những ý tưởng về MarTech (công nghệ tiếp thị) thành hiện thực, hay ứng dụng MarTech trong các ngành nghề khác nhau.
Trong phiên thảo luận với chủ đề “Ứng dụng MarTech theo lĩnh vực", đại diện các doanh nghiệp đến từ nhiều ngành khác nhau bao gồm Golden Gate Group, Canifa, Hệ thống y tế Thu Cúc TCI và Saladin đã chia sẻ những câu chuyện thực tế về việc sử dụng công nghệ trong marketing, cũng như kỳ vọng của họ đối với các nhà cung cấp dịch vụ.
Ông Đoàn Hồng Sơn - Phó Tổng Giám đốc thương hiệu thời trang Canifa cho biết họ đã có mặt trên thị trường từ khá lâu, nên trước cả khi có làn sóng chuyển đổi số, công ty đã xác định cần tận dụng dữ liệu lớn về khách hàng, sản phẩm…
“Bởi vì đặc thù của Canifa là thương hiệu dành cho cả nam, nữ, bé trai và bé gái, rất nhiều mã sản phẩm, lượng dữ liệu quá lớn. Điều đó tạo ra cho mình áp lực.
Gần 20 năm trước, Canifa bắt đầu dùng những phần mềm Việt Nam. Sau đó đến giai đoạn 2013-2014, dữ liệu đã quá lớn rồi, phải chuyển sang dùng giải pháp của các hãng lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm, có những giải pháp thất bại vì chuỗi cửa hàng bán lẻ mở nhanh. Bản thân những giải pháp đấy cũng không đáp ứng được kỳ vọng”, ông Sơn kể lại.
Cũng theo lời vị lãnh đạo của Canifa, đến năm 2016, công ty quyết định tự xây dựng hệ thống công cụ riêng để quản trị vận hành. Canifa làm chủ dữ liệu khá sớm, từ năm 2017 đã có hệ thống BI (Business Intelligence) và gần như mọi báo cáo liên quan đến kinh doanh, tài chính đều là real-time (theo thời gian thực).
Tuy nhiên, ông Sơn cho biết ở thời điểm đó nhiều mơ ước về công nghệ vẫn chưa được thỏa mãn. CRM (phần mềm quản lý quan hệ khách hàng) hỗ trợ rất tốt cho B2B, nhưng với ngành bán lẻ của Canifa thì không phù hợp.
Ông tiếp tục chia sẻ rằng đến khoảng năm 2018 – 2019 bắt đầu có khái niệm CDP (nền tảng dữ liệu khách hàng) ở Việt Nam. Đó chính là điều Canifa cần. Nhưng để thực sự ứng dụng MarTech vào hoạt động của doanh nghiệp là cả một quá trình không hề dễ dàng vì, mỗi bên đều có những đặc thù riêng.
“Đúng là khó khăn khi xây dựng một đội ngũ công nghệ từ một công ty thời trang. Nhưng nghĩ cho cùng thì Việt Nam nằm trong top 5 của thế giới về xuất khẩu may mặc và dịch vụ IT. Vậy tại sao mình lại không tự xây được hệ thống công nghệ? Đó là một điều phải tự vấn và động viên mình quyết tâm.
Thực ra cũng áp lực, vì hệ thống cửa hàng lúc đó gồm gần 100 cơ sở. Bán hàng liên tục như vậy mà hệ thống đơ thì không thể dùng sổ được nữa, không thể tiếp tục bán hàng được”, Phó Tổng Giám đốc Canifa bày tỏ.
Ông còn chỉ ra rằng bản thân hai từ “tiếp thị” và “công nghệ” khi đến được với nhau để tạo thành từ “MarTech” đã phải trải qua một quá trình. Đó là về mặt công nghệ. Về mặt tổ chức, nhân sự marketing không có kiến thức công nghệ, còn nhân sự công nghệ không có kiến thức marketing. Dữ liệu có rất nhiều nhưng doanh nghiệp chưa thể tận dụng hết để phục vụ hoạt động.
Để giải quyết vấn đề, cách đây 2 năm, Canifa quyết định tập hợp đội ngũ CMI – Canifa Marketing Intelligence, bao gồm cả khối kỹ thuật và khối marketing để tối ưu hoá dữ liệu khách hàng, cũng như các chỉ số kinh doanh.
Bên cạnh đó, ông Sơn cho biết mong muốn của Canifa là tới một ngày có thể sử dụng giải pháp của các đối tác công nghệ Việt Nam, nếu tìm được một đối tác đủ năng lực chuyên môn, đủ đam mê.