Phó TGĐ FPT Telecom: Trên thế giới 3 năm nữa máy trả lời điện thoại còn hay hơn con người, nhân viên tổng đài có nguy cơ thất nghiệp hàng loạt
Đây là phát biểu của ông Vũ Anh Tú - Phó TGĐ FPT Telecom tại Hội nghị bàn tròn "Việt Nam đón làn sóng trí tuệ nhân tạo" thuộc khuôn khổ sự kiện FPT TechDay 2017.
Trích dẫn lại dự báo của Gartner, ông Vũ Anh Tú - Phó TGĐ FPT Telecom cho hay, tới 2020 có khoảng 10 triệu tổng đài trên thế giới không còn nữa. Bởi làn sóng ứng dụng công nghệ AI vào đời sống, kỹ thuật hiện nay đang rất phát triển.
Lấy ví dụ ngay tại FPT Telecom, ông Tú cho biết, 1 tháng đơn vị này nhận được hơn 300 ngàn cuộc gọi của khách hàng hỏi về thông tin mạng. Nếu ứng dụng AI, tổng đài sẽ phục vụ được nhiều người cùng lúc, từ đó nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Kết hợp với việc phân tích giọng nói, đơn vị sẽ đo được mức độ hài lòng của khách về dịch vụ, từ đó sẽ có những phản hồi tốt hơn. "Mơ uớc của tôi là một ngày nào đó khách hàng ngồi ở nhà sẽ không cần phải tìm điều khiển nữa, mà chỉ cần dùng khẩu lệnh là được hỗ trợ", ông Tú chia sẻ thêm.
Đồng tình với quan điểm của lãnh đạo FPT Telecom, ông Nguyễn Hòa Bình - GĐ điều hành Tập đoàn NEXTTECH cho rằng, hình thái, công nghệ mới thay thế cho cách vận hành cũ là điều dễ gặp trong lĩnh vực CNTT nói riêng, đời sống xã hội nói chung.
Ông Bình cho rằng, trí tuệ nhân tạo ở thời điểm hiện tại không còn là khái niệm cao siêu, mà thật sự tiềm ẩn mối đe dọa sống còn đối với mọi ngành nghề kinh tế. Nếu ngành nào biết tận dụng CNTT, trí tuệ nhân tạo ắt sẽ phát triển.
"Trong 4 năm vừa rồi, NEXTTECH có chiến lược Điện tử hóa giúp cho các ngành nghề truyền thống chuyển sang vận hành thông minh hơn dựa trên các nền tảng công nghệ mới. Ví dụ trong ngành taxi, điện tử hóa giúp cho việc điều hành tốt hơn, như đo đếm tần xuất taxi chẳng hạn", GĐ điều hành Tập đoàn NEXTTECH phát biểu.
Vị này cũng không phủ nhận, sự xuất hiện của AI, robot, hay máy móc công nghệ cao đang khiến con người đối mặt nguy cơ thất nghiệp trên diện rộng. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, đây không phải vấn đề đáng lo ngại, vì con người sẽ phải tìm cách thích nghi với việc bị thay thế.
Ông đưa ra ví dụ, nếu các bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng cho tương lai con trẻ, họ có thể cho con cái học tập về CNTT từ nhỏ. Bản thân Tập đoàn NEXTTECH cũng đang mở các khóa học lập trình dành cho đối tượng trẻ em nhằm bắt kịp xu thế.
Nhìn vấn đề dưới góc độ khối giáo dục, đào tạo, ông Phạm Bảo Sơn - Phó Hiệu truởng ĐH Công nghệ - ĐH QG HN cho rằng, với sự phát triển của AI như hiện nay, vai trò của truờng ĐH và viện nghiên cứu là rất lớn.
Đây chính là nơi tạo ra nguồn nhân lực, kỹ năng, nội dung chuyên môn cần thiết. Đồng thời là nơi sản sinh ra những công nghệ lõi của tương lai. Hiện tại, các chương trình đào tạo liên quan đến AI trong các trường ĐH rất nhiều. Bên cạnh học các chương trình đào tạo, sinh viên làm việc với các thầy thông qua các dự án nghiên cứu, hợp tác với các doanh nghiệp cũng rất nhiều.
Do đó, Phó Hiệu truởng ĐH Công nghệ - ĐH QG HN nhìn nhận, để đáp ứng được tương lai thì chúng ta nên tạo ra tương lai. Ông Sơn đưa ra 2 đề xuất: "Một là trường ĐH phải ứng dụng ngay công nghệ vào trong môi trường giáo dục và đào tạo. Hai là nhà trường và DN cần phải hợp tác chặt chẽ để giải quyết các bài toan thực tế".
Vị này chia sẻ, gần đây với xu thế của cuộc cách mạng 4.0, nhiều doanh nghiệp đã đến đặt vấn đề với các trường, nhưng chủ yếu là các startup, còn doanh nghiệp lớn thì chưa. Do đó, ông Sơn mong muốn các doanh nghiệp lớn tham gia nhiều hơn vào quá trình đào tạo, thay vì chờ đến khi các em sắp tốt nghiệp mới tìm các sinh viên giỏi.