Phó Chủ tịch Quốc hội trả lời như thế nào về lo ngại cơ chế xin - cho trong quy định về chỉ định thương nhân xuất, nhập khẩu?

13/06/2017 10:26 AM | Xã hội

88,19% số đại biểu thông qua Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương mới. Trước đó, các thắc mắc của đại biểu đã được vị Phó Chủ tịch Quốc hội giải đáp trong báo cáo giải trình

Chiều hôm nay 12/6, Quốc hội đã thảo luận về Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương. Với 88,19% số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, cuối cùng Dự thảo đã được Quốc hội thông qua với 8 Chương 113 Điều.

Theo đó, Nhà nước sẽ quản lý ngoại thương theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Việc thực hiện phải bảo đảm minh bạch, công khai, bình đẳng, đơn giản hóa thủ tục hành chính; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, thương nhân thuộc các thành phần kinh tế; thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước và xuất khẩu, gắn với quản lý nhập khẩu.

Trước đó, trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý ngoại thương, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã nêu ra một số thắc mắc của đại biểu cũng như những giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về những thắc mắc đó.

Theo đó, đã có ý kiến đề nghị Luật cần quy định cụ thể tiêu chí, điều kiện chỉ định thương nhân để tránh tạo cơ chế xin - cho và hạn chế sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thương nhân.

Từ báo cáo giải trình. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã trả lời thắc mắc này bằng Điều số 27 trong dự thảo luật. Ông nói:

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ý kiến này, trong quá trình xây dựng Luật đã có cân nhắc nhiều nội dung về cải cách hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thương nhân. Điều 27 dự thảo Luật đã quy định cụ thể các loại hàng hóa được chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu, nguyên tắc chỉ định phải đảm bảo công khai, minh bạch, bảo đảm quyền, lợi ích của nhà nước và quyền lợi ích của thương nhân được chỉ định thực hiện hoạt động ngoại thương”

Theo Điều 27 Dự thảo luật này, sẽ có 3 loại hàng hóa được áp dụng cho hình thức chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu, bao gồm có

Điều 27. Chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu

Chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu và chỉ được áp dụng đối với hàng hóa sau:

1. Hàng hóa độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật thương mại.

2. Hàng hóa được thực hiện theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Hàng hóa bị áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp theo quy định tại Chương V của Luật này.

Luật Quản lý ngoại thương này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018. Trong thời gian chuyển tiếp, các vụ việc phòng vệ thương mại đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ khiếu nại, điều tra trước ngày Luật này có hiệu lực thì được tiếp tục xem xét, giải quyết.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM