Phi công: Từ nghề lương nghìn USD đến 'con ghẻ' trong mắt người lao động
Hiện chỉ 43% số phi công trên thế giới còn duy trì được công việc.
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, phi công là một ngành có thu nhập tốt và thu hút nhiều lao động lựa chọn. Thế nhưng dịch bệnh đã làm thay đổi tất cả.
Thông thường, mức lương khởi điểm dành cho phi công mới vào nghề dao động từ 40-70 USD/giờ. Các phi công trung bình mỗi tháng bay 75 giờ. Tính thêm phụ cấp mỗi ngày, một cơ phó mới có thể kiếm gần 7.000 USD mỗi tháng.
Theo báo cáo của US News, phi công đứng thứ 17 trong số những nghề thu nhập cao nhất thế giới với mức lương trung bình 115.670 USD mỗi năm. Khoảng 25% số phi công kiếm nhiều tiền nhất được trả trung bình 197.540 USD trong khi 25% lương thấp nhất nhận được trung bình 77.910 USD/năm.
Trước Covid-19, quốc gia trả lương cao nhất cho phi công là Trung Quốc khi một phi công tại đây có thể kiếm 25.000 USD/tháng, tức là khoảng 300.000 USD/năm chưa kể khoản tiền thưởng cuối năm có thể lên tới 80.000 USD. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc khiến nhu cầu di chuyển xa ngày càng lớn, dẫn tới thiếu hụt phi công.
Một số hãng hàng không Trung Quốc thậm chí tuyên bố nộp thuế cho phi công để thu hút nhân lực. Theo ước tính của các nhà phân tích, nước này cần 4.000 – 5.000 phi công mới mỗi năm trong 20 năm tới.
"Con ghẻ" của thị trường
Thật không may, đại dịch Covid-19 bùng phát khiến hàng loạt các hãng bay sa thải hoặc buộc phải giảm lương phi công. Theo hãng tin Bloomerg, hơn một nửa số phi công hiện nay đã không còn làm nghề này để sống mà chuyển sang các công việc khác, hoặc đơn giản là thất nghiệp ở nhà.
Khảo sát của Pilot Survey 2021 cho thấy chỉ có 43% số phi công trên thế giới là còn duy trì được công việc. Tình hình này khiến Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) cảnh báo thế giới sẽ thiếu phi công trầm trọng khi khôi phục lại chuỗi cung ứng.
Khảo sát cho thấy 30% phi công hiện nay thất nghiệp ở nhà, khoảng 17% cho biết họ chỉ tạm nghỉ làm còn 6% thì chuyển sang công việc khác cũng trong ngành. Đặc biệt 4% phi công trên thế giới hoàn toàn từ bỏ ngành hàng không.