"Phạt người sử dụng chất cấm 100 triệu đồng cũng 'nặng lắm rồi'"

15/04/2016 15:35 PM | Kinh tế vĩ mô

Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hành chính - Hình sự, Bộ Tư pháp TS. Nguyễn Thị Kim Thoa cho rằng, đối với cá nhân, tổ chức sử dụng chất cấm trong sản xuất chế biến thực phẩm xử phạt 100 - 200 triệu đồng theo Nghị định hiện hành là nặng lắm rồi.

Giữa những ngày xã hội nóng lên về thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường, Quốc hội thông qua Bộ Luật hình sự sửa đổi có nhiều biện pháp xử lý mạnh tay hơn. Đặc biệt, theo Điều 317, phát hiện sử dụng chất cấm trong thực phẩm, cá nhân, tổ chức sẽ bị xử lý hình sự.

Ngày 1/7/2016, Bộ Luật hình sự sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực.

Là một trong những người tham gia xây dựng Bộ Luật Hình sự, trao đổi về vấn đề này tại Tọa đàm "An toàn thực phẩm Pháp lý và Đạo đức", TS. Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ pháp luật Hành chính - Hình sự, Bộ Tư pháp cho hay: Mặc dù Bộ Luật sự sửa đổi, bổ sung năm 2015 xử lý hình sự đối với cá nhân, pháp nhân sử dụng chất cấm nhưng thực tế, mức xử phạt 100 - 200 triệu đồng theo Nghị định hiện hành là nặng lắm rồi.

Bà Thoa đánh giá, Bộ Luật hình sự sửa đổi, bổ sung đã có những đổi mới lớn về tư duy. Thực tế, trước đó chưa từng có xử lý hình sự đối với pháp nhân khi sử dụng chất cấm. Trong khi đó, nhiều người cho rằng sử dụng chất cấm là do cá nhân vi phạm, tại sao lại xử lý pháp nhân?

Thứ hai, tư duy xử lý hình sự trước kia chỉ dựa trên hậu quả gây ra mà không xét đến hành vi. Như vậy là chưa đủ.

Bà Thoa lấy ví dụ: Trong lĩnh vực môi trường, khi xử lý vi phạm chúng ta hay nói gây hậu quả, nhưng môi trường phải chờ chục năm sau mới thấy tác động rõ.

Điển hình trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm Bộ Luật hình sự 1999 quy định, người nào sử dụng chất cấm gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng... là chưa cụ thể. Vì muốn biết tác động sản xuất thực phẩm bẩn gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người phải chờ cả đời người mới biết được...

Từ ngày 1/7/2016, người nào sử dụng chất cấm, quy mô khác nhau nhưng những tình tiết nặng, gây hậu quả đều được quy định phạt Tại mục 1,2,3 Điều 317, Bộ Luật hình sự Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, với tư cách là nhà luật pháp, bà Thoa cho hay, chúng ta có mừng với quy định của Bộ Luật hình sự 2015 vì cho rằng chế tài mạnh. Nhưng trước đó, Nghị định 178/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, mức phạt tổ chức 200 triệu đồng, cá nhân 100 triệu đồng cũng là mạnh lắm rồi.

Nếu là trong trường hợp mà tổng giá trị của sản phẩm mà vi phạm chỉ bằng 1/3-1/4 thì mức phạt trên là rất lớn.

Trong trường hợp phạt 100 - 200 triệu đồng mà mức vi phạm vẫn nặng thì phạt gấp 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm đối với cá nhân và 7 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm đối với tổ chức.

Thậm chí là tước giấy phép hoạt động tùy theo quy mô, hình thức vi phạm.

"Xử lý vi phạm hành chính còn nhanh gọn kịp thời chứ chờ xử lý hình sự thì hơi lâu. Bên cạnh đó, theo Nghị định 81/2013, trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày ra quyết định xử phạt thì phải công khai đơn vị, cá nhân vi phạm cho toàn dân biết nên điều này là rất tốt cho bà con. Chỉ trong trường hợp xử phạt hành chính không ổn thì mới chuyển sang hình sự.

Tôi cũng cho rằng, xử lý hình sự là thêm một phương tiện nữa nhưng nếu thực thi quy định pháp luật hiện hành là tốt lắm rồi", bà Thoa khẳng định.

An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM