"Hỏi tôi miếng thịt này có chất cấm không tôi cũng chịu"

09/04/2016 16:33 PM | Sống

Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm Bộ Y tế đã có buổi trao đổi về vấn đề an toàn thực phẩm gây nhức nhối dư luận thời gian qua cũng như vai trò của cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế như thế nào.

Sáng 8/4, ông Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế đã có buổi tiếp xúc và thông tin báo chí thông tin về tình hình an toàn thực phẩm quý I/2015 và triển khai kế hoạch tháng hành động an toàn thực phẩm năm 2016.

Theo ông như thế nào là thực phẩm bẩn? Quy chuẩn đánh giá thực phẩm sạch là gì?

Ông Nguyễn Hùng Long: Thực phẩm bẩn và sạch không có trong các văn bản và luật. Chỉ có thực phẩm đảm bảo an toàn đã được xác nhận công bố, xác nhận phù hợp với an toàn thực phẩm. Còn bẩn - sạch do người dân nói ra. Thực phẩm không an toàn là thực phẩm có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Bẩn sạch vốn không có trong văn bản. Hỏi thế nào là sạch và bẩn thì không có định nghĩa, chúng ta thấy không an toàn thì bảo bẩn. Nên nói sạch – bẩn cũng phải theo quy định của pháp luật.

Còn các quy chuẩn an toàn đã có ở trong trang của Cục ATTP, trong mục văn bản có các danh mục của quy chuẩn an toàn thực phẩm. Chúng tôi có danh mục các chất cấm, phụ gia, danh mục được sử dụng với thực phẩm bẩn.

Làm thế nào để người tiêu dùng có thể phát hiện ra thực phẩm nào an toàn, thực phẩm nào không an toàn, có chứa chất cấm?

Nếu ai hỏi tôi nhìn miếng thịt này có chất cấm hay không tôi cũng chịu. Nếu nhìn được bằng mắt thường các chất cấm trong thực phẩm thì chẳng cần phải xét nghiệm nữa, chẳng cần cơ quan nào nữa. Cái đấy cần phải có chuyên môn, phải có kiểm nghiệm thì mới kết luận được. Không có kiểm nghiệm thì chịu thôi.

Nếu những người có kinh nghiệm (tôi không có kinh nghiệm) người ta nhìn miếng thịt màu hơi khác thịt thông thường, có hiện tượng lạ, không mua, thậm chí nếu nghi ngờ báo cơ quan chức năng, họ đến kiểm tra. Các bà nội trợ đi chợ có kinh nghiệm họ sẽ nhìn ra được. Còn đưa ra mớ rau này, miếng thịt kia hỏi an toàn không thì tôi chịu.

Có nhiều sản phẩm quảng cáo ngon từ thịt, ngọt từ xương nhưng thực ra thành phần xương, thịt chỉ có 2%. Còn xúc xích bò hầu như không có bò thì mình kiểm tra như thế nào? Mình có quy định nào về tỷ lệ phải có trong sản phẩm?

Quy định về ghi nhãn, nếu xúc xích bò thì thành phần phải ghi bao nhiêu % bò, tỷ lệ % xét nghiệm ở đó, còn quảng cáo ngon từ thịt ngọt từ xương thì trong đó nó có tỷ lệ phần trăm. Dù tỷ lệ % nhỏ chúng ta cũng không thể nói không có. Vấn đề doanh nghiệp công bố là bao nhiêu. Ví dụ 2% thì nó là 2%, không thể vượt quá cái đó được.

Trong nghị định và quy định ghi nhãn đã nêu rất rõ, tên do họ đặt ra còn các thành phần trong đó có kiểm nghiệm và công bố.

Hiện nay không yêu cầu bao nhiêu % mới có thể đặt tên, tên do người ta đặt. Ví dụ nước cam ép chẳng hạn nhưng có thể có 10%, 20%, hoặc 50% cam ép thôi.

Còn nói rằng thịt bò mà không phải thịt bò là gian lận thương mại. Dù tôi chưa biết thịt bò không phải thịt bò là như thế nào nhưng sẽ xử lý theo gian lận thương mại. Như trường hợp trước đó ở Châu Âu xúc xích thịt bò nhưng thực ra đó là thịt ngựa. Dù thịt ngựa đảm bảo an toàn nhưng đó là gian lận thương mại, sẽ chỉ xử lý gian lận thương mại.

Xử phạt gian lận thương mại tương đối lớn nên cục tiếp tục thanh kiểm tra, phát hiện gian lận thương mại sẽ đưa vào xử lý.

Gần đây Đà Nẵng và TP.HCM có nhiều thông tin về măng nhuộm vàng ô. Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế đã có các biện pháp nào làm xét nghiệm ở các tỉnh, thành phố khác không?

Măng chứa chất vàng ô thuộc quản lý của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, ngay sau khi nghe có vấn đề, Cục An toàn Thực phẩm đã có công văn gửi Chánh văn phòng UBND và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở đó và Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm Thuỷ sản đồng thời gửi cho Sở y tế địa phương để phối hợp.

Đó chỉ là phối hợp nhưng Phó thủ tướng Vũ Đức Đam từng nói, cứ ngành nào làm tốt vai trò của ngành đó đi là đã rất tốt rồi, không phải nói cứ phối hợp. Còn vai trò của Bộ Y tế không phải quan hệ chủ trì mà là thường trực, là cơ quan đầu mối để nắm bắt các thông tin, cần phối hợp thì chủ trì phối hợp liên ngành.

Trước các vấn đề, dù nó là của các cơ quan chức năng khác, chúng tôi cũng yêu cầu triển khai khẩn trương và có yêu cầu báo cáo về ban chỉ đạo liên ngành.

Trước khi vào thời điểm có khả năng nguy cơ, chúng tôi đều có văn bản yêu cầu các địa phương triển khai. Ví dụ bây giờ đang là thời điểm mùa nấm độc trong rừng, chúng tôi có văn bản yêu cầu các địa phương, đặc biệt ở các tỉnh ở vùng núi cao có rừng, nơi có nguy cơ hái phải nấm độc rất lớn, tăng cường tuyên truyền đưa hình ảnh nấm độc để người dân biết.

Thưa ông, còn thông tin thịt bò mà không phải là thịt bò, xét nghiệm này được cho là thực hiện từ dịp Tết Nguyên đán nhưng đến giờ mới công bố. Cục có làm các xét nghiệm xem hóa chất đó là hóa chất gì, có nguy hiểm cho người tiêu dùng không?

Thứ nhất đã có kiểm nghiệm phát hiện ra bò không phải là bò, nhưng nếu người ta công bố là hương bò, dùng hương bò (Giống như hương cam nhưng trong thành phần ghi rất rõ nó có gì trong đó) thì đó là công bố của họ.

Còn công bố là bò mà không phải xúc xích bò thì đó là sai. Cục chưa nhận được báo cáo xúc xích bò mà không phải là bò, không biết họ xét nghiệm như thế nào. Còn nếu về phần chúng tôi, nếu có phát hiện sẽ xử lý ngay.

Chất tạo nạc sabutamol trong thịt lợn gây nhức nhối dư luận trong thời gian qua, theo ông trách nhiệm thuộc về ai?

Trách nhiệm thuộc về người làm sai. Ví dụ nhiều chất trong công nghiệp nhưng anh mang ra sử dụng cho thực phẩm là anh sai. Nhưng không phải chất này không sử dụng trong thực phẩm được thì không nhập khẩu mà vẫn dùng cho các ngành khác. Người sử dụng sai phải chịu trách nhiệm còn cơ quan quản lý phải giám sát.

Thưa ông, còn kết quả xác minh hóa chất sử dụng nhuộm đỏ ruốc ở Phú Yên đã xử lý đến đâu?

Cái này không nằm trong tháng hành động vì an toàn thực phẩm. Chúng ta chỉ tập trung vào tháng hành động an toàn thực phẩm.

Vậy kế hoạch tháng an toàn thực phẩm từ 15/4 đến 15/5 thì như thế nào?

Đối với việc thanh tra, các bộ các đoàn liên ngành sẽ thanh tra, kiểm tra, chủ yếu là việc triển khai các hoạt động ở các cơ sở. Việc kiểm tra ở các cơ sở địa phương chủ yếu do các đoàn của tỉnh, huyện, xã đi thanh tra. Đoàn của trung ương sẽ đến chỉ thanh tra ở các điểm trọng điểm thôi chứ không kiểm tra hết được.

Về rau, tháng an toàn thực phẩm là đảm bảo an toàn trong sản xuất kinh doanh rau, thịt. Sẽ kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thịt, cơ sở sản thức ăn chăn nuôi.

Xin cảm ơn ông!

Theo Phương Thúy

Cùng chuyên mục
XEM