Phát ngôn thù hận và “vùng vô luật” trên mạng xã hội
Số người sử dụng Facebook hàng ngày trên thế giới là 1,3 tỉ (ở Việt Nam là 20 triệu), sử dụng Twitter là 330 triệu, và sử dụng Youtube là khoảng 1 tỉ, việc quản lí thông tin và xử phạt phát ngôn thù hận trên mạng xã hội là điều đặc biệt cần thiết.
Từ vài năm gần đây, với sự bùng nổ của mạng xã hội như Facebook, Twitter, chúng ta cũng chứng kiến sự bùng nổ của những phát ngôn thù hận.
Phát ngôn thù hận (hate speech ) là gì? Tới giờ, chưa có tòa án hay luật của nước nào đưa ra định nghĩa rõ ràng của hành vi này. Nhìn chung, cụm từ này thường được sử dụng để chỉ những phát ngôn vô cùng tiêu cực, nhằm vào một số đặc điểm bản thân của “nạn nhân”, với mục đích kêu gọi kích động lòng thù ghét.
Cụ thể hơn, phát ngôn thù hận là những phát ngôn tấn công, sỉ nhục một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân cụ thể, với mục đích reo rắc sự căm ghét hay kêu gọi bạo lực đối với cá nhân hoặc nhóm cá nhân này, vì lí do tôn giáo, sắc tộc, giới tính, quan điểm chính trị...
Rõ ràng là phát ngôn thù hận có nguy cơ ảnh hưởng xấu tới sự bình yên của xã hội. Trong một số trường hợp, phát ngôn thù hận không dừng ở “phát ngôn”. Nó có thể gây ra bạo lực trong xã hội, gây hận thù giữa các cộng đồng, và thậm chí dẫn đến những hành động cụ thể, như các hành động khủng bố ở châu Âu và Mỹ.
Thật đáng buồn là càng ngày chúng ta càng chứng kiến sự lây lan với tốc độ chóng mặt của những phát ngôn thù hận. Đặc biệt, trong một xã hội chứa đựng sẵn những căng thẳng, nơi các cá nhân khó tìm thấy chỗ đứng cho bản thân, hiện tượng phát ngôn thù hận lại càng trở nên phổ biến. Vì thế, không khó hiểu khi ở nhiều nước trên thế giới, phát ngôn thù hận đang là vấn đề đau đầu của chính phủ.
Tại Pháp: Phát ngôn thù hận có thể bị xử lý hình sự
Giải pháp đầu tiên chính là đặt ra khuôn khổ luật pháp rõ ràng, cụ thể và nghiêm khắc cho phát ngôn trên mạng xã hội. Không thể để mạng xã hội trở thành “vùng vô luật”. Giờ đây, với số người sử dụng Facebook hàng ngày là 1,3 tỉ người, sử dụng Twitter là 330 triệu người, và sử dụng Youtube là khoảng 1 tỉ người, việc quản lí thông tin và xử phạt phát ngôn thù hận trên mạng xã hội là điều đặc biệt cần thiết.
Tuy nhiên, ở nhiều nước phát triển, như Mỹ chẳng hạn, phần lớn các phát ngôn thù hận trên mạng xã hội - trừ những phát ngôn kích động bạo lực - được coi là hợp pháp vì lí do bảo vệ quyền tự do ngôn luận, quyền được quy định trong Hiến pháp Mỹ.
Ngược lại, nước Pháp có thể coi là một trong những nước có hệ thống luật nghiêm khắc nhất chống lại phát ngôn thù hận. Sự khác biệt này có thể giải thích bởi lí do vì quốc gia này áp dụng nguyên tắc tự do ngôn luận trong khuôn khổ giá trị đạo đức chung của đất nước. Tấn công “tinh thần” cá nhân bị coi là một vi phạm quyền cá nhân, vì thế luật quy định rất rõ việc cấm các phát ngôn thù hận. Ở Pháp, đạo luật áp dụng trong phần lớn các trường hợp phát ngôn thù hận này lại là một luật ra đời từ rất lâu, từ … năm 1881.
Luật này liên quan đến tự do báo chí và đặt khuôn khổ cho tự do ngôn luận, đồng thời xử phạt tội vu khống, làm nhục và tội phát ngôn kì thị kích động sự phân biệt đối xử, kích động thù hận hoặc kích động bạo lực. Một số hành phi phát ngôn thù hận khác được quy định trong luật hình sự Pháp.
4 hành vi của phát ngôn thù hận
Tất nhiên, không phải bất cứ phát ngôn lăng mạ, sỉ nhục nào cũng bị luật xử phạt. Chuyện phân biệt thế nào là phát ngôn bất hợp pháp và không bất hợp pháp là một vấn đề quan trọng. Luật của Pháp phân biệt bốn hành vi khác nhau như lăng mạ, vu khống, kêu gọi kích động khủng bố, và kích động hận thù dân tộc.
Sự khác nhau giữa vu khống (diffamation) và lăng mạ là hành vi vu khống dựa trên một sự kiện cụ thể, cần được kiểm tra về độ chính xác của sự kiện này đưa ra, trong khi hành vi lăng mạ không dựa trên sự việc cụ thể nào và không cần quy trình kiểm tra này. Hành vi lăng mạ (injure) là phát ngôn mang tính nhục mạ, xúc phạm nhắm vào cá nhân đối tượng bị lăng mạ, như tên, hình thức bề ngoài, giới tính, tôn giáo, sắc tộc...
Những hành vi lăng mạ dựa trên cơ sở giới tính, tôn giáo, sắc tộc sẽ bị xử phạt nặng hơn. Hành vi lăng mạ chỉ nhắm tới đối tượng là cá nhân con người, vì thế nó được phân biệt với hành vi “chê bai hàng hóa, dịch vụ” (dénigrement), ảnh hưởng tới sự lựa chọn của người tiêu dùng – một hành vi cũng bị luật của Pháp cấm, nhưng còn chưa được quy định rõ ràng trong luật của Việt Nam.
Ở Pháp, đối với các phát ngôn thù hận trên mạng, đạo luật năm 1881 cũng được áp dụng. Vì thế các phát ngôn thù hận trên mạng xã hội cũng sẽ bị xử phạt. Xin nói thêm là khi mạng xã hội là nơi tất cả mọi người đều có thể đọc được (ví dụ như khi để facebook ở chế độ công cộng), thì tòa án Pháp coi đây là nơi công cộng - nơi các phát ngôn thù hận bị xử phạt khá nặng.
Ngược lại, khi các phát ngôn này được đăng trên một tài khoản facebook ở trạng thái hẹp, ví dụ như người chủ tài khoản chỉ cho một số lượng người nhất định đọc được (bạn bè), thì tòa án sẽ coi là đây là nơi riêng tư và hình phạt đối với phát ngôn thù hận cũng nhẹ hơn nhiều.
Việt Nam có thể học gì từ việc xử lý phát ngôn thù hận trên mạng của Pháp?
Mạng xã hội – cho dù có những điểm khác biệt căn bản với thế giới thực - không hề là vùng vô luật ở Pháp. Tại quốc gia này, không thiếu các trường hợp cá nhân bị xử phạt vì phát ngôn bất hợp pháp trên mạng xã hội.
Ở Việt Nam, phát ngôn thù hận không hề thiếu trên mạng xã hội. Chửi bới, đe dọa, lăng nhục, bôi nhọ hay thậm chí vu khống – là những hành vi khá quen thuộc trên facebook Việt Nam. Nhiều khi, không có lí do gì cụ thể như phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giới tính, mà đơn giản chỉ là… thích thì chửi, không đồng quan điểm là … lăng nhục.