Phát hiện mới: Ta có thêm một hành tinh nữa làm ứng cử viên cho sự sống ngoài Trái Đất
"Đây là hành tinh ngoài hệ Mặt Trời thú vị nhất mà chúng tôi đã tìm ra trong suốt một thập kỷ qua", Jason Dittmann, trưởng ban nghiên cứu nói.
Với công nghệ tiên tiến của thế kỷ này, không khó để các nhà khoa học có thể tìm ra được một (hay một vài) ngoại hành tinh trong Vũ trụ rộng lớn kia. Cái khó của việc khám phá vũ trụ, hay cụ thể hơn là lĩnh vực nghiên cứu về sự sống ngoài Trái Đất, là việc xác định xem hành tinh ấy có thể hỗ trợ sự sống hay không.
Đó là lý do vì sao giới khoa học lại vô cùng hứng khởi mỗi khi những ứng cử viên mới có thể hỗ trợ sự sống xuất hiện. Lần này là hành tinh LHS 1140b, một thế giới xa xôi lớn hơn Trái Đất chỉ một chút thôi và cách chúng ta 40 năm ánh sáng.
“Đây là hành tinh ngoài hệ Mặt Trời thú vị nhất mà chúng tôi đã tìm ra trong suốt một thập kỷ qua”, nhà nghiên cứu chỉ đạo toàn bộ nghiên cứu, ông Jason Dittmann từ Trung tâm Vật lý Vũ trụ Harvard-Smithsonian nói.
“Chúng ta khó có thể tìm ra một đối tượng nào khác phù hợp hơn để nghiên cứu và tìm ra câu trả lời cho nhiệm vụ lớn nhất của khoa học – tìm ra bằng chứng về sự sống ngoài Trái Đất”.
LHS 1140b là một hành tinh được liệt vào hạng Siêu Trái Đất, một hành tinh có khối lớn hơn Trái Đất và chỉ lớn hơn chưa tới 10 lần. Trong trường hợp này, hành tinh này có khối lớn hơn Hành tinh Xanh 7 lần nhưng kích cỡ chỉ hơn ta 1,4 lần – đó chính là điều đáng chú ý, khi nó khiến cho LHS 1140b đặc hơn và có thể có một lõi sắt bên trong.
Và bên cạnh đó, có một điều đáng chú ý hơn, đó là vị trí của hành tinh này. Nó nằm trong vùng có thể duy trì sự sống của ngôi sao trung tâm của mình – một ngôi sao lùn đỏ có tên LHS 1140, nằm tại chòm sao Cetus.
Khoảng cách từ LHS 1140b tới ngôi sao trung tâm chỉ bằng 1/10 khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời, nhưng do sao LHS 1140 lại nguội hơn và ít sáng hơn Mặt Trời rất nhiều, điều đó khiến cho khí quyển và nước (nếu có) trên hành tinh trên không bị hủy hoại, khi nó nhận khoảng nửa lượng ánh sáng mà Trái Đất chúng ta nhận từ Mặt Trời.
“Hiện trạng của ngôi sao lùn đỏ kia rất thuận lợi để hỗ trợ sự sóng”, một nhà nghiên cứu trong đội ngũ trên, nhà thiên văn học Nicola Astudillo-Defru từ Đài thiên văn Geneva, Thụy Sĩ nói. “LHS 1140 quay chậm hơn và tỏa ra ít bức xạ có năng lượng lớn hơn những ngôi sao cùng loại khác”.
Để có được khám phá này các nhà nghiên cứu đã sử dụng thiết bị HARPS (High Accuracy Radial velocity Planet Searcher - Thiết bị tìm hành tinh với vận tốc xuyên tâm có độ chính xác cao) tại Đài thiên văn La Silla ở Chile, thuốc dự án Thiên văn Nam Châu Âu (European Southern Observatory – ESO). Hành tinh LHS 1140b ước tính đã 5 tỷ năm tuổi và không phải lúc nào cũng duy trì được sự sống. Các nhà khoa học cho rằng khi ngôi sao lùn kia còn trẻ, lượng năng lượng nó phóng ra là quá lớn khiến cho LHS 1140b không thể có nước hay khí quyển.
Hiện tại, đội ngũ phỏng đoán rằng hành tinh có thể giữ và duy trì được bầu khí quyển trong điều kiện hiện tại, có thể thông qua việc giữ hơi nước bốc lên từ những biển magma lớn, nóng chảy trên bề mặt hành tinh từ thuở xa xưa. Cần những nghiên cứu nữa để xác định xem giả thuyết này có thể thành sự thực không, có lẽ là tới năm 2014, khi mà Kính viễn vọng Cực Lớn được hoàn thành.
Những năm gần đây, không phải LHS 1140b là phát hiện thú vị duy nhất về những hành tinh ngoài hệ Mặt Trời. Gần đây, ta đã phát hiện được khí quyển trên một hành tinh Siêu Trái Đất khác, Gliese 1132b. Dù vậy, hành tinh này cũng cần thêm những nghiên cứu khác để xác định được khả năng nó có thể duy trì sự sống hay không.
Bên cạnh đó, ta còn hệ sao TRAPPIST-1 đầy hứa hẹn cũng như hành tinh “giống Trái Đất” Proxima b . Mặc dù có nghiên cứu chỉ ra rằng TRAPPIST-1 có thể không hỗ trợ được sự sống . Hiện tại ta chỉ có thể mong điều tốt đẹp nhất có thể xảy ra thôi, ta đã cô đơn quá lâu trong Vũ trụ này rồi.