Phát hành phim: Đến lúc "đàm phán cứng"

25/08/2016 08:56 AM | Kinh tế vĩ mô

Ngày 19/8, bộ phim Tấm Cám chuyện chưa kể do VAA sản xuất, BHD phát hành chính thức ra mắt khán giả. Và đây cũng là bộ phim Việt Nam gây được chú ý nhiều nhất trước khi ra rạp. Điều quan trọng là từ những lùm xùm xung quanh hệ thống phát hành, có thể thấy được vị thế của các doanh nghiệp Việt trên bàn đàm phán.

Chiều 17/8, BHD - đơn vị phát hành Tấm Cám chuyện chưa kể cùng nhà sản xuất VAA chính thức thông báo về việc bộ phim này không được chiếu trong hệ thống cụm rạp của CGV. Nguyên nhân là do giữa CGV và BHD không đạt được thỏa thuận tỷ lệ trong việc phát hành. BHD mong muốn tỷ lệ giữa chủ phim và chủ rạp là 50 - 50%, tương đương tỷ lệ của Fan Cuồng - một phim Việt Nam do CGV phát hành tại BHD Star trước đây.

Chưa kể đến công nghệ phòng chiếu, so sánh tương quan về số lượng giữa hệ thống 35 cụm rạp, 176 phòng chiếu của mình và 4 cụm rạp, 36 phòng chiếu của BHD, tất nhiên, CGV đã không đồng ý.

"Với suất chiếu lớn thì chi phí để vận hành rạp tương ứng sẽ rất cao. Tỷ lệ phân chia doanh thu phòng vé, chúng tôi đánh giá dựa trên tiêu chí chất lượng của đội ngũ sản xuất, diễn viên và đội ngũ phát hành phim. Tỷ lệ áp dụng cho bộ phim này cũng là tỷ lệ chúng tôi đã và đang làm việc với các đơn vị phát hành khác, không có sự thay đổi", đại diện CGV chia sẻ.

Đây không phải là lần đầu tiên BHD, VAA nói riêng và các đơn vị phát hành phim trong nước nói chung, bức xúc với tỷ lệ phân chia CGV dành cho họ. Ít nhất đã 2 lần, họ đã có kiến nghị đến các cơ quan chức năng, nhằm tìm được tiếng nói công bằng vì rõ ràng, so với các quốc gia khác, tỷ lệ phân chia CGV đang áp dụng cho họ là thấp hơn. Đáng tiếc, những kiến nghị này vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Vì xét về luật, CGV hoàn toàn không vi phạm.

Sự chênh lệch trong hệ thống phát hành giữa CGV và tất cả các đơn vị còn lại đã tạo nên lợi thế hơn hẳn cho "ông lớn". Ai cũng biết, bên cạnh nội dung phim, số lượng suất chiếu, rạp chiếu và giờ chiếu là những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định mang lại doanh thu cho đơn vị phát hành và nhà sản xuất.

Kinh doanh là cuộc trao đổi, thuận mua, vừa bán. Nhưng làm thế nào để "thuận", để "vừa" lại là câu chuyện của đàm phán. Khác với những lần trước, BHD và VAA đã có một "quân bài" đủ tốt để có thể nâng mình lên đàm phán ngang hàng với người dẫn đầu thị trường là CGV. Phim quy tụ dàn "sao" đẹp, diễn xuất tốt trên nền một câu chuyện tương đối có thể chấp nhận được.

Chưa kể, kỹ xảo trong phim cũng khá đẹp mắt, lại do chính đội ngũ người Việt làm. Chính CGV cũng đánh giá Tấm Cám chuyện chưa kể rất cao. Đơn vị này đã đưa ra con số cụ thể dự tính về doanh thu cho bộ phim rất ấn tượng: với 35 cụm rạp chiếu trên toàn quốc, CGV có thể hỗ trợ khoảng 10.000 suất.

Thị trường phát hành phim Việt Nam sôi động hơn hẳn trong vài năm trở lại đây, với tốc độ phát triển trung bình 35 - 40%/năm. Năm 2015, Việt Nam lọt vào danh sách thị trường điện ảnh có doanh thu nhiều hơn 100 triệu USD. Theo Tạp chí Hollywood Reporter, tỷ suất tăng trưởng từ doanh thu bán vé phim của Việt Nam năm 2012 lên đến 614%, xếp cao nhất trong số 13 thị trường điện ảnh "nóng" nhất thế giới.

Nếu số lượng người mua vé chiếm khoảng 25% trên tổng số ghế ngồi của toàn bộ hệ thống cụm rạp, con số này mang đến doanh thu khoảng 30 tỷ đồng cho Tấm Cám chuyện chưa kể. Kết hợp với doanh thu từ các kênh phát hành khác, việc thu lại 22 tỷ đồng đầu tư ban đầu và có lãi là điều mà Tấm Cám chuyện chưa kể hoàn toàn có thể làm được.

"Nếu có cam kết về 10.000 suất chiếu như thế trước đó, chắc chắn, chúng tôi sẽ đạt được thỏa thuận", BHD phản hồi. Đơn vị phát hành cũng chưa nhìn thấy được thực lực của CGV hay đây là điều chưa có tiền lệ?

Không có CGV, lại thêm phản ứng từ dư luận xung quanh việc phát hành, ghi nhận từ hệ thống các rạp trong 3 ngày đầu công chiếu, tình trạng cháy vé ở các rạp là có thật, trừ suất khuya nhất. Rõ ràng, BHD và VAA đã đặt niềm tin đúng chỗ.

Theo thông tin chưa chính thức, các đơn vị phát hành phim trong nước đã có thỏa thuận với nhau về câu chuyện đàm phán. Khi có phim đủ hay, họ sẽ không chấp nhận tỷ lệ do CGV đưa ra mà sẽ đấu tranh để đòi hỏi con số (tất nhiên là không cố định, tùy thuộc vào chất lượng sản phẩm) tương xứng cho mình. Và, Tấm Cám chuyện chưa kể là cột mốc và phép thử đầu đầu tiên.

Doanh thu sau 3 ngày của Tấm Cám chuyện chưa kể đạt 21,8 tỷ đồng, tại tất cả các cụm rạp trên toàn quốc trừ CGV. Số suất chiếu trung bình mỗi ngày hơn 900. Rõ ràng, đã có một cái kết đẹp để doanh nghiệp Việt Nam có thể bắt đầu viết nên câu chuyện mang tên lợi thế đàm phán cho mình.

Theo PHƯƠNG QUYÊN

Cùng chuyên mục
XEM