Đứng đằng sau bộ phim Tấm Cám là một công ty bí ẩn nhưng đầy quyền lực của ngành điện ảnh Việt
Từ những game show nổi tiếng như Việt Nam Idol, The Amazing Race, Vua đầu bếp... đến những bộ phim từng làm mưa làm gió như Bỗng dưng muốn khóc, Ngôi nhà hạnh phúc..., đằng sau đều là cái tên của BHD.
Mỗi buổi tối trong tuần, sau một ngày làm việc và học tập mệt mỏi, mọi người lại trở về nhà và giải trí với các chương trình truyền hình . Thời game show lên ngôi, không ai là không biết đến Việt Nam Idol, The Amazing Race, Vua đầu bếp hay Trò chơi âm nhạc, Đuổi hình bắt chữ, Ai là ai, Hãy chọn giá đúng, Ô cửa bí mật…
Còn nếu nói về phim ảnh , từ những bộ phim thần tượng từng làm mưa làm gió và đưa tên tuổi của các diễn viên trẻ thành ngôi sao như Bỗng dưng muốn khóc, Ngôi nhà hạnh phúc, Cô gái xấu xí… cho đến các những phim điện ảnh khiến người xem bật khóc như Áo lụa Hà Đông, Cánh đồng bất tận… thì đằng sau đều là một cái tên.
Đó là BHD – tên thường gọi của Công ty TNHH Bình Hạnh Đan, một trong những công ty tư nhân đầu tiên tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, phân phối, hợp tác sản xuất các chương trình truyền hình, điện ảnh.
Mới đây, BHD lại nổi lên với lùm xùm trong việc phân phối bộ phim “ Tấm Cám: Chuyện chưa kể ” với CGV do bất đồng trong tỷ lệ ăn chia lợi nhuận nhưng đều tuyên bố vì lợi ích của người yêu điện ảnh Việt.
Bộ đôi quyền lực Nguyễn Phan Quang Bình - Ngô Thị Bích Hạnh của ngành truyền thông Việt
Chân dung đại gia của truyền hình Việt
BHD thành lập năm 1996, được ghép từ tên của vợ chồng Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình – hiện giữ chức Chủ tịch, bà Ngô Thị Bích Hạnh và Đan – tên của 3 cô con gái Thảo Đan, Linh Đan, Thi Đan. Sau 20 năm hoạt động, hiện vốn điều lệ của BHD Co là 20 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Phan Quang Bình và bà Ngô Thị Bích Hạnh mỗi người nắm 50%.
Với ngành kinh doanh lõi là sản xuất nội dung trong lĩnh vực truyền thông - giải trí, hoạt động của BHD Co trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Mảng mạnh nhất và đem lại nguồn thu chính cho BHD là sản xuất và phát hành các chương trình truyền hình (gồm phim truyền hình, game show, truyền hình thực tế) do BHD Media - CTCP Truyền thông giải trí BHD phụ trách.
Công ty truyền thông này cũng có vốn điều lệ 20 tỷ đồng với sự góp mặt của các cổ đông lớn nhất là ông Bình (nắm 30,6%), bà Hạnh (nắm 30,6%), IDG Ventures Việt Nam (nắm 27,9%) và 5,8% do BHD Co sở hữu.
Với hàng loạt chương trình quen tên, BHD là 1 trong 2 đơn vị sản xuất hầu hết các game show đã và đang chiếu trên VTV3.
Bên cạnh đó, BHD Co còn đầu tư vào kênh tin tức FBNC (vốn điều lệ 47 tỷ đồng) và tham gia vào cuộc chơi rạp chiếu phim . BHD Star Cineplex có vốn điều lệ 48 tỷ đồng là đơn vị vận hành cụm rạp mang tên BHD Star Cineplex.
Cấu trúc ở hữu một số đơn vị chủ chốt trong hệ thống BHD
So với CGV và Galaxy, BHD tham gia vào lĩnh vực rạp chiếu phim muộn hơn. Năm 2009, họ liên doanh với một công ty của Ấn Độ và năm 2010 khai trương rạp BHD đầu tiên ở đường 3-2 (TP.HCM). Tháng 1/2013, BHD mở thêm cụm rạp tại tòa nhà Bitexco, trung tâm quận 1, TP.HCM. Trong vòng 2 năm 2015 và 2016, BHD đẩy nhanh tốc độ, mở thêm 5 rạp mới.
Lĩnh vực này đòi hỏi vốn lớn cho trang thiết bị ban đầu, đồng thời thơi gian thu hồi vốn cũng lâu hơn (trung bình khoảng 3 năm) nhưng BHD có mục tiêu đẩy mạnh đầu tư vào rạp chiếu phim cũng như các hình thức trình chiếu mới. Kế hoạch đến năm 2018 – 2020, BHD sẽ có hơn 20 cụm rạp trên toàn quốc.
Cuộc chiến vì người yêu điện ảnh Việt
Nhìn tốc độ tăng trưởng doanh thu của hệ thống CGV Việt Nam, phần nào thấy được sự béo bở của thị trường rạp chiếu phim. Trong năm 2015, cùng với việc tăng gấp rưỡi số lượng rạp chiếu phim thì doanh thu của CGV cũng tăng gấp rưỡi lên gần 1.800 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, mảng mạnh nhất và đem lại nguồn thu chính cho BHD là sản xuất và phát hành các game show, nhưng với tốc độ phát triển rất nhanh của lĩnh vực rạp chiếu phim thì doanh nghiệp này cũng không muốn đứng ngoài, và dù là người đến sau, BHD không giấu tham vọng đua với CGV về số lượng cụm rạp.
Nhưng trước khi điều đó xảy ra, BHD đã "đối đầu" với CGV trong vụ lùm xùm của bộ phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” do không đạt được thỏa thuận về tỷ lệ ăn chia. Lý do chính là vậy, song cuộc tranh cãi của các bên đều lấy lý lẽ là vì lợi ích của những người yêu điện ảnh Việt Nam.
Dù cuối cùng bộ phim của Ngô Thanh Vân đã không có mặt tại chuỗi rạp lớn nhất Việt Nam nhưng trong thông cáo báo chí gửi đến truyền thông mới đây, công ty BHD cho biết, doanh thu của bộ phim sau 3 ngày công chiếu đã đạt gần 22 tỷ đồng.
BHD thông báo trong niềm tin chiến thắng rằng “Sự ủng hộ của khán giả dành cho phim "Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể" là một bước tiến quan trọng trong việc giúp cho nhiều nhà sản xuất, phát hành và rạp chiếu phim như chúng tôi có cơ sở để có thể độc lập và tự tin hơn trong việc sản xuất và phát hành những bộ phim Việt có kinh phí và đầu tư nghiêm túc hơn trong tương lai."
Tuy nhiên, con số 22 tỷ đồng khiến cho “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” đang được so sánh (trong nghi ngờ) với tốc độ bán vé của Fast & Furious 7 - một bom tấn do CGV phát hành và có mặt tại tất cả các cụm rạp. Trong 3 ngày đầu ra rạp, bộ phim này thu về 1,73 triệu USD, tức tương đương 38,6 tỷ đồng.